Hãy xem thành quả

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Công nghiệp cơ khí được đánh giá là cơ bản, then chốt, mũi nhọn trong tiến trình công nghiệp hóa kinh tế công nghiệp và hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện Quyết định 186 về Chiến lược phát triển công nghiệp cơ khí và 5 năm thực hiện Quyết định 10 của Thủ tướng về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm thì ngay cả những sản phẩm thuộc lĩnh vực cơ khí trọng điểm cũng chưa được đầu tư sản xuất, hoặc khó có được cơ hội trên chính sân nhà.

Hãy xem thành quả
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Mặc dù, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam. Và mới đây, tại cuộc Hội thảo bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn bất cập cho các dự án cơ khí trọng điểm được Bộ Công thương - đại diện cơ quan quản lý nhà nước phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) với hơn 200 doanh nghiệp thành viên hoạt động trong lĩnh vực này cho thấy, phải tháo gỡ rất nhiều vướng mắc bất cập mới mong có được thay đổi tích cực trong lĩnh vực công nghiệp then chốt này.

Theo thống kê của Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), giá trị sản xuất công nghiệp cơ khí những năm gần đây đã có mức tăng trưởng đáng kể. Năm 2013 đạt khoảng 700 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của toàn ngành công nghiệp. Giá trị xuất khẩu năm 2013 đạt trên 13 tỷ USD, tăng gấp 6 lần so với giá trị xuất khẩu năm 2006 (thời điểm chưa có các cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và tác dụng lan tỏa từ cơ chế này. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa phản ánh đúng tiềm năng hiện có của các doanh nghiệp cơ khí và chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước. Tỷ lệ nội địa hóa sau hơn 10 năm thực hiện Chiến lược cơ khí mới chỉ đạt khoảng 35%, chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra (40-50%).

Một trong những nguyên nhân cơ bản được Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VAMI Đào Phan Long chỉ ra là, sự dàn trải trong xác định các sản phẩm cơ khí trọng điểm, trong khi năng lực của doanh nghiệp còn hạn chế, nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực cơ khí chưa được các tổ chức tài chính, tín dụng quan tâm, dù đã có nhiều chủ trương, chính sách vĩ mô được ban hành. Mặc dù Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp cơ khí từ năm 2002 nhưng mãi đến năm 2009 mới có quyết định cụ thể hóa các cơ chế hỗ trợ xem được ưu tiên, ưu đãi gì, và đến giờ, các cơ chế này hầu như vẫn nằm trên giấy bởi mỗi bộ, ngành còn hiểu theo những cách khác nhau.

Bức xúc hơn là ý kiến của Chủ tịch Công ty ô tô Xuân Kiên Bùi Ngọc Huyên, khi đã nhiều năm theo đuổi chiến lược nội địa hóa và hoàn thiện 3 dòng xe tải nhẹ và xe cá nhân. Miệt mài với thương hiệu ô tô “made in Vietnam” Vinaxuki, hăm hở với chính sách ưu đãi cho ngành công nghiệp cơ khí, công nghiệp cơ khí trọng điểm và công nghiệp ô tô, nhưng giờ đây, ông Bùi Ngọc Huyên bất lực bởi Vinaxuki đã trở thành con nợ lớn, với những chiếc xe còn dang dở như chính những chính sách đang được thực thi nửa vời.

Cùng quan điểm này, Tổng giám đốc Công ty cổ phần chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard) Phan Tử Giang khẳng định, các chính sách hỗ trợ còn khá chung chung và khó có thể triển khai trong thực tiễn - khi dẫn chứng việc tiếp cận vốn cho 2 dự án giàn khoan dầu khí trị giá gần 500 triệu USD vào năm 2010 (dự án thuộc danh mục cơ khí trọng điểm được ưu tiên hỗ trợ) nhưng Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) không đáp ứng được nguồn vốn, khiến PV Shipyard phải vay thương mại 800 tỷ đồng với lãi suất 21% trong vòng 6 tháng để đầu tư.

Trước rất nhiều kiến nghị của doanh nghiệp từ cơ chế, chính sách vĩ mô, sản phẩm nào thực sự được coi là trọng điểm đến những ưu tiên về vốn cho các sản phẩm thuộc danh mục này, Phó chủ tịch Đào Phan Long cho rằng, các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cũng cần phải ngồi lại để xem đã đầu tư đúng hướng chưa, công nghệ đã đủ sức cạnh tranh chưa, các doanh nghiệp cơ khí thuộc các thành phần kinh tế đã hợp tác với nhau để tạo sức mạnh chưa, rồi cách thức quản lý sản xuất trong doanh nghiệp đã bài bản chưa.

 Theo ông Đào Phan Long, từ năm 2018, khu vực ASEAN giảm thuế rất nhiều mặt hàng, do đó cần phải xem xét chính sách thuế để bảo vệ hàng hóa sản phẩm cơ khí trong nước, xây dựng các hàng rào kỹ thuật cho sản phẩm cơ khí trọng điểm. Cùng với đó, hệ thống cơ chế chính sách của Nhà nước phải đồng bộ và phải đi vào cuộc sống.