Hiệu quả của chính sách tín dụng đối với công tác giảm nghèo


Trong những năm qua, cơ chế, chính sách phục vụ cho công tác giảm nghèo ở Việt Nam không ngừng được hoàn thiện, tạo điều kiện cho người nghèo dễ dàng tiếp cận cơ chế ưu đãi... Nhờ đó, công tác giảm nghèo đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, so với yêu cầu giảm nghèo bền vững, công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc...

Phát huy hiệu quả của chính sách tín dụng đối với công tác giảm nghèo
Phát huy hiệu quả của chính sách tín dụng đối với công tác giảm nghèo

 Chuyển biến tích cực trong công tác xóa nghèo

Theo Báo cáo về nghèo đa chiều ở Việt Nam, do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam vừa công bố, trong những năm qua, Việt Nam liên tục đạt được nhiều tiến bộ trong công tác xóa nghèo. Cụ thể: Tỷ lệ nghèo cùng cực giảm mạnh từ 49,2% (năm 1992) xuống còn 2% (năm 2016). Trong số 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (17 SDG) mà Việt Nam cam kết đạt được vào năm 2030, mục tiêu SDG1 về xóa nghèo dưới mọi hình thức, ở mọi nơi có khả năng đạt được cao nhất. Điều này đưa Việt Nam trở thành một trong số những nước đi đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong việc áp dụng cách tiếp cận nghèo đa chiều trong quá trình thực hiện SDG1.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng tái nghèo hoặc các hộ dễ bị tổn thương rơi vào nghèo. Nghèo đói vẫn tồn tại ở nhiều khu vực, đặc biệt là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tỷ lệ nghèo ở vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cao gấp 2 lần so với mức trung bình của cả nước. Trong khi tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2016 của dân tộc Kinh là 6,4% thì tỷ lệ này ở một số nhóm dân tộc thiểu số cao hơn nhiều, đơn cử như tỷ lệ của dân tộc Mông là 76,2%, Dao 37,5%, và Khmer 23,7%.

Mặc dù chính sách hỗ trợ của nhà nước là cần thiết và quan trọng nhưng muốn công tác xóa nghèo đạt được hiệu quả thì người nghèo phải nhận thức rõ mình chính là chủ thể của tiến trình giảm nghèo, có trách nhiệm hơn nữa trong vươn lên thoát nghèo. Bởi thực tế không ít hộ nghèo vẫn còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; tâm lý chính sách ban phát và cách thức thụ động nhận hỗ trợ đã khiến chương trình giảm nghèo ở không ít nơi chệch hướng ngay từ điểm xuất phát.

Đặc biệt, chính sách tín dụng vì người nghèo trong cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế là xu hướng tất yếu của nền kinh tế thế giới đòi hỏi phải giải quyết cùng một lúc nhiều vấn đề, trong đó, phân bổ các nguồn lực để đào tạo nghề và kỹ năng làm việc cho người lao động là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, không có trình độ chuyên môn, không có kỹ năng làm việc cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nghèo của người lao động Việt Nam trong bối cảnh một nền kinh tế toàn cầu như hiện nay.

Phát huy hiệu quả của chính sách tín dụng đối với công tác giảm nghèo

Chính sách tín dụng có ý nghĩa rất lớn trong công tác giảm nghèo và có vai trò quan trọng đảm bảo cho công tác giảm nghèo bền vững thành công, tuy nhiên, để phát huy tốt chính sách này, trong thời gian tới cần chú trọng một số nội dung sau:

Thứ nhất, đảm bảo sự công bằng cho người nghèo trong việc tiếp cận các nguồn lực và trong việc hưởng lợi từ các chương trình tín dụng chính sách cho người nghèo.

Bất bình đẳng cơ hội, tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng thu nhâp có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Bất bình đẳng cơ hội là nguồn gốc của bất bình đẳng về kinh tế. Nguyên nhân chính của tình trạng nghèo đói và bất công bằng về thu nhập đối với người nghèo là do người nghèo không được tiếp cận một cách bình đẳng các cơ hội phát triển. Để bảo đảm công bằng cho người nghèo trong tiếp cận các chính sách đòi hỏi chính sách tín dụng vì người nghèo trong bối cảnh mới này đòi hỏi phải giải quyết cùng một lúc nhiều vấn đề, trong đó, phân bổ các nguồn lực để đào tạo nghề và kỹ năng làm việc cho người lao động là vấn đề  được đặt lên hàng đầu...

Thứ hai, chính sách tín dụng cho công tác giảm nghèo là công cụ khắc phục khuyết tật của cơ chế thị trường. 

Chính sách tín dụng vì người nghèo không chỉ là công cụ khắc phục khuyết tật của cơ chế thị trường mà còn là công cụ thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, việc hoạch định và thực thi chính sách tín dụng vì người nghèo trong giai đoạn hiện nay phải đòi hỏi phải mang lại sự công bằng trong phân phối các cơ hội tiếp cận nguồn lực và công bằng trong phân phối nguồn lực nhằm giảm bớt khoảng cách chênh lệch giàu và nghèo, nâng cao thu nhập chính đáng của người giàu, người nghèo và của toàn xã hội. Để làm được điều đó, cần thiết phải có một hệ thống các giải pháp từ phía nhà nước, từ các DN và các tổ chức xã hội nhằm giảm bất công bằng trong phân phối nguồn lực cho người nghèo.

 Thứ ba, chính sách tín dụng cho công tác giảm nghèo là chính sách hỗ trợ cho người nghèo tự vươn lên thoát nghèo.

Người nghèo muốn thoát nghèo bền vững đòi hỏi phải có những nguồn nội lực xuất phát từ chính bản thân họ như trình độ học vấn tốt, có kỹ năng nghề nghiệp, có sức khỏe tốt. Để giúp người nghèo nâng cao được những nguồn lực nội tại đó, chính sách tín dụng vì người nghèo sẽ là những nguồn lực bổ trợ cho người nghèo để tự vươn lên thoát nghèo bền vững.

 Thứ tư, chính sách tín dụng cho công tác giảm nghèo phải tương hợp với các chính sách kinh tế - xã hội khác.

Chính sách tín dụng cho công tác giảm nghèo là trụ cột của chính sách giảm nghèo và là một trong những chính sách bộ phận của chính sách kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc xây dựng, thực thi và đánh giá hiệu quả của chính sách không thể đặt riêng lẻ mà phải đặt trong mối quan hệ với các chính sách kinh tế - xã hội khác như chính sách tăng trưởng, chính sách tài chính - tiền tệ, chính sách giải quyết việc làm…

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội;

2. Ban Bí thư (2014), Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội;

3. UNDP, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (2018), Báo cáo về nghèo đa chiều ở Việt Nam;

4. Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam, Báo cáo tổng kết 15 năm (2002 – 2017) thực hiện tín dụng chính sách xã hội.