Hóa đơn tiền điện tăng đột biến do thời tiết?

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Đã có khá nhiều khách hàng tiêu dùng điện sinh hoạt thắc mắc về việc hóa đơn tiền điện sinh hoạt tháng 3 (kỳ phát hành hóa đơn khách hàng nhận vào tháng 4.2015) tăng cao đột biến so với tháng trước. Có phải chỉ do giá điện được điều chỉnh tăng từ ngày 16.3, hay còn nguyên nhân nào khác?

Hóa đơn tiền điện sinh hoạt tháng 3 tăng cao đột biến so với tháng trước. Nguồn: internet
Hóa đơn tiền điện sinh hoạt tháng 3 tăng cao đột biến so với tháng trước. Nguồn: internet

Lý do căn bản nhất của hóa đơn tiền điện tháng 3.2015 tăng là do giá điện được điều chỉnh tăng 7,5%, tương ứng giá bán điện bình quân 1.622,05 đồng/kWh. Cụ thể, từ 16.3.2015, ngành điện bắt đầu tính tiền điện cho khách hàng theo giá điện mới, được quy định tại Quyết định số 2256/QĐ-BCT ngày 12.3.2015 của Bộ trưởng Bộ Công thương.

Cục trưởng Cục điều tiết điện lực, Bộ Công thương Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, với giá bán điện mới, tiền điện tăng bình quân của các hộ tiêu thụ trung bình và hộ chính sách không lớn, nhất là đối với các hộ sử dụng dưới 100kWh/tháng. Cụ thể, với hộ sử dụng 50kWh/tháng, tiền điện tăng bình quân là 4.800 đồng; với hộ sử dụng khoảng 100kWh/tháng, số tiền tăng là 9.800 đồng. Biểu giá điện lần này cũng đã tính đến ảnh hưởng đối với một số đối tượng cụ thể nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ các hộ nghèo, hộ chính sách. Theo tính toán, kinh phí từ ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội dự kiến sẽ tăng mỗi năm khoảng 153 tỷ đồng (hiện tại khoảng 1.000 tỷ đồng).

Tuy nhiên, khá nhiều hộ gia đình ở Hà Nội và một số tỉnh, thành phía Bắc cho rằng, hóa đơn thu tiền điện tháng 3 đã tăng đột biến, gấp rưỡi, thậm chí gấp gần 2 lần so với tháng trước đó. Trưởng ban Kinh doanh, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội Nguyễn Xuân Thắng cho biết, có 3 yếu tố cơ bản: thứ nhất, đó là số ngày sử dụng thực tế của kỳ hóa đơn tháng 4 là 31 ngày, tăng so với tháng liền kề 3 ngày, vì tháng 2 chỉ có 28 ngày; thứ hai là vào khoảng giữa tháng 3 vừa qua, từ ngày 15.3 - 21.3 và những ngày đầu tháng 4, nhiệt độ dao động trên 30 độ C, nhu cầu sử dụng điều hòa nhiệt độ của nhiều gia đình, cơ quan, doanh nghiệp tăng. Thời tiết nồm, ẩm, mưa phùn kéo dài khiến nhu cầu sử dụng cùng lúc các thiết bị điện như bình nóng lạnh, máy sấy quần áo tăng cao khiến sản lượng tiêu thụ điện của khách hàng có mức tiêu thụ ở mức trung bình trở lên tăng cao; và thứ ba, giá điện tăng cũng khiến lũy tiến tăng theo bậc thang, càng dùng nhiều điện thì các bậc thang sau giá điện càng cao.

Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP Hà Nội Đào Hồng Thái  cho rằng, việc sử dụng không đúng cách các thiết bị điện cũng gây tiêu tốn nhiều điện năng hơn so với thông thường. Chưa có thói quen rút phích cắm điện ra khỏi ổ điện khi không sử dụng thiết bị. Không ít gia đình chưa có thói quen bảo dưỡng điều hòa nhiệt độ trước khi sử dụng lại nên cũng gây tiêu tốn năng lượng nhiều hơn, hiệu suất sử dụng không cao.

Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến cho rằng, do ngành điện chủ yếu ghi, chốt chỉ số công tơ thủ công, máy móc nên rất dễ dẫn đến sai lệch (cả khách quan lẫn chủ đích). Những nghi ngại về việc ghi chốt chỉ số công tơ theo kiểu cộng dồn sau mỗi lần tăng giá lâu nay chưa có lời giải đáp thỏa đáng từ phía ngành điện. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cho rằng, chỉ khi áp dụng lưới điện thông minh, đo đếm bằng công tơ điện tử và kết nối thông tin, công khai lượng điện năng sử dụng hàng ngày để khách hàng chủ động kiểm soát được trên mạng (như đang áp dụng tại huyện đảo Lý Sơn), khi đó khách hàng mới yên tâm, tin tưởng vào sự minh bạch của ngành điện.