Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam


Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 16 và đang hướng tới TOP 10 đối tác thương mại của Hoa Kỳ. Ở chiều ngược lại, Hoa Kỳ cũng là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài

Theo số liệu của Cục Thống kê Mỹ, ba tháng đầu năm 2019, tốc độ xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam đến Mỹ tăng 40,2% so với cùng kỳ năm trước. Hãng Bloomberg đánh giá, đây là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong nhóm 12 nước xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ năm 2018. 

Tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ 2019 diễn ra tháng 5 vừa qua, hơn 250 đại diện Chính phủ, lãnh đạo ngành và cộng đồng doanh nghiệp hai nước đã thảo luận, đưa ra những khuyến nghị nhằm đưa quan hệ kinh tế hai bên phát triển thực chất thời gian tới.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chia sẻ, Việt Nam là thị trường hơn 90 triệu dân, với nguồn lao động trẻ, nền chính trị - xã hội ổn định cùng những nỗ lực đổi mới, cải cách của Chính phủ, với vai trò, vị thế ngày càng cao trong khu vực và quốc tế, Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

 Hiện có 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký hơn 340 tỷ USD, trong đó Hoa Kỳ có 900 dự án còn hiệu lực với tổng giá trị hơn 9 tỷ USD.

Trong nhiều năm qua, Hoa Kỳ liên tục là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều tăng hơn 130 lần kể từ năm 1994 đến nay.

Các doanh nghiệp của Hoa Kỳ đã đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam và con số này đang ngày một tăng thêm. Nhiều doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư lâu dài hoặc chuyển hướng đầu tư từ các nước trong khu vực về Việt Nam. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Hoa Kỳ, và đang mong muốn ở top 10 đối tác thương mại của Hoa Kỳ. Ở chiều ngược lại, Hoa Kỳ cũng là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam.

Theo ông John Goyer – Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á, Phòng Thương mại Hoa Kỳ: Thị trường Hoa Kỳ luôn rộng mở đối với các doanh nghiệp Việt Nam, rộng mở nhưng đầy cạnh tranh. Chúng tôi mong muốn nhìn thấy nhiều nhà đầu tư của Việt Nam hơn nữa hiện diện tại Hoa Kỳ.

“Các doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ đang bắt tay nhau để triển khai những dự án tiềm năng trong các lĩnh vực chế tạo, chế biến, năng lượng sạch, hàng không, công nghệ số, y tế, dược phẩm và nhiều lĩnh vực khác” – Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ 2019, nhân kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ thương mại hai nước.  

Hoa Kỳ đứng vị trí thứ 3 trong quan hệ ngoại thương với Việt Nam

Năm 1995, năm Việt Nam - Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước mới dừng ở mức 450 triệu USD, thì đến năm 2018 thương mại Việt - Mỹ đã được nâng lên hơn 60 tỷ USD, gấp 133 lần so với 23 năm trước.

Đặc biệt, kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO vào năm 2007,  giá trị xuất nhập khẩu song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ mới đạt con số gần 11,8 tỷ USD nhưng đến năm 2018 con số này đã lên đến hơn 60 tỷ USD, gấp 5 lần thời điểm 2007.

Trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 47,52 tỷ USD, gấp 5 lần và trong khi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Hoa Kỳ đạt tới 12,75 tỷ USD, gấp tới 8 lần. Với tốc độ tăng trưởng ở mức cao, Hoa Kỳ duy trì vị thế là đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 20% trong tổng trị giá xuất khẩu.

Đồng thời, nền kinh tế lớn nhất thế giới này cũng là thị trường đứng thứ 5 về cung cấp hàng hóa cho Việt Nam, chiếm tỷ trọng 5% trong tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu của nước ta. Tính chung về quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu, Hoa Kỳ đứng vị trí thứ 3 trong hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ ngoại thương với Việt Nam (sau Trung Quốc và Hàn Quốc).

Không chỉ năm 2018 mà trong nhiều năm qua, Việt Nam liên tục duy trì được thặng dư thương mại với Hoa Kỳ. Đáng lưu ý, trong 3 đối tác thương mại lớn nhất, Hoa Kỳ là thành viên duy nhất Việt Nam đạt được thặng dư thương mại với con số xuất siêu gần 35 tỷ USD trong năm 2018, trong khi nước ta nhập siêu lớn từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Các chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Việt Nam trong năm 2017 và 2019 cũng mang tới cho các doanh nghiệp Mỹ những thỏa thuận mua hàng hóa trị giá hàng chục tỷ USD kí với các đối tác Việt Nam. Trong khi đó Việt Nam đang tiếp tục chủ trương cải thiện môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp Mỹ ở Việt Nam và đang tạo điều kiện đối với các vấn đề mà Mỹ quan tâm, như: nhập khẩu ôtô, an ninh mạng, thanh toán điện tử và tài chính-tiền tệ...

Nhiều chuyên gia nhận định, tranh chấp thương mại ngày càng gia tăng chắc chắn đang thúc đẩy xu hướng các nhà sản xuất tại Mỹ dịch chuyển sang Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Các nhà kinh tế tại ngân hàng đầu tư Nomura của Nhật Bản cho biết, nhiều nhà nhập khẩu ở Mỹ và Trung Quốc đang tìm nguồn cung ứng hàng hóa từ các nước thứ ba để vượt qua các đợt tăng thuế do chính phủ của họ áp đặt lên một số sản phẩm của hai bên.

Tuy nhiên, theo thời gian, phản ứng lớn nhất có khả năng xảy ra là chuyển hướng thương mại. Thuế quan cao giữa hai nền kinh tế khiến các nhà cung cấp ở phần còn lại của thế giới cạnh tranh hơn so với các công ty Mỹ và Trung Quốc.

Do đó, với ưu thế vị trí gần Trung Quốc, cung cấp nguồn lao động với chi phí thấp, cũng như có môi trường kinh doanh đang được cải thiện; đồng thời là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới và sở hữu nhiều hiệp định FTA thế hệ mới có nhiều ưu đãi thuế quan với các nền kinh tế lớn, Việt Nam đang nằm trong "tầm ngắm" của nhiều doanh nghiệp lớn.

Các mặt hàng được dự báo sẽ được hưởng những ưu thế là dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ...Việc hàng Việt Nam có thể lọt qua được rào cản của Mỹ cho thấy các doanh nghiệp đang dần quan tâm hơn đến việc nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời đáp ứng được các quy chuẩn theo thông lệ quốc tế.

Như PGS., TS. Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công thương nhận định, điều này sẽ mang lại lợi thế như một "giấy thông hành" để hàng hóa Việt Nam đi các thị trường khác. Mặt khác, khi xuất khẩu được vào thị trường Mỹ tức khả năng tìm hiểu thị trường cũng như nhu cầu thị trường của Việt Nam tăng lên, từ đó định hướng cho việc nhập khẩu công nghệ hiện đại để sản xuất ra những mặt hàng chất lượng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và sự không chắc chắn do cuộc chiến thương mại kéo dài cũng đem đến những bất ổn.

Giáo sư Michael George Plummer, hiệu trưởng trường Nghiên cứu quốc tế tiên tiến (SAIS), Đại học Johns Hopkins, Italy cho biết, kinh tế Trung Quốc bị suy giảm có thể dần dẫn tới tác động tiêu cực đến hàng xuất khẩu của Việt Nam. "Chiến tranh thương mại kéo dài có thể khiến đồng NDT bị mất giá và hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn. Mặt khác, Mỹ có thể tìm cách hủy bỏ các quy định hỗ trợ thương mại toàn cầu", ông phân tích.

Ngăn chặn hàng hóa nước ngoài gắn mác hàng Việt để xuất khẩu sang Mỹ né thuế

Một điều đáng lưu ý rằng, mặc dù Mỹ gia tăng nhập khẩu các sản phẩm từ Việt Nam nhưng chủ yếu vẫn là các mặt hàng truyền thống như da giày, dệt may. Đồng thời, các nhà sản xuất của Trung Quốc trong lĩnh vực này cũng đang tiến hành dịch chuyển mạnh mẽ sang Việt Nam. Điều này dễ làm tăng nguy cơ hàng Trung Quốc trà trộn gắn mác hàng Việt để xuất khẩu sang Mỹ né thuế.

Do đó, để các doanh nghiệp Việt Nam tránh lặp lại bài học của Trung Quốc bằng cách đóng góp nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, để giảm thiểu lao động. Bên cạnh đó, theo một số chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam trước khi xuất khẩu sang Mỹ nên có những thử nghiệm ngẫu nhiên và thử nghiệm thường xuyên để phát hiện lỗi.

Hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chú ý theo dõi chặt chẽ phản ứng của khách hàng, đặc biệt là các khách hàng tại thị trường đối tác. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến việc chậm khắc phục dẫn đến các vụ kiện hoặc bị xử phạt rất nặng.

Chuyên gia Celeste Leroux thuộc NOAA cho biết, thủy hải sản cũng là mặt hàng được hưởng lợi nhờ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, khi nhập khẩu vào thị trường Mỹ, các doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản trong hồ sơ phải thường trú tại Mỹ và có giấy phép thương mại thủy sản quốc tế hiện hành; doanh nghiệp thủy sản cần có hai loại thông tin truy xuất nguồn gốc bắt buộc phải có là: thông tin về thu hoạch và cập bờ phải được báo cáo bằng điện tử, tại thời điểm nhập khẩu thông qua Hệ thống dữ liệu thương mại quốc tế (ITDS) và hồ sơ chuỗi hành trình. 

Trong thời gian tới, chính phủ sẽ tăng nặng việc xử phạt để răn đe tình trạng hàng hóa nước ngoài lấy danh nghĩa hàng Việt Nam để vào thị trường khác. Cùng với định hướng thu hút các nguồn vốn đầu tư FDI chất lượng cao, đồng thời tăng cường hợp tác chuyển giao công nghệ với các nước thuộc khu vực châu Âu được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp Việt có bước chuyển mình mạnh mẽ hơn, tận dụng tối đa cơ hội từ chiến tranh thương mại.