Hoàn thiện cơ chế phân cấp trong quản lý FDI

Theo Báo Đầu tư

Trao đổi với báo giới vào cuối tuần qua, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng cho biết, năm 2013, nhiều giải pháp sẽ được thực hiện để tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.

Thưa ông, năm 2012, luồng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục suy giảm. Đây có phải là một dấu hiệu đáng lo ngại?

Hoàn thiện cơ chế phân cấp trong quản lý FDI - Ảnh 1
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng
Đúng là năm 2012, vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục có xu hướng giảm, khi vốn cấp mới và tăng thêm chỉ đạt 13,01 tỷ USD, bằng 84,7% so với năm 2011. Tuy nhiên, việc vốn giải ngân ước đạt 10,46 tỷ USD, bằng 95,1% mức thực hiện của năm 2011 cũng có thể coi là một kết quả tích cực.

Hơn nữa, việc lượng vốn tăng thêm đạt 5,15 tỷ USD, tăng 58,5% so với năm 2011 đã chúng tỏ các nhà đầu tư đã và đang làm ăn ở Việt Nam tin tưởng vào môi trường đầu tư, cũng như triển vọng trong tương lai của Việt Nam.

Chính vì vậy mà họ sẵn sàng tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Đây chính là một điểm sáng về FDI trong năm 2012.

Với đà này, thì liệu năm 2013, tình hình thu hút FDI sẽ ra sao, thưa ông?

Năm 2013, kinh tế thế giới và Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, do vậy, nguồn vốn FDI chưa thể hồi phục mạnh trong năm tới. Chúng tôi dự kiến, năm 2013, vốn đầu tư đăng ký sẽ đạt 13-14 tỷ USD, còn vốn thực hiện đạt 10,5 - 11 tỷ USD.

Nhưng thưa ông, một trong những khía cạnh mà gần đây dư luận thường nhắc tới, đó là cạnh tranh thu hút FDI ngày càng trở nên gay gắt hơn, trong khi môi trường đầu tư của Việt Nam chậm được cải thiện. Vậy sẽ phải làm thế nào để vốn FDI tiếp tục vào Việt Nam?

Đúng là đang xuất hiện một làn sóng cạnh tranh thu hút vốn FDI rất mạnh mẽ giữa các quốc gia trong khu vực, như Thái Lan, Indonesia, thậm chí cả Lào, Campuchia và mới đây là Myanmar. Trong bối cảnh đó, việc các chính sách pháp luật còn chậm được cải tiến, hay thay đổi, lại có những chồng chéo, mâu thuẫn… phần nào đã làm giảm tính cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam. Chính vì thế, giải pháp được chúng tôi đặt ra là phải hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư, cũng như ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với định hướng thu hút FDI giai đoạn 2011 - 2020.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý FDI đến năm 2020, trong đó quy định rõ những cơ chế, chính sách cụ thể, tránh tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, không rõ ràng, đảm bảo môi trường đầu tư của Việt Nam không kém hấp dẫn hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Dự thảo Nghị quyết này sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ ngay trong tháng 1 này.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng quan tâm giải quyết các vấn đề liên quan đến nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quy hoạch, tiếp tục thực hiện tốt 3 khâu đột phá chiến lược, nâng cao hiệu quả công tác quản lý dòng vốn FDI, cải tiến căn bản phương thức xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng xúc tiến đầu tư tràn lan như hiện nay… Đồng thời, hoàn thiện cơ chế phân cấp trong quản lý FDI.

Ông vừa nhắc tới cơ chế phân cấp FDI. Dư luận gần đây đã nói nhiều về những bất cập của cơ chế này và cũng đã có những đề xuất về việc các dự án lớn nên đưa về Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép. Liệu có chuyện này hay không, thưa ông?

Sẽ không có chuyện đó. Đúng là hiện nay có những vấn đề về phân cấp, phân quyền và chúng tôi cũng đã tính tới chuyện điều chỉnh cơ chế phân cấp. Tuy nhiên, cơ chế này sẽ chỉ được hoàn thiện theo hướng những dự án có quy mô lớn, có tác động lan tỏa cao, hay dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội…, thì phải được đưa về các bộ, ngành thẩm định, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Chúng tôi sẽ quy định một quy trình thẩm định dự án thật chặt chẽ để thấy hết được những tác động của dự án đối với kinh tế - xã hội địa phương, cũng như các vấn đề liên quan đến môi trường, sử dụng đất đai… Địa phương vẫn sẽ là nơi cấp phép đầu tư các dự án.

Vậy còn vấn đề chuyển giá. Gần đây, các nghi án về chuyển giá của các doanh nghiệp FDI như Coca-Cola, Metro Cash & Carry, Keangnam Vina… đã gây nhiều bức xúc trong dư luận…?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã từng làm một đề án về chống chuyển giá, trình Thủ tướng Chính phủ và được đánh giá cao. Tuy nhiên, vì công tác chống chuyển giá liên quan nhiều tới vấn đề thuế, nên Chính phủ đã quyết định giao Bộ Tài chính chủ trì giai đoạn II.

Chúng tôi đã bàn bạc, thảo luận và đưa ra một loạt giải pháp để chống chuyển giá trong thời gian tới, như hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng đội ngũ chuyên gia về chuyển giá, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu để so sánh giá với các nước xung quanh. Tiếp theo đó, ban hành quy định về thỏa thuận giá trước, rồi tiến hành thanh tra chống chuyển giá… Đây là những việc sẽ được thực hiện để có thể đẩy mạnh công tác chống chuyển giá trong các doanh nghiệp FDI.