Hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp

Nguyễn Văn Thịnh - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

Nhiều năm trở lại đây, vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển đã và đang trở thành một ưu tiên quan trọng ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bài viết phân tích thực trạng các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay và đề xuất một số gợi ý chính sách nhằm hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khu vực doanh nghiệp này phát triển. Với đặc điểm của các hoạt động hỗ trợ nói chung và hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng đã và đang triển khai tại Việt Nam, phạm vi bài viết giới hạn đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo quy mô nhỏ và vừa.

Vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển đã và đang trở thành một ưu tiên quan trọng ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nguồn: Internet
Vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển đã và đang trở thành một ưu tiên quan trọng ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nguồn: Internet

Tổng quan về hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam

Hệ thống pháp lý hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp được đề cập chính thức tại các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam từ năm 2016 và vẫn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Trên thực tế, các quy định liên quan đến hỗ trợ DN khởi nghiệp đã xuất hiện từ những năm đầu 2010, khi Nghị định về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của Chính phủ (Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009) được ban hành.

Tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP, mô hình vườn ươm DN, một trong những hình thức hỗ trợ kinh doanh trong hệ sinh thái khởi nghiệp được chính thức thừa nhận và là tổ chức có chức năng hỗ trợ các DNNVV, trong đó có các DN khởi nghiệp thông qua việc sử dụng không gian ươm tạo để hỗ trợ các DN.

Hệ thống pháp luật về hỗ trợ khởi nghiệp này bao gồm 02 loại hình: Các văn bản pháp luật chính thức ở cấp độ luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; Các cơ chế, chính sách cụ thể (văn bản điều hành: quyết định và đề án của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền địa phương).

Quy định pháp luật

Các văn bản, quy định pháp luật về hỗ trợ khuyến khích các DN khởi nghiệp mới được xây dựng và ban hành trong một vài năm gần đây tại Việt Nam. Các văn bản và quy định pháp luật này thường đưa ra các định hướng hỗ trợ cả DNNVV cũng như DN khởi nghiệp sáng tạo. Nếu một DN khởi nghiệp đăng ký kinh doanh để được công nhận là một DNNVV thì có thể thuộc đối tượng thụ hưởng tất cả các hình thức hỗ trợ theo quy định của luật và văn bản hướng dẫn. Các văn bản pháp luật chính thức bao gồm:

Luật Hỗ trợ DNNVV (số 04/2017/QH14), được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV (tháng 6/2017) và có hiệu lực từ 01/01/2018. Tại khoản 2 Điều 3 của Luật này đã định nghĩa “DNNVV khởi nghiệp sáng tạo (đối tượng được hỗ trợ theo Luật) là DN được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh”.

Các quy định về hỗ trợ đối với DNNVV khởi nghiệp sáng tạo được quy định tại Điều 17 Luật Hỗ trợ DNNVV, bao gồm 2 điều kiện để nhận hỗ trợ: (i) Có thời hạn không quá 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu; (ii) Chưa chào bán chứng khoán ra công chúng.

Cũng theo quy định tại Điều 17, có 5 hình thức hỗ trợ đối với DNNVV khởi nghiệp sáng tạo gồm: (i) Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật; hỗ trợ tham gia cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; hướng dẫn thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới; (ii) Hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu về xây dựng, phát triển sản phẩm; thu hút đầu tư; tư vấn về sở hữu trí tuệ; thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; (iii) Hỗ trợ về thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kế nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo, thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; (iv) Hỗ trợ thực hiện thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; (v) Cơ chế cấp bù lãi suất đối với khoản vay của DNNVV khởi nghiệp sáng tạo thông qua các tổ chức tín dụng.

Sau khi Luật được ban hành, để hướng dẫn cụ thể một số quy định của Luật, trong đó có quy định về hỗ trợ DN khởi nghiệp, các cơ quan liên quan đã và đang triển khai xây dựng 04 Nghị định hướng dẫn. Hiện nay, đã có 3 Nghị định được ban hành, 1 Nghị định còn đang trong giai đoạn dự thảo. Cụ thể:

- Nghị định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV (số 34/2018/NĐ-CP).

- Nghị định hướng dẫn quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV (số 39/2018/NĐ-CP).

- Nghị định quy định chi tiết về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo (số 38/2018/NĐ-CP).

- Dự thảo Nghị định hướng dẫn về Quỹ Phát triển DNNVV.

Trong các văn bản hướng dẫn trên, Nghị định số 38/2018/NĐ-CP về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo đã quy định cụ thể vấn đề đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, DN thực hiện hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, cơ chế sử dụng ngân sách địa phương đầu tư vào DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Các nội dung được quy định tại Nghị định này tạo khung pháp luật cơ bản cho hoạt động trong thời gian tới.

Các cơ chế, chính sách

Trong thời gian qua, một số cơ chế, chính sách, đã được Thủ tướng Chính phủ và các chính quyền địa phương liên quan ban hành nhằm cụ thể hóa các quy định liên quan đến hỗ trợ phát triển các DN khởi nghiệp, cụ thể:

- Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025”. Đây là văn bản chính sách đầu tiên, bao quát nhất và là nền tảng về chính sách hỗ trợ đối với DN khởi nghiệp của Việt Nam. Đề án được xây dựng và chủ trì triển khai thực hiện bởi Bộ Khoa học và Công nghệ, có phạm vi bao trùm toàn quốc.

- Quyết định số 171/QĐ-BKHCN ngày 7/02/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt danh mục nhiệm vụ đặt hàng thuộc Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025” bắt đầu thực hiện từ năm 2017 và Quyết định số 3362/QĐ-BKHCN ban hành quy định tạm thời xử lý hồ sơ tham gia Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025”. Theo Quyết định này, có 12 dự án và 03 đề tài cụ thể sẽ được triển khai với mục tiêu: Nâng cao năng lực cho các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, liên kết các hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia và xây dựng cơ chế, chính sách phát triển khoa học và công nghệ hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo.

Bên cạnh đó, còn các nghị quyết của các HĐND tỉnh, các quyết định, kế hoạch, chương trình của UBND tỉnh về khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Phần lớn các văn bản này được ban hành trong năm 2017. Tính tới 10/2017, đã có 22 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có văn bản chính sách về vấn đề này. 

Ngoài ra, còn một số đề án khác mà Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn có liên quan tới khởi nghiệp. Các đề án này không có liên hệ nào với Đề án  “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025” và mục tiêu đặt ra là tăng hiểu biết và hỗ trợ để các nhóm đối tượng liên quan khởi sự kinh doanh. Tuy nhiên, do tính bao trùm về phạm vi, các hỗ trợ trong các đề án này cũng có thể được sử dụng một phần cho khởi nghiệp sáng tạo. Cụ thể:

- Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”: (Đề án do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì).

- Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025”.

Hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp - Ảnh 1

Một số nhóm biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

Các văn bản pháp luật hiện hành đã nêu rõ các nhóm biện pháp hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo.Nhóm các hỗ trợ dành riêng cho DN khởi nghiệp (05 biện pháp) gồm:

- Hỗ trợ tư vấn về sở hữu trí tuệ; khai thác và phát triển tài sản trí tuệ.

- Hỗ trợ thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới.

- Hỗ trợ về ứng dụng, chuyển giao công nghệ.

- Hỗ trợ về đào tạo, thông tin, xúc tiến thương mại, thương mại hóa.

- Hỗ trợ sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung.

Nhóm các hỗ trợ chung cho các DNNVV, trong đó có các DN khởi nghiệp đáp ứng điều kiện (3 nhóm):

- Hỗ trợ thông tin cho DNNVV.

- Hỗ trợ tư vấn cho DNNVV.

- Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV: Hỗ trợ đào tạo khởi sự kinh doanh và quản trị kinh doanh; Hỗ trợ đào tạo nghề; Hỗ trợ đào tạo trực tiếp tại DNNVV.

Nhóm hỗ trợ cho các hộ kinh doanh chuyển sang DNNVV gồm:

- Hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục thành lập DN.

- Trình tự, thủ tục đăng ký tư vấn, hướng dẫn miễn phí.

- Hỗ trợ đăng ký DN, công bố thông tin DN.

- Hỗ trợ thẩm định, cấp phép kinh doanh lần đầu.

- Hỗ trợ lệ phí môn bài.

- Hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán.

Nhóm hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị gồm:

- Hỗ trợ 50% chi phí đối với các khóa đào tạo nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất chuyên biệt.

- Hỗ trợ liên kết sản xuất, kinh doanh.

- Hỗ trợ phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường.

- Tư vấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng.

- Hỗ trợ thực hiện các thủ tục về sản xuất thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng.

Đánh giá hệ thống pháp lý và chính sách hỗ trợ khởi nghiệp

Về quy định và chính sách hỗ trợ đối với khởi nghiệp: Nhìn chung, các quy định pháp luật và chính sách hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam còn thiếu đồng bộ, cụ thể và vẫn tồn tại nhiều xung đột, mâu thuẫn. Các quy định chủ yếu còn mang tính chung chung như hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, tham gia mua sắm, cung ứng dịch vụ công, hỗ trợ đào tạo… Phần lớn các chính sách này có phạm vi đối tượng rộng, dàn trải với đối tượng được hỗ trợ là gần như toàn bộ các DNNVV mà chưa có sự định hướng riêng cho nhóm đối tượng đặc thù, đặc biệt là các DN khởi nghiệp.

Mặc dù khi cụ thể hóa các quy định, hướng dẫn để triển khai hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn các địa phương đã rõ ràng hơn, song phần lớn các quy định, hướng dẫn vẫn chưa đảm bảo được yêu cầu về tính cụ thể, đặc biệt là đối với việc thu hẹp, tập trung vào các nhóm đối tượng nhất định. Không ít trường hợp, các quy định, hướng dẫn của các địa phương chỉ đơn thuần là lựa chọn và nhắc lại một số nội dung của Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

Đề án ban hành theo Quyết định số 844/QĐ-TTg gần như là văn bản duy nhất đặt ra các mục tiêu cụ thể mang tính định lượng về phát triển DN khởi nghiệp với các mục tiêu ngắn hạn và trung hạn. Tuy nhiên, tương tự như phần lớn các đề án khác, các mục tiêu này chỉ mang tính định hướng, không ràng buộc trách nhiệm đối với bất kỳ cơ quan, tổ chức nào, cũng không có biện pháp xử lý nào trong trường hợp không đạt được mục tiêu.

Bên cạnh đó, mặc dù hệ thống quy định và chính sách đã và đang ngày càng được hoàn thiện, nhiều nội dung cần hướng dẫn để cụ thể vẫn chưa có, dẫn đến tình trạng khó triển khai các quy định và chính sách trên thực tế.

Về các biện pháp hỗ trợ: Nhìn chung, các văn bản chính sách về khởi nghiệp đều nhắc đến các biện pháp hỗ trợ thuộc 09 nhóm chính. Về phạm vi, có những nội dung chỉ đề cập trong Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025” do là vấn đề thuộc phạm vi thẩm quyền của trung ương (ví dụ các vấn đề về ưu đãi thuế), có những vấn đề về chi tiết mang tính thủ tục, thường chỉ nêu trong chính sách của các địa phương (ví dụ cải cách hành chính, tư vấn hỗ trợ về thủ tục). Về nội dung, các nhóm hỗ trợ được đề cập trong Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” cũng như ở các địa phương tương tự với các biện pháp hỗ trợ DN khởi nghiệp mà nhiều nước đang áp dụng, bao gồm cả các nước được đánh giá là có hệ sinh thái hiệu quả cho DN khởi nghiệp như: Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc.

Về tính khả thi và hiệu quả hoạt động hỗ trợ: Về cơ bản, hệ thống quy định và chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đang dần được hoàn thiện, tuy nhiên tính khả thi của các quy định và chính sách này còn rất hạn chế. Cụ thể:

- Về định mức hỗ trợ cho các DN khởi nghiệp sáng tạo đã được quy định khá rõ trong các nghị định, tuy nhiên hai vấn đề ảnh hưởng tới tính khả thi của các chính sách hỗ trợ tài chính, đầu tư là: Tiêu chí lựa chọn và sự phối hợp của các cơ quan nhà nước vẫn còn rất hạn chế.

- Mặc dù Cổng thông tin quốc gia về khởi nghiệp đã chính thức ra đời nhưng các nội dung, thông tin và tính liên kết đến các cổng thông tin liên quan còn hạn chế. Vẫn thiếu các thông tin liên quan để kết nối các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và các nhà khởi nghiệp. Một số hoạt động như TechFest 2017 đã được triển khai và đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên các hỗ trợ thực chất cho DN khởi nghiệp còn ít, vì hạn chế về kinh phí.

- Hướng dẫn cụ thể về hỗ trợ kinh phí cho hoạt động khởi nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước chưa được ban hành, vì vậy các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp từ các quỹ có nguồn gốc ngân sách gần như chưa thể triển khai.

- Các bộ, ban, ngành, tổ chức liên quan được giao nhiệm vụ xây dựng các kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hàng năm và 5 năm trên cơ sở Đề án cũng chưa cụ thể về hoạt động triển khai.

- Ở cấp địa phương, việc triển khai trên thực tế mới ở bước đầu, chưa thể đánh giá được kết quả. Đó là chưa kể tới, một số địa phương kế hoạch triển khai khá sơ sài, nhắc lại các hoạt động của Đề án là chủ yếu, không có biện pháp cụ thể. Ở cả hai cấp trung ương và địa phương, việc thực thi các văn bản chính sách không có giá trị bắt buộc từ góc độ pháp luật như thế này thường sẽ phụ thuộc vào quyết tâm của đơn vị chủ trì và sự tích cực, chủ động, nhiệt tình và năng lực của các đơn vị thừa hành. Kinh nghiệm từ nhiều Đề án khác cho thấy, hiệu quả thực tế của các chính sách này rất khác biệt ở các địa phương khác nhau.

Nhìn chung, quy định, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và việc triển khai các quy định, chính sách này hiện đang có những bất cập, hạn chế sau:

- Các quy định và chính sách hiện nay còn thiếu, chưa đồng bộ và còn những mâu thuẫn; Thiếu các quy định liên quan đến khung pháp lý cho hoạt động của các tổ chức hỗ trợ tài chính cho hoạt động khởi nghiệp, đó là quỹ đầu tư mạo hiểm và đầu tư “thiên thần”.

- Về cơ bản, các cơ quan nhà nước có liên quan chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thực tiễn hoạt động khởi nghiệp, nhất là về nhận thức, kỹ năng của cán bộ, khả năng đánh giá, giám sát.

- Hoạt động trợ giúp đối với DNNVV nói chung, DN khởi nghiệp sáng tạo nói riêng vẫn chưa phát huy được tác dụng, còn chồng chéo và phân tán, chưa có trọng tâm, trọng điểm. Tỷ lệ tiếp cận nguồn vốn tín dụng thấp, quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV hoạt động kém hiệu quả.

- Hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước cho khởi nghiệp còn hạn chế và dàn trải, chồng chéo, kém hiệu quả. Trong khi đó, thực tế cho thấy, phần lớn các hoạt động hỗ trợ từ khu vực tư nhân đem lại hiệu quả tốt đối với cả hai phía là người hỗ trợ và DN khởi nghiệp mặc dù khung pháp luật cho hoạt động này vẫn còn thiếu và nhiều bất cập.

- Một số hạn chế từ phía các DN khởi nghiệp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng được tiếp nhận các hỗ trợ, ví dụ như kỹ năng quản trị, điều hành kinh doanh, xúc tiến, quảng bá phát triển. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng kém phát triển, thủ tục hành chính rườm rà cũng là những rào cản cho sự phát triển của hoạt động khởi nghiệp.

Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế trong ban hành cơ chế, chính sách và quá trình triển khai thực hiện hỗ trợ đối với hoạt động khởi nghiệp bao gồm:

- Năng lực của các cơ quan soạn thảo, tư vấn các quy định và chính sách còn hạn chế dẫn đến nhiều văn bản pháp luật và chính sách được ban hành thiếu tính khoa học, chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng và thiếu tính khả thi (chưa tạo điều kiện để lựa chọn đúng đối tượng hỗ trợ như mục tiêu đề ra).

- Thiếu sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình dự thảo, xây dựng quy định và chính sách, đặc biệt là các đối tượng trực tiếp như các DN khởi sự, các hiệp hội, các nhà đầu tư.

- Thiếu sự giám sát, đánh giá đối với các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt là từ các nguồn của Nhà nước.

- Thiếu thông tin, thiếu chuẩn bị của nhiều nhà khởi nghiệp để nắm bắt, tiếp nhận các cơ hội, ưu đãi từ chính sách.

Kết luận và gợi ý chính sách

Trước làn sóng khởi nghiệp và sáng tạo, Chính phủ Việt Nam rất nỗ lực xây dựng hệ thống pháp lý nhằm hỗ trợ DNNVV Việt Nam. Tuy vậy, hệ thống mới chỉ bước đầu được hình thành và còn có nhiều dư địa để phát triển. 

Nghị định số 38/2018/NĐ-CP về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo đã quy định cụ thể vấn đề đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, DN thực hiện hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, cơ chế sử dụng ngân sách địa phương đầu tư vào DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
Ngoài ra, thực tiễn Việt Nam cũng cho thấy, không phải các thương vụ đầu tư khởi nghiệp lớn nhất đến từ hỗ trợ của Nhà nước mà là từ các nhà đầu tư tư nhân hoặc nước ngoài. Tuy nhiên, hệ thống chính sách hỗ trợ đầu tư khởi nghiệp dường như bỏ qua sự tồn tại của các nguồn đầu tư này. Hiện Việt Nam còn thiếu hành lang pháp lý cho các tổ chức tài chính tư nhân, như các nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm trong hoạt động hỗ trợ DN khởi nghiệp.

Để cải thiện và nâng cao chất lượng hỗ trợ DN khởi nghiệp, nhà hoạch định chính sách có thể tham khảo một số khuyến nghị sau:

- Chính phủ cần cải thiện hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp chính thức một cách bài bản hơn nhằm khắc phục tất cả các hạn chế đã nêu. Vấn đề chính cần giải quyết ngay là phân cấp thực hiện chính sách một cách cụ thể, rõ ràng hơn. Ví dụ, chính quyền địa phương chỉ thực hiện các hỗ trợ phi tài chính, như thủ tục kinh doanh, thông tin, đăng ký DN. Tất cả các hỗ trợ khác về đầu tư, tài chính, thuế, có thể phân cho một cơ quan chuyên biệt cấp trung ương để áp dụng với DN khởi nghiệp toàn quốc. Cơ quan này có thể là một đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Nếu thực hiện theo cơ chế này thì có thể tăng cường tính hiệu lực, tập trung và giảm bớt chi phí thực thi của các chính sách.

Về cách thức hỗ trợ, Chính phủ nên đặt ra những điều kiện, tiêu chí chọn lọc phù hợp với biện pháp hỗ trợ. Ví dụ như với những loại hình hỗ trợ thông tin, tư vấn thì điều kiện dễ dàng hơn. Những loại hình hỗ trợ tài chính, đầu tư thì điều kiện cần chặt chẽ, kết hợp giám sát đầy đủ.

- Theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD (2007, 2010), Chính phủ cần tạo một hành lang pháp lý để khuyến khích chính khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước đều có nhiều chính sách ưu đãi dành cho các cá nhân đầu tư cho khởi nghiệp, nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia và làm sôi động thị trường đầu tư cho các DN khởi nghiệp. Ưu đãi giảm thuế thu nhập cá nhân là một trong những biện pháp phổ biến nhất để khuyến khích cá nhân đầu tư. Ngoài ra, cần khuyến khích các DN khởi nghiệp sáng tạo niêm yết trên các sàn chứng khoán như sàn cho DN mới để huy động vốn thị trường. 

Một số nước lại có hình thức, Nhà nước đối ứng đầu tư với nhà đầu tư “thiên thần” nhằm giảm tỷ lệ rủi ro cho nhà đầu tư, đồng thời, tăng nguồn vốn mạo hiểm cho các DN khởi nghiệp ở giai đoạn đầu. Ngoài ra, Chính phủ cũng tạo điều kiện để phát triển các kênh trung gian gọi vốn cộng đồng để nhà đầu tư thiên thần có thể tiếp cận nguồn thông tin khởi nghiệp một cách nhanh chóng, rõ ràng, minh bạch hơn.       

Tài liệu tham khảo:

1. Luật số 04/2017/QH14 Hỗ trợ DNNVV;

2. Nghị định số 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV;

3. Nghị định số 39/2018/NĐ-CP hướng dẫn quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV;

4. Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo;

5. VCCI (2016), “Báo cáo chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2015/2016: Chủ đề năm: hoạt động kinh doanh xã hội”;

6. VCCI (2017), “Báo cáo nghiên cứu cơ chế hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo. Kinh nghiệp quốc tế - Đề xuất giải pháp cho Việt Nam”;

7. GIZ (2012), “Start-up promotion instruments in OECD countries and their application  in developing countries”;

8. Global Enterpreneurship Monitor, GEM 2015-2016 Global Report, 2016;

9. OECD (2007), OECD Framework for the Evaluation of SME and Entrepreneurship Policies and Programmes, Paris: OECD;

10. OECD (2009), Evaluation of Programmes Concerning Education for Entrepreneurship, report by the OECD Working Party on SMEs and Entrepreneurship, Paris: OECD;

11. OECD (2010), SMEs, Entrepreneurship and Innovation, Paris: OECD.