Hội nhập: Phong trào tự phát

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Các chuyên gia cho rằng, đánh giá năng lực hội nhập kinh tế quốc tế phải đặt trong chuỗi liên kết giữa các lĩnh vực và giữa các địa phương với nhau. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng chưa chứng tỏ sự cải thiện năng lực hội nhập, thậm chí có khuynh hướng ngược lại.

Hội nhập: Phong trào tự phát
Kéo về Samsung, Bắc Ninh hội nhập “dẫn đầu”. Nguồn: internet
Đứng trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về Chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương, theo báo cáo năng lực hội nhập kinh tế quốc tế năm 2013 vừa được công bố, Bắc Ninh có phần được đánh giá cao từ hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh thuận lợi của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV).

Ông Trịnh Minh Anh, Giám đốc Văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình Hỗ trợ kỹ thuật hậu gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO (B - WTO) nhấn mạnh rằng, thành công mà Bắc Ninh có được là nhờ tỉnh này đang dần chuyển hóa tốt những lợi thế mà địa phương mình nắm giữ thành nguồn hỗ trợ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, khi đặt những cơ chế ưu đãi đặc biệt tới mức vượt khung mà Bắc Ninh dành cho SEV bên cạnh lợi ích thực sự mà nhà đầu tư này mang lại, câu chuyện trở nên rất khác.

“Nếu tính thành tích đơn thuần là số vốn đổ vào càng nhiều càng tốt thì không chính xác, vì không phải dự án có vốn đầu tư nước ngoài FDI nào cũng mang lại nhiều lợi ích cho phát triển”, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phân tích.

Ông cho rằng, liên quan đến đầu tư từ khối doanh nghiệp (DN) FDI, để đánh giá năng lực hội nhập của địa phương cần xem xét về khả năng tạo kết nối, để lợi ích lan tỏa và tạo động lực phát triển cho các DN trong nước. Tuy nhiên, các địa phương hiện nay đang có xu hướng kéo FDI về chủ yếu để tăng GDP mà bỏ qua mục tiêu phát triển DN trong nước, do đó không tạo ra sự lan tỏa.

Những so sánh tương tự về năng lực hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương trong lĩnh vực thương mại, mà cụ thể là xuất nhập khẩu, cũng là vấn đề đáng lưu ý. Trong giai đoạn 2007 - 2011, Bắc Ninh đạt tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng (116,5%) nhờ xuất khẩu linh kiện điện tử của Nhà máy Samsung. Nhưng ở vị trí khủng hơn, Cao Bằng là địa phương có sự tăng trưởng về xuất khẩu tới 149,5%. Song, đó là nhờ khai thác và xuất thô tài nguyên, cụ thể là quặng sắt và chì thỏi. Hay với trường hợp Lai Châu, địa phương này đạt mức tăng 100,8% nhờ xuất khẩu hàng hóa qua các công ty thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

“Nếu tăng trưởng xuất khẩu chỉ là nhờ đào tài nguyên lên bán, hoặc gia công, hay quá phụ thuộc vào một thị trường, năng lực hội nhập ấy phải nói là thấp, có tăng cũng là xu hướng nguy hiểm hơn là tích cực”, TS. Trần Đình Thiên phân tích.

Ông lưu ý, vài năm trở lại đây, cán cân thương mại ngày càng cân bằng, nhập siêu thấp. Tuy nhiên, nhập siêu từ Trung Quốc lại tăng cao đột biến. Điều này cho thấy, năng lực hội nhập thực sự có vấn đề nghiêm trọng. “Nếu không giải thích rõ ràng mà chỉ nhìn vào con số thì vô hình trung, chúng ta đang hô hào xuất khẩu bằng mọi giá, xuất càng nhiều càng tăng trưởng, hội nhập…”, ông Thiên nhấn mạnh.

Ở một góc nhìn rộng hơn, các chuyên gia cho rằng, đánh giá năng lực hội nhập kinh tế quốc tế phải đặt trong chuỗi liên kết giữa các lĩnh vực và giữa các địa phương với nhau. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng chưa chứng tỏ sự cải thiện năng lực hội nhập, thậm chí có khuynh hướng ngược lại.

TS. Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định, từ năm 2007 đến nay, Việt Nam đã không còn đi sau quá xa so với thế giới. Song, bước chuyển này chủ yếu nhờ vào các chủ trương, chính sách của Nhà nước, trong khi sự năng động tự thân của từng địa phương và sự liên kết giữa các địa phương còn rất mờ nhạt.

Cùng chung quan điểm này, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, khái niệm hội nhập quốc tế của tỉnh cũng đang bị nhầm lẫn như công nghiệp hóa. Thực tế là, nhiều địa phương không có khả năng công nghiệp hóa, trong khi các lĩnh vực khác như nông nghiệp, dịch vụ du lịch… lại rất có tiềm năng phát triển. Vì nhầm lẫn như vậy, bấy lâu nay nhiều địa phương đã xây dựng chiến lược phát triển xa rời năng lực thực tế. Đã có những bản chiến lược phát triển thị trường chứng khoán cho vùng sâu, vùng xa, hoặc quy hoạch kinh tế biển cho… khu vực miền núi.

Phó thủ tướng Vũ Khoan cũng lo ngại, phong trào các địa phương đòi cơ chế đặc biệt là một biểu hiện khác của sự thiếu liên kết phát triển. Thủ đô xây dựng Luật Thủ đô; chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh; Đà Nẵng muốn cơ chế đặc biệt; Quảng Ninh, Phú Quốc lập đặc khu kinh tế cũng đòi có cơ chế độc lập… Ông Khoan khuyến cáo, nền kinh tế quốc gia là một khái niệm tổng thể, xét chung tất cả các địa phương với nhau, tỉnh chỉ là địa giới hành chính quản lý. Vì vậy, khi đánh giá năng lực hội nhập của từng địa phương thì vai trò liên kết là không thể thiếu.