Hội nhập tạo sóng M&A

Theo thoibaonganhang.vn

Với việc thực hiện lộ trình Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC); đàm phán và ký kết nhiều FTA thế hệ mới, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - EU, Việt Nam - Hàn Quốc... không gian kinh tế của Việt Nam đang được mở rộng hơn bao giờ hết.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Theo nhìn nhận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chính điều này đang mở ra cơ hội mới, sân chơi mới cho cộng đồng các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Riêng lĩnh vực bất động sản (BĐS), hiệu ứng đem lại là khá tích cực, với hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) diễn ra sôi động, nhất là từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Trên thực tế, thị trường BĐS sau một thời gian dài trầm lắng thì từ năm 2015 đã khởi sắc trở lại với những tín hiệu lạc quan, mà theo nhận định của các chuyên gia là đang bước vào thời kỳ phát triển mới. Thời gian qua, các đoàn đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu về thị trường BĐS Việt Nam bắt đầu tăng trưởng rõ rệt. Hoạt động M&A tại Việt Nam năm 2015 đã trở lại mốc kỷ lục 5,2 tỷ USD được thiết lập từ năm 2012.

Sang năm 2016, thị trường đã chứng kiến khá nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực BĐS diễn ra thành công, với bên mua là các nhà đầu tư đến từ Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Theo ghi nhận của Công ty TNHH Jones Lang LaSalle Việt Nam (JLL), giao dịch M&A về BĐS trong 6 tháng đầu năm 2016 có sự cải thiện cả về giá trị giao dịch, cũng như hoạt động đầu tư diễn ra đa dạng. Riêng 6 tháng đầu năm 2016, giá trị các thương vụ M&A ước tính đã vượt mốc 3 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2015.

Các thương vụ tiêu biểu có thể kể đến như thương vụ giữa Keppel Land và chủ đầu tư dự án Empire City tại quận 2, TP. Hồ Chí Minh. Keppel Land đã nhận chuyển nhượng 40% vốn tại dự án này, tương đương với 93,9 triệu USD.

Hay trường hợp công ty chứng khoán Hàn Quốc Mirae Asset cùng Công ty Đầu tư AON BGN của Anh đã “bắt tay” rót tổng cộng 500 tỷ won mua lại tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower. An Gia Investment và Quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản) thì hợp tác với Phát Đạt triển khai dự án River City 500 triệu USD. Creed Group của Nhật Bản rót 200 triệu USD mua lại 20% cổ phần của công ty CP Đầu tư và Phát triển BĐS An Gia...

Một trong những cú huých đẩy mạnh các thương vụ M&A diễn ra ngày càng nhiều chính là những chính sách thông thoáng hơn về BĐS. Theo đánh giá của ông Nguyễn Nội, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thị trường BĐS Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi rõ rệt nhờ các luật mới được thực thi như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đất đai…

Điều này đã thu hút nhiềuDoanh nghiệp BĐS nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, bởi các quy định mới thông thoáng hơn về điều kiện cho người nước ngoài sở hữu, đầu tư, kinh doanh BĐS tại Việt Nam; cho phép chủ đầu tư được chuyển nhượng một phần dự án thay vì buộc phải chuyển nhượng toàn bộ như trước, được cho là cơ sở để thu hút nhiều nhà đầu tư hơn.

Số liệu về đầu tư nước ngoài cũng thể hiện góc nhìn trên. Trong 7 tháng đầu năm 2016, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 12,94 tỷ USD, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm 2015; trong đó lĩnh vực BĐS đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 956,7 triệu USD.

Theo đánh giá của CBRE Việt Nam, việc Việt Nam thu hút mạnh FDI đã thúc đẩy mạnh các nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu và đầu tư tại Việt Nam. Đặc biệt, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển ổn định với tăng trưởng GDP tốt sẽ thúc đẩy nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực BĐS hơn nữa trong nửa cuối năm 2016.

Và khi AEC, TPP và các hiệp định thương mại song phương khác hoàn thành tiến trình đàm phán và đi vào hoạt động, thị trường BĐS dự kiến sẽ có thêm các dự án “khủng” được chuyển nhượng, thị trường có thể còn nâng lên một tầm cao mới… Dự báo trong cả năm 2016, giá trị M&A và có tính chất M&A tại Việt Nam sẽ có thể đạt mốc 6 tỷ USD, xác lập một kỷ lục mới.