HSBC đánh giá kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao hơn

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC vừa giới thiệu Báo cáo Kinh tế vĩ mô các nước châu Á nói chung và của Việt Nam nói riêng trong quý II/2015.

HSBC đánh giá kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao hơn
Các chỉ số thông dụng mới nhất cho thấy nhu cầu trong nước đang phục hồi. Nguồn: internet
Với Việt Nam, HSBC cho rằng, tăng trưởng, mặc dù không xuất sắc nhưng vẫn gây được tiếng vang. Các chỉ số thông dụng mới nhất cho thấy nhu cầu trong nước đang phục hồi, mặc dù với tốc độ từ từ. Doanh số bán lẻ trong tháng 2 tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái ở mảng dịch vụ và du lịch, đánh dấu mức tăng 11,4% từ đầu năm tới nay. Tương tự, nhập khẩu cũng tăng mạnh, đạt mức 20,7% so với đầu năm. Trong khi xuất khẩu chỉ tăng khiêm tốn, đạt 7,6% so với đầu năm.

HSBC hy vọng sản lượng tiếp tục tăng trong những tháng tới. Chỉ số PMI tháng 2 phản ánh sản lượng đang tăng mặc dù các đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm. Tuy nhu cầu toàn cầu chậm dần nhưng kỳ vọng xuất khẩu sẽ nổi trội nhờ vào dòng vốn đầu tư trực tiếp FDI tăng trưởng bền vững.

Nhu cầu nội địa cũng đang có khuynh hướng hồi phục nhẹ. Sau khi đã giảm mạnh vào năm 2011, nhu cầu nội địa cũng đã dần cải thiện mặc dù còn khá yếu. Giá dầu giảm có thể sẽ thúc đẩy sức mua người tiêu dùng một cách trực tiếp do giá dầu và chi phí vận chuyển thấp hơn, và một cách gián tiếp khi các nhà sản xuất chuyển cho người tiêu dùng một khoản tiết kiệm nhờ giảm giá bán đầu ra.

Thu nhập cũng đang dần tăng là một lý do nữa giúp cho nhu cầu người mua cải thiện. HSBC dự đoán tiêu dùng cá nhân sẽ tăng từ mức 5,4% trong năm 2014 lên 5,6% trong năm 2015. Việt Nam là nước nhập khẩu ròng về xăng dầu (khoảng gần 0,5 tỷ USD/năm), do đó việc giá dầu giảm sẽ hỗ trợ vị thế thương mại của mình.

Lạm phát tăng thấp cũng tạo cơ hội cho Chính phủ tăng các loại chi phí dịch vụ xã hội cũng như giá điện. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính vì thế cũng sẽ dễ dàng cắt giảm lãi suất thị trường mở OMO thêm 50 điểm ở mức 4,5%.

HSBC kỳ vọng vào những nỗ lực quan trọng về chính sách tự do hoá thương mại. Những chương trình nghị sự về thương mại trọng điểm như Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP và Hiệp định thương mại tự do khu vực châu Âu đang trong tiến trình thảo luận và phụ thuộc vào các cuộc đàm phán thành công liên quan đến lĩnh vực dịch vụ và đầu tư. Những dự án cơ sở hạ tầng quan trọng đang được thực hiện bao gồm việc xây dựng hệ thống đường sắt ở các thành phố lớn cũng như nâng cấp đường quốc lộ.