HSBC đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam

Theo vtv.vn

(Tài chính) Sau gần 3 năm giảm sút, tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã lấy lại được động lực vào đầu năm 2014.

Chỉ số PMI của Việt Nam đã tăng liên tục trong vòng 4 tháng qua. Nguồn: internet
Chỉ số PMI của Việt Nam đã tăng liên tục trong vòng 4 tháng qua. Nguồn: internet
Theo báo cáo đánh giá của HSBC, hoạt động sản xuất tại Việt Nam đang dần nóng lên. Điều này đã được thể hiện qua chỉ số Nhà quản trị mua hàng ngành (PMI) của Việt Nam đã tăng liên tục trong vòng 4 tháng qua. Sản lượng sản xuất tăng mạnh từ 52,6 điểm lên 53,5 điểm thể hiện nhu cầu đối với hàng hóa Việt Nam đang tăng.

Ông Sumit Duttra, TGĐ Ngân hàng HSBC tại Việt Nam cho biết: "Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã tăng cao lên cao nhất trong vòng 33 tháng qua. Điều này cũng có nghĩa là sản xuất đang vận hành khá trơn tru với nhiều đơn hàng được đặt hơn so với trước, xuất khẩu đang dịch chuyển theo hướng đi lên, mức độ tồn kho đã giảm, nhu cầu tuyển dụng việc làm ngày càng cao… Tất cả những điều đó đã chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam đang ấm dần lên".

Đồng tình với đánh giá của HSBC, nhiều chuyên gia kinh tế trong nước còn cho rằng, nếu như chỉ số  PMI tiếp tục được duy trì được đà tăng trong vài tháng nữa, thì kinh tế Việt Nam có thể vượt qua thời kì ảm đạm.

"Đây là một dấu hiệu cho thấy sự kỳ vọng cũng như sức mua của những nhà sản xuất, họ có thể đã nhìn thấy một thị trường đang mở ra. Nếu như được duy trì liên tục từ nay đến tháng 7 thì kinh tế Việt Nam có thể sẽ chạm đến ngưỡng phục hồi" - TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định.

Tuy nhiên, HSBC cũng cho rằng, trong khi hy vọng về tiềm năng của Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt là trong giới đầu tư quốc tế thì nền kinh tế vẫn còn khá mong manh với nhiều khó khăn chính yếu vẫn chưa được giải quyết như: Tổng cầu yếu, nợ xấu và hiệu suất của cả doanh nghiệp nhà nước cũng tư nhân vẫn chưa được cải thiện đáng kể.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để vượt qua thế mong manh hiện tại thì việc duy trì sự vững vàng cho nền kinh tế xem ra lại càng cần thiết và càng có giá trị để ưu tiên.