HSBC: Kinh tế tăng trưởng chậm chưa chắc là điều xấu

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

HSBC vừa hạ mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2016 từ 6,7% xuống còn 6,3% và năm 2017 từ 6,8% xuống 6,6%. Tuy nhiên theo phân tích của tổ chức này, tăng trưởng chậm lại là dấu hiệu tích cực, giúp kinh tế vĩ mô ổn định và hồi phục bền vững hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tăng trưởng của Việt Nam đang chậm lại

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 4/2016 được công bố ngày 7/4, HSBC nhận định, hoạt động của các nhóm ngành chính sụt giảm do tác động của El Nino đã khiến tăng trưởng của Việt Nam trong quý 1/2016 giảm xuống mức 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu cho sự sụt giảm này là do sản lượng các ngành chính suy giảm 1,1%. Đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất ghi nhận được trong những năm gần đây, và phản ánh tác động của El Nino liên quan đến gián đoạn nguồn cung.

Tăng trưởng GDP trong quý I/2016 yếu hơn mức dự báo đã tự động tạo một nền tảng thấp hơn cho tăng trưởng cả năm. Do đó, tổ chức này đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm nay từ mức 6,7% xuống còn 6,3% so với cùng kỳ năm trước. “Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng có phần dè dặt của chúng tôi cũng phản ánh nhiều nguy cơ rằng, những yếu tố kiềm hãm tăng trưởng trong quý vừa rồi có thể vẫn duy trì thêm một thời gian nữa”, HSBC cho biết.

Điều này nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp diễn, như hoạt động xây dựng đi xuống phần nào phản ánh xu hướng suy giảm trong đầu tư công, cho thấy những hạn chế trong ngân sách của Chính phủ. Tăng trưởng trong ngành bất động sản và dịch vụ tài chính cũng không có dấu hiệu cải thiện đáng kể.

Cùng với đó, các biện pháp thắt chặt hành chính sẽ hạn chế tăng trưởng tín dụng quá mức và dẫn đến hiện tượng đầu tư dè dặt như năm 2015. Do đó HSBC đã hạ dự báo nhu cầu nội địa trong thời gian tới và giảm mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2017 từ 6,8% trước đây xuống còn 6,6% so với cùng kỳ năm trước.

Cơ hội từ những thách thức

Tuy nhiên cũng theo tổ chức này, tăng trưởng kinh tế thấp chưa chắc đã là điều xấu. Điểm tích cực ở đây là chính sự tăng trưởng chậm trong thời điểm hiện tại lại chứng tỏ sự bền vững hơn và tạo điều kiện cho Việt Nam tái xây dựng bệ đỡ cho kinh tế vĩ mô.

Lộ trình chừng mực hơn đối với nhu cầu nội địa cho thấy, thâm hụt tài khoản vãng lai sẽ được thu hẹp lại, đại diện 0,7% GDP năm 2016 và 1,3% GDP năm 2017 trong khi con số này ở năm 2015 là 0,3%. Cùng với nguồn FDI thu vào mạnh mẽ và nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài có khả năng chậm lại, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam trong năm 2016 sẽ được dư dả, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng cường nguồn dự trữ ngoại hối vốn còn quá mỏng, không thể bảo vệ nền kinh tế khỏi những tác động tiêu cực bên ngoài.

Theo dữ liệu mới nhất từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm xuống 29,9 tỷ đô la Mỹ vào tháng 11/2015. “Chúng tôi ước lượng nguồn dự trữ này đã giảm còn 28,6 tỷ đô la Mỹ hoặc 1,9 tháng nhập khẩu vào cuối năm 2015. Dựa vào dữ liệu thương mại sẵn có và danh mục đầu tư cùng với báo cáo truyền thông trong nước, chúng tôi tin rằng nguồn dự trữ có thể được phục hồi và đạt mức 33,9 tỷ đô la Mỹ (tương đương 2,5 tháng nhập khẩu) trong quý I/2016”, báo cáo của HSBC cho biết.

Mức này, theo HSBC, vẫn còn thấp khi đặc biệt lưu ý tới nguy cơ biến động đồng nhân dân tệ có thể một lần nữa xảy ra, tạo thêm áp lực lên đồng Việt Nam. Các chuyên gia mảng chiến lược ngoại hối của HSBC vẫn cho rằng, đồng Việt Nam sẽ tiếp tục suy yếu trong năm 2016 mặc dù ở mức độ kiểm soát được, và cặp tỷ giá USD/VND sẽ đạt mức 23.000 vào cuối năm 2016.

Bên cạnh đó, HSBC tin rằng, những hạn chế cho vay trong lĩnh vực bất động sản và việc NHNN tập trung vào chất lượng tín dụng là một bước đi tích cực. Trong khi đó, kiềm chế cho vay bất động sản và tập trung vào chất lượng tín dụng giúp ngăn chặn những rủi ro mới trong ngành ngân hàng, đồng thời ủng hộ phương thức thận trọng này của NHNN.

Tỷ lệ nợ xấu trên toàn hệ thống, theo HSBC, đã được cải thiện, từ xấp xỉ 5% trong tháng 9/2012 xuống 2,5% trong tháng 12/2015. Nhưng điều này chủ yếu đạt được nhờ chuyển các khoản cho vay từ các ngân hàng sang Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC). Từ khi ra đời vào năm 2013 cho đến cuối năm 2015, VAMC đã thu mua 11 tỷ đô la Mỹ nợ xấu. Nhưng vào cuối năm ngoái, VAMC chỉ thu hồi được 9% nợ xấu mà đơn vị này đang nắm giữ. Nói cách khác, quá trình xử lý nợ xấu tốn nhiều thời gian, khiến các ngân hàng vẫn phải đối mặt với rủi ro tín dụng. Điều này cam đoan một cách tiếp cận thận trọng với các khoản cho vay mới.

Triển vọng trung hạn vẫn hứa hẹn lạc quan

Cũng theo HSBC, triển vọng tăng trưởng yếu hơn cùng với quỹ đạo giá cả hàng hóa toàn cầu ổn định đồng nghĩa với việc lạm phát có thể sẽ duy trì ở mức thấp trong năm 2016. Tổ chức này hạ dự báo CPI toàn phần của Việt Nam năm 2016 từ 2,9% xuống 1,6%, đồng thời dời thời điểm kỳ vọng của đợt tăng lãi suất đầu tiên xuống 12 tháng, nghĩa là vào quý III/2017.

Mặc dù không loại trừ khả năng lãi suất có thể bị cắt giảm trong những tháng kế tiếp do lạm phát thấp, HSBC cho rằng, cơ hội nới lỏng tiền tệ khá hạn chế bởi vì áp lực đối với tài khoản cán cân thanh toán vãng lai và nguy cơ lạm phát cao hơn vào năm 2017. Cùng với đó, dự báo lạm phát toàn phần sẽ tăng lên mức 4% vào cuối nửa đầu năm 2017 và đạt mục tiêu 5% của Chính phủ vào cuối năm 2017.

Một điểm đáng lưu ý nữa trong báo cáo của HSBC là mặc dù dự báo tăng trưởng của Việt Nam có thể chậm lại, nhưng trong những dự báo mới nhất của mình,tổ chức nàyvẫn xếp Việt Nam vào nhóm những nước có tốc độ phát triển cao nhất trong khu vực.

Theo HSBC, nhu cầu trong nước tuy chậm lại như năm 2015 nhưng vẫn mạnh mẽ và xuất khẩu của Việt Nam vẫn được kỳ vọng tiếp tục chiếm lĩnh thị phần toàn cầu, đảm bảo mức tăng trưởng trung hạn vững chắc. Chính sách tiếp cận thận trọng sẽ được đền đáp xứng đáng do chính sách này đảm bảo quá trình khôi phục nền kinh tế bền vững hơn, và tạo điều kiện cho các cấp chính quyền thực hiện cải cách sâu rộng hơn vốn rất cần thiết để xây dựng một nền tảng vững chắc cho quá trình tăng trưởng dài hạn của Việt Nam./.

“Không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của ngành nông nghiệp đối với nền kinh tế Việt Nam. Theo số liệu của chúng tôi, nông nghiệp có tỷ trọng đóng góp vào GDP của Việt Nam cao nhất (13%) so với các nước khác trong khối ASEAN. Quan trọng hơn, với gần một nửa nguồn lao động của Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành nông nghiệp suy giảm đã gây tác động đến ngành sản xuất và dịch vụ do thu nhập lẫn chi tiêu từ hoạt động trồng trọt đều giảm”, báo cáo của HSBC cho biết.