HSBC: sản xuất hồi phục nhưng đừng vội mừng!

Theo thesaigontimes.vn

(Tài chính) Chỉ số nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất của HSBC (HSBC PMI) trong tháng 1 đã đạt kết quả cao nhất kể từ tháng 4/2011 với sản lượng, việc làm và đơn đặt hàng mới tăng mạnh, nhưng báo cáo về kinh tế Việt Nam của ngân hàng này cho rằng điều này chưa thể hiện nền kinh tế phát triển một cách bền vững.

HSBC: sản xuất hồi phục nhưng đừng vội mừng!
Chỉ số nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất chưa thể hiện nền kinh tế phát triển một cách bền vững. Nguồn: internet

HSBC cho biết mặc dù kỳ vọng về tiềm năng của Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt là trong giới đầu tư quốc tế, nhưng ngân hàng này tin rằng nền kinh tế vẫn còn khá mong manh với nhiều khó khăn chính yếu vẫn chưa được giải quyết.

Tốc độ tăng trưởng trong năm 2013 đạt 5,4%, đa phần được dẫn dắt bởi khối dịch vụ và dòng vốn đầu từ nước ngoài ổn định đổ vào lĩnh vực sản xuất. Tăng trưởng nguồn vốn FDI đăng ký và giải ngân trong năm 2013 đạt tỷ lệ khá ấn tượng ở mức 81,7% và 9,9% đã thực sự phản ánh khả năng cạnh tranh về lao động và vị trí địa lý của Việt Nam.

Tuy nhiên, HSBC cho rằng các DN trong nước, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa vẫn đang gặp khó khăn với tình hình tín dụng bị thắt chặt, nhu cầu trong nước không cao và năng lực cạnh tranh giảm. “Điều này có nghĩa là các nhà làm chính sách sẽ phải giải quyết các vấn đề đang cản trở hiệu suất hoạt động của các DN nội địa để duy trì sự tăng trưởng trong trung và dài hạn”, chuyên gia của HSBC nói.

Chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam do HSBC công bố trong tháng 1 đã đạt kết quả cao nhất kể từ tháng 4/2011 và có nhiều khả năng tiếp tục tăng trong những tháng tới. “Việt Nam đón chào năm Giáp Ngọ với tràn đầy hy vọng cho một tương lai tươi sáng hơn. Nhưng hy vọng thường cũng có thể trở thành tuyệt vọng khi không dựa trên một kế hoạch cụ thể”, HSBC nói.

Ngân hàng này cho rằng tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất chỉ là mức tăng chuyên ngành và phản ảnh thực tế hoạt động đầu tư nước ngoài tăng mạnh hơn là một nền kinh tế nội địa mạnh khoẻ.

Theo HSBC, thị phần của các DN nội địa trong bức tranh tổng quan ngành xuất khẩu đã giảm kể từ năm 2009. Điều này phần nào phản ánh nhu cầu đối với hàng xuất khẩu trên toàn cầu đang chậm lại cũng như các điều kiện trong nước khó khăn đang cản trở năng suất và khả năng cạnh tranh của Việt Nam. Tuy nhiên, trong khi các DN đầu tư nước ngoài đã phục hồi từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu thì các DN chuyên xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa thể hiện tốt.

HSBC: sản xuất hồi phục nhưng đừng vội mừng!  - Ảnh 1

Việt Nam là quốc gia duy nhất ở châu Á có ngành xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng ở mức hai con số kể từ thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Dữ liệu cho thấy xuất khẩu hàng sản xuất đã gia tăng trong nhiều năm, đặc biệt là kể từ năm 2011, nhưng đa phần hoạt động sản xuất tăng bởi lĩnh vực điện thoại và phụ kiện, vốn không thực sự lớn trong những năm trước 2011.

Điều này cho thấy dòng vốn FDI của các DN như Samsung đã tăng lên. Đây không hẳn là tín hiệu tiêu cực nhưng là một nhắc nhở rằng Việt Nam đã không chuyển dịch đáng kể khỏi một nền kinh tế trồng trọt và tương lai phát triển đất nước còn xa. FDI tăng là tín hiệu lạc quan hơn cho sự ổn định kinh tế của Việt Nam, khi được chứng tỏ bằng năng lực phục hồi tương đối của quốc gia, trong bối cảnh các nước phụ thuộc vào dòng vốn gián tiếp bị ảnh hưởng nặng nề từ sự biến động ở các thị trường tài chính.

“Tuy nhiên, chỉ tính FDI không thôi thì chưa đủ mà rất cần một nỗ lực phối hợp để tối đa hoá các lợi ích”, HSBC nói.

HSBC cho rằng trong giai đoạn này, một chiến lược nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN nội địa rất quan trọng, và cần phải có một lộ trình chính sách để đảm bảo các DN trong nước không bị tụt hậu lại phía sau.

HSBC dự báo lạm phát cơ bản sẽ ở quanh mức 6-7% trong năm nay. Ngân hàng cũng dự báo tỷ giá tiền đồng và đô la Mỹ vào cuối năm 2014 là 21.100 đồng so với mức 21.036 đồng vào cuối 2013.


Giá đô la Mỹ nhích nhẹ sau tết

Giá đô la Mỹ đã tăng nhẹ sau tết Giáp Ngọ. Tại ngân hàng Vietcombank, giá 1 đô la được bán là 21.130 đồng, tăng 25 đồng so với thời điểm trước tết. Trong khi đó, Ngân hàng BIDV cũng nâng giá bán từ 21.115 đồng lên 21.125 đồng trong ngày 7-2.

Tại các ngân hàng thương mại cổ phần khác, giá mua và bán đô la Mỹ cũng được niêm yết xoay quanh mức 21.050 - 21.140 đồng.

Trên thị trường tự do, giá bán đô la Mỹ hiện tại 21.210 đồng, không chênh lệch nhiều so với giá trong ngân hàng. Nhân viên tại một địa điểm giao dịch cho biết đa số mọi người đến giao dịch tại cửa hàng chủ yếu là đổi ngoại tệ sang tiền đồng.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương ngày 24/12/2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã đưa ra thông điệp rằng trong năm 2014, tỷ giá sẽ điều chỉnh linh hoạt hơn và mức điều chỉnh sẽ không quá 2%.