Hướng đến hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực Fintech

Theo Chí Kiên/thoibaonganhang.vn

Ngày 11/4, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo về lĩnh vực tài chính công nghệ (Fintech) với hai nội dung chính: Tổng quan về lĩnh vực Fintech và kinh nghiệm quản lý lĩnh vực này trên thế giới; Công nghệ Blockchain và Định danh khách hàng điện tử (e-KYC).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo các chuyên gia tại Hội thảo, lĩnh vực Fintech phát triển khá nhanh tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây, thu hút được nguồn vốn đầu tư từ các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, nhận được sự quan tâm rất lớn của các ngân hàng thương mại và cơ quan quản lý.

Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của lĩnh vực Fintech như quy mô dân số lớn với gần 95 triệu người, tỷ lệ người dân kết nối Internet và sở hữu điện thoại thông minh ở mức cao, mạng di động phủ rộng khắp cả nước, giới trẻ ưa thích công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng về công nghệ thông tin dồi dào, trong khi đó tỷ lệ người dân trưởng thành sở hữu tài khoản ngân hàng còn ở mức thấp... Có thể thấy, bên cạnh hệ thống ngân hàng, các doanh nghiệp Fintech sẽ đóng vai trò rất quan trọng cho việc thúc đẩy phổ cập tài chính tới số đông người dân Việt Nam, đặc biệt người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Tiếp cận sớm hơn với Fintech nên Ấn Độ cũng đã trải qua một thời điểm như Việt Nam hiện nay. Và theo ông Arpit Ratan – Chuyên gia Fintech của Ấn Độ, có một thực tế là đất nước Ấn Độ khá rộng và đông dân nên không phải ngân hàng nào cũng muốn vươn đến các vùng sâu, vùng xa bởi chi phí họ bỏ ra rất lớn. Nhưng khi phát triển các quỹ cho vay trực tuyến đã đáp ứng được nhu cầu của người dân vùng xa. Điều đó cho thấy, Ấn Độ thực hiện thúc đẩy tài chính toàn diện, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dịch vụ tài chính phải nhờ công nghệ. Và chính các công ty Fintech đã tham gia vào lĩnh vực này đưa ra nhiều sản phẩm cho khách hàng.

Còn ông Varun Mittal – Chuyên gia cao cấp của Ernst and Young Singapore cho rằng, bên cạnh dịch vụ tài chính ngân hàng truyền thống thì người tiêu dùng đang thay đổi để tiếp cận các dịch vụ tài chính hiện đại. “Có thể nói họ đã sẵn sàng và đang chờ đợi các dịch vụ công nghệ tài chính và bản thân các ngân hàng phải thực hiện để đáp ứng nhu cầu khách hàng.” – ông Varun Mittal nhấn mạnh.

Các chuyên gia nước ngoài cũng cho rằng, các nhà hoạch định chính sách cần thay đổi. Và nếu có được một hành lang pháp lý chuẩn mực sẽ dễ dàng hơn trong việc triển khai dịch vụ công nghệ tài chính linh hoạt.

Theo ông Nghiêm Thanh Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Fintech NHNN, trong năm 2017, Thống đốc NHNN đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo Fintech tại NHNN với mục tiêu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cũng như tạo một hệ sinh thái lành mạnh cho các công ty Fintech cung ứng các dịch vụ, giải pháp trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam.

Trong quá trình làm việc, thảo luận, Ban Chỉ đạo đã xác định một số trọng tâm của lĩnh vực Fintech cần được ưu tiên nghiên cứu chuyên sâu, bao gồm: Các giải pháp thanh toán sáng tạo; Công nghệ chuối khối – Blockchain; Cho vay ngang hàng trên nền tảng công nghệ thông tin (P2P Lending); Chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) và định danh khách hàng điện tử (e-ID/e-KYC)... nhằm nắm bắt thông tin thực tiễn để phân tích, đánh giá tiềm năng phát triển, sự phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam.

Cùng với đó nắm bắt những rủi ro, thách thức có thể gặp phải, từ đó xây dựng khuôn khổ pháp lý và quản lý phù hợp đối với từng lĩnh vực.

“Đây cũng là chính lý do NHNN phối hợp với Quỹ Sáng kiến Hỗ trợ Khu vực Tư nhân vùng Mekong (MBI) - ADB tổ chức Hội thảo chuyên sâu đầu tiên với chủ đề về Công nghệ Blockchain và e-KYC này.”  - ông Sơn chia sẻ.