Hướng đến một mô hình tăng trưởng mới


Trong giai đoạn 2021-2030, mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam cần tập trung vào chất lượng tăng trưởng tiến tới chấm dứt theo đuổi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng. Trong đó, cần phải ưu tiên cho động lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, động lực kinh tế tư nhân...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo GS.,TS. Chu Văn Cấp - chuyên gia kinh tế, qua hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng kinh tế theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, khép kín, hướng nội sang công nghiệp hóa gắn với hiện đại hóa trong một nền kinh tế mở, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ, gắn công nghiệp hóa, hiện đại hóa với từng bước phát triển kinh tế tri thức.

Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cơ bản vẫn dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ, đầu tư vốn lớn và thiên về xuất khẩu. Nghị quyết số 05 Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ngày 01/11/2016 cũng nhận định, mô hình tăng trưởng hiện nay chưa dựa nhiều vào năng suất lao động, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Theo đó, nền kinh tế vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng, tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố vốn, tài nguyên và lao động trình độ thấp, chưa dựa nhiều vào tri thức, khoa học và công nghệ...; Cơ cấu lại nền kinh tế triển khai chậm, thiếu đồng bộ, chưa thực sự gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; Chưa đảm bảo tính hợp lý và  hiệu quả của việc sử dụng các yếu tố tăng trưởng...

Có thể nói, những khiếm khuyết, bất cập của mô hình tăng trưởng kinh tế hiện hữu tất yếu dẫn đến những hệ lụy trực tiếp và trước mắt và triển vọng phát triển của kinh tế Việt Nam trong dài hạn. Cụ thể: Tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhưng đất nước vẫn tụt hậu so với các nước trong khu vực; Hiệu quả tăng trưởng thấp và khả năng không duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong tương lai; Nền kinh tế có nguy cơ rơi vào bẫy "thu nhập trung bình", tức là tình trạng một nước thoát nghèo đã gia nhập vào các nước có mức thu nhập trung bình (GDP khoảng 1.025-9.385 USD/người/năm) nhưng qua nhiều thập kỷ vẫn không trở thành quốc gia phát triển (có GDP trên 9.385 USD/người/năm và đạt các chỉ tiêu khác về phát triển công nghệ, kinh tế - xã hội).

Chia sẻ về những giải pháp kiến nghị cho quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030, GS.,TS. Ngô Thắng Lợi, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hoàn chỉnh, môi trường thể chế trách nhiệm và minh bạch cao thúc đẩy tăng trưởng nhanh và nâng cao chất lượng tăng trưởng; Phát triển nguồn nhân lực cao, luôn duy trì sáng tạo và chấp nhận rủi ro; Đẩy mạnh khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo...

Trong khi đó, GS.,TS. Chu Văn Cấp cho rằng, việc thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế nhằm đến một mô hình mới thì mô hình tăng trưởng kinh tế cần có sự kết hợp hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu, trong đó chú trọng phát triển chiều sâu...; Mô hình tăng trưởng hướng tới nâng cao chất lượng, chú trọng đến năng suất, hiệu quả của tăng trưởng, kể cả hiệu quả của sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào xuất khẩu và vốn đầu tư và thị trường trong nước; Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu hệ thống tổng thể nền kinh tế và các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng...

Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tài chính đảm bảo tính đồng bộ, công khai, minh bạch, ổn định và phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các cam kết quốc tế. Chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính đối với doanh nghiệp, tập trung vào việc tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về chính sách thuế, hải quan, chế độ kế toán, kiểm toán, thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính.

Đóng vào việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước, việc cải cách chính sách tài chính trong bối cảnh mới cũng cần được triển khai quyết liệt hơn. Cụ thể, theo TS. Nguyễn Viết Lợi - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, tới đây, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tài chính đảm bảo tính đồng bộ, công khai, minh bạch, ổn định và phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các cam kết quốc tế. Chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính đối với doanh nghiệp, tập trung vào việc tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về chính sách thuế, hải quan, chế độ kế toán, kiểm toán, thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính.

Bên cạnh đó, xây dựng thể chế tài chính để phát huy vai trò thúc đẩy, mở đường của tài chính, đặc biệt là tài chính công, trong đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế... Hoàn thiện các chính sách khuyến khích, động viên các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Thúc đẩy hình thành doanh nghiệp tư nhân quy mô vừa và lớn. Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường tài chính theo hướng phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế; thực hiện các giải pháp phát triển thị trường vốn, đặc biệt là thị trường vốn xanh, theo lộ trình đến năm 2030...

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng cho rằng, cần đảm bảo sự an toàn, ổn định của hệ thống tài chính để hỗ trợ hiệu quả quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng. Theo đó, cần đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tài chính, ngân hàng thống nhất, tin cậy, minh bạch và phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, tạo thuận lợi cho công tác quản lý và phân tích dự báo. 

Tiếp tục củng cố và tái cấu trúc hệ thống tài chính, đảm bảo sự phát triển hài hòa. Tập trung phát triển thị trường chứng khoán lành mạnh, đẩy mạnh việc hoàn thiện khung pháp lý, đưa thị trường chứng khoán thực sự trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, tín dụng...