Hướng đi mới trong thu hút vốn FDI

Theo Đầu tư Chứng khoán

Một loạt giải pháp nhằm quyết tâm tạo ra làn sóng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới, vừa được hé lộ sau Hội nghị tổng kết 25 năm thu hút FDI tại Việt Nam, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức vừa diễn ra.

Hướng đi mới trong thu hút vốn FDI
Công nghiệp phụ trợ là 1 trong 4 lĩnh vực cần tập trung ưu tiên thu hút đầu tư
Chính sách ưu đãi mới

“Nhiều dự án quy mô lớn, đích thân Thủ tướng phải tham gia cùng các địa phương để giải quyết vướng mắc thủ tục đầu tư, nhưng cũng phải mất 2 - 3 năm, doanh nghiệp (DN) FDI mới khởi công được dự án. Với thực trạng này thì làm sao Việt Nam cạnh tranh nổi so với các nước trong việc thu hút vốn FDI…”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trăn trở khi phát biểu tại Hội nghị tổng kết 25 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.

Đây cũng là câu hỏi Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, địa phương, các chuyên gia cùng suy nghĩ để tìm câu trả lời, trên cơ sở đó rốt ráo gỡ vướng chính sách, định hình hệ thống cơ chế ưu đãi mới, nhằm tạo ra làn sóng thu hút vốn FDI thời gian tới.

Để hiệu quả hơn trong thu hút đầu tư FDI, ông Đoàn Xuân Hưng, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản đề xuất, cần tránh kiểu làm theo phong trào trong xúc tiến đầu tư. Có địa phương cử một đoàn vài chục người sang Nhật Bản kêu gọi đầu tư, nhưng thay vì giới thiệu trực diện cơ hội đầu tư, lại đi kể lể… cảnh đẹp của địa phương. Việt Nam nói ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ, nhưng đến nay chưa có chính sách chi tiết ưu tiên phát triển những ngành gì, cơ chế ưu đãi ra sao…

Với những giải pháp đang triển khai, theo TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam còn bị động trong thu hút FDI, trong khi lẽ ra phải làm ngược lại nếu muốn dòng vốn FDI tăng cả lượng và chất. Do vậy, để tạo ra các ưu đãi mới nhằm gia tăng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài có trọng điểm, cần tập trung ưu tiên thu hút đầu tư vào 4 lĩnh vực: công nghệ cao; công nghiệp sản xuất, nhất là công nghiệp phụ trợ; phát triển hạ tầng và thị trường tài chính.

Trong dự thảo Nghị quyết về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bổ sung ưu đãi thuế thu nhập DN đối với dự án đầu tư mở rộng; tạo ưu đãi riêng biệt đối với các dự án thuộc lĩnh vực tập trung thu hút đầu tư; bổ sung ưu đãi về thuế đối với các dự án đầu tư đáp ứng các tiêu chí dự án công nghiệp hỗ trợ, trong đó quy định mức ưu đãi cao hơn cho các dự án đầu tư tham gia chuỗi giá trị sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ… Giãn lộ trình tăng giá đất, để góp phần tạo ra ưu thế cạnh tranh trong thu hút vốn FDI.

Đừng “đem con bỏ chợ”

Sức hấp dẫn và tính cạnh tranh của chính sách thu hút vốn FDI sẽ kém hiệu quả nếu quá thiên về kêu gọi đầu tư, mà thiếu sự chăm sóc nhà đầu tư sau khi được cấp phép đầu tư. Tình trạng “đem con bỏ chợ” này, theo ông Kyoshiro Ichikawa, Hiệp hội DN Nhật Bản, cần được Việt Nam quan tâm khắc phục thời gian tới, bởi hiện nay còn diễn ra khá phổ biến.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối năm 2012, cả nước có 14.522 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 210,5 tỷ USD, vốn thực hiện 100,6 tỷ USD. Đầu tư FDI trở thành một thành tố quan trọng của nền kinh tế 25 năm qua. Tuy nhiên, có đến 80% công nghệ sử dụng trong các dự án FDI ở mức trung bình so với thế giới, chỉ có 5 - 6% sử dụng công nghệ cao, một số dự án sử dụng công nghệ lạc hậu.

Muốn tạo đột phá trong “chăm sóc” nhà đầu tư, có ý kiến đặt câu hỏi, sắp tới khi triển khai Nghị quyết của Chính phủ về thu hút vốn FDI, liệu chính quyền các cấp có dám cam kết sẽ sát cánh cùng nhà đầu tư giải quyết tất cả các khó khăn về thủ tục hành chính sau khi được cấp giấy phép đầu tư, để DN đi vào hoạt động hiệu quả, tiết kiệm chi phí?

Để tạo ra làn sóng thu hút vốn FDI mới, Thủ tướng yêu cầu sắp tới, các cấp, các ngành cần tập trung cải cách thủ tục hành chính theo hướng thực chất và hiệu quả hơn. Khẩn trương rà soát chính sách, để tạo thuận lợi hơn và mang lại nhiều ưu đãi mới cho nhà đầu tư.

Ngoài nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, việc xúc tiến đầu tư cần có trọng tâm, trọng điểm, tránh cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương. Cũng cần có cơ chế ưu đãi để thu hút nhà đầu tư nước ngoài đầu tư phát triển thị trường tài chính, thị trường vốn…

“Trên cơ sở tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và các bộ, địa phương, chuyên gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ sớm hoàn chỉnh Nghị quyết về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài, để trình Chính phủ ban hành. Qua đó cho phép triển khai các hình thức ưu đãi đầu tư mới, nhằm tạo ra làn sóng thu hút vốn FDI thời gian tới…”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.