Hướng tới Chính phủ số và Kinh tế số: Hành động nhanh, kết quả lớn

Theo Linh Cầm/nhandan.com.vn

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) bùng nổ nhanh chóng, yêu cầu phát triển Kinh tế số, Xã hội số, Chính phủ số đang đặt ra ngày càng bức thiết, đòi hỏi phải ưu tiên phát triển hạ tầng số tương ứng. Muốn thế, để sớm đạt mục tiêu "bắt kịp, đi cùng, vượt lên" trong CMCN 4.0, thời gian tới, chỉ quyết tâm thôi sẽ là chưa đủ, mà đòi hỏi chúng ta cần có những biện pháp cụ thể, hiệu quả.

Yêu cầu phát triển Kinh tế số, Xã hội số, Chính phủ số đang đặt ra ngày càng bức thiết, đòi hỏi phải ưu tiên phát triển hạ tầng số tương ứng.
Yêu cầu phát triển Kinh tế số, Xã hội số, Chính phủ số đang đặt ra ngày càng bức thiết, đòi hỏi phải ưu tiên phát triển hạ tầng số tương ứng.

Chủ động tiếp cận, đón đầu

Với mục tiêu "đi tắt đón đầu", đề ra giải pháp để thực hiện triển khai các bước xây dựng Chính phủ số tại Việt Nam, ngày 18/7, Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2018 được tổ chức với chủ đề "Hướng tới Chính phủ số và Kinh tế số". Trước đó, trong hai ngày 12 và 13/7, tại Hà Nội, cũng đã diễn ra Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 (Industry 4.0 Summit 2018).

Cả hai Diễn đàn cấp cao này đều có sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện của các cơ quan ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, cùng nhiều đơn vị, doanh nghiệp (DN) về khoa học - công nghệ trên toàn quốc. Ðiều đó cho thấy, Chính phủ đang rất chủ động trong công tác chỉ đạo tiếp cận, đón đầu CMCN 4.0.

Phát biểu tại diễn đàn ngày 18/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc "Hướng tới Chính phủ số và Kinh tế số" là nội dung có liên quan mật thiết tới các nhiệm vụ xây dựng "chính phủ điện tử", là trọng tâm của Chính phủ trong giai đoạn 2018 - 2020. "Xây dựng chính phủ điện tử là chủ đề chúng ta đã quan tâm từ lâu, và bây giờ phải bắt tay vào ngay để phù hợp xu hướng hội nhập quốc tế", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

Trong phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn cấp cao sáng 13/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh bốn nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt cần thực hiện trong thời gian tới, đó là: Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật cho phát triển nền kinh tế số, công nghiệp thông minh; Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là công nghệ thông tin và hạ tầng thông tin sẵn sàng cho 4.0; Phát triển nhanh nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế số; Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong mọi ngành, lĩnh vực.

Hướng tới Chính phủ số và Kinh tế số: Hành động nhanh, kết quả lớn - Ảnh 1

Sophia (robot đầu tiên được cấp quyền công dân) tham dự Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0.

Tập trung chuyển đổi nền quản trị quốc gia

Quyết tâm của Chính phủ là rõ ràng, song tại các diễn đàn, nhiều chuyên gia cũng thẳng thắn nhận định và bày tỏ lo ngại về những thách thức mà chúng ta cần phải vượt qua.

Ðể phát triển một nền kinh tế số, vai trò chủ động đổi mới sáng tạo trong tổ chức hoạt động, sản xuất của các DN là hết sức quan trọng.

Theo kết quả nghiên cứu khảo sát của Bộ Công thương đánh giá mức độ sẵn sàng tiếp cận với CMCN 4.0 của 2.659 DN ngành công thương cho thấy, có tới 82% các DN của ngành đang ở vị trí mới nhập cuộc, trong đó 61% còn đứng ngoài cuộc và 21% DN bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị đầu tiên. Ðiểm trung bình toàn ngành là 0,53 điểm (so với mức 5 điểm), tương đương với mức sẵn sàng đầu tiên là mức 0 hay chưa có sự chuẩn bị nào. Năm ngành có số điểm đánh giá tính sẵn sàng cao nhất là dầu khí, sản phẩm điện tử, sản xuất xe có động cơ, điện - khí đốt - nước và hóa chất. Ðáng lưu ý, ba ngành được cho là chủ lực gồm cơ khí, dệt may và da giày lại là những ngành có điểm đánh giá thấp nhất.

Tuy thế, ở vị thế của Việt Nam hiện nay, ông David Aikman, Trưởng đại diện Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Trung Quốc, thành viên Ban điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới đã phân tích, Việt Nam có vai trò rất tích cực trong CMCN 4.0. Bởi Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi về cả tự nhiên và xã hội. Vấn đề đặt ra là, Việt Nam mới đang được xếp hạng ở giai đoạn sơ khai về tiêu chí động lực của tương lai sản xuất. Ngay cả lợi thế vốn có của Việt Nam về số dân dùng internet thuộc tốp 10 thế giới cũng vẫn có những điểm yếu cần giải tỏa như: tốc độ truy cập, băng thông rộng, các hạ tầng về điện, kết nối,…

Ðồng tình với vị chuyên gia nước ngoài này, nhiều chuyên gia trong nước cũng chỉ ra, một trong những hạn chế lớn nhất của nước ta khi tiếp cận CMCN 4.0, cũng như quá trình phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số là vấn đề quản lý, kết nối dữ liệu còn yếu. Ðể chuyển đổi từ mô hình quản lý lệ thuộc vào giấy tờ sang kỹ thuật điện tử, không dây sẽ vấp phải nhiều khó khăn.

Ðề cập giải pháp hướng tới xây dựng Chính phủ số và Kinh tế số, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, cần quan tâm đến cơ sở hạ tầng CNTT quốc gia, đầu tư để có thể mở rộng, nâng cấp ít nhất là ngang bằng với mức độ tiên tiến của khu vực. Cơ sở dữ liệu quốc gia cần phải được nhanh chóng xây dựng và phát triển một cách thống nhất, phù hợp với thông lệ quốc tế về lưu trữ, phân tích, kết nối, lưu chuyển, tiếp cận và khai thác sử dụng thông tin. Phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của CMCN 4.0, đi đôi với chuyển đổi cơ cấu lao động phù hợp và thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động trong thời đại 4.0 theo hướng đào tạo kỹ năng đa ngành…

Nhiều ý kiến chuyên gia cũng đồng tình với các giải pháp: Thời gian tới, Việt Nam cần tập trung chuyển đổi nền quản trị quốc gia, mà trước hết là xây dựng Chính phủ điện tử, dần tiến tới Chính phủ số và phát triển thành phố thông minh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành kinh tế bằng các công nghệ hiện đại; giảm thiểu chi phí tuân thủ và tạo cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp trong các ngành kinh tế mới. Làm sao để thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới kết hợp với khuyến khích và hỗ trợ phát triển các công ty công nghệ trong nước; hỗ trợ nâng cao kỹ năng của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiếp cận, áp dụng các công nghệ, các mô hình quản lý và kinh doanh phổ biến trong thời đại 4.0 để họ tiếp cận được thị trường toàn cầu. Áp dụng các công nghệ và phương thức tổ chức kinh doanh của CMCN 4.0 để nhanh chóng chuyển đổi sản xuất trong các ngành có lợi thế, có tiềm năng phát triển, có thể đóng góp lớn vào phát triển đất nước, thí dụ như: sản xuất nông nghiệp, công nghệ thông tin, dịch vụ hậu cần - Logistics, dịch vụ tài chính, dịch vụ y tế, giáo dục...

Trên thế giới, Estonia, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc hay Israel đang là những quốc gia dẫn đầu, nhanh chóng nắm bắt những lợi thế của Chính phủ số. Trong đó thì Estonia được biết tới như "quốc gia số hóa" thành công nhất trên thế giới. Thống kê cho thấy, trước đây một cuộc họp của Chính phủ Estonia kéo dài tới 4 - 5 tiếng, nhưng hiện nay chỉ mất trung bình 30 phút. Ngoài ra, việc áp dụng Chính phủ điện tử kết hợp Kinh tế số giúp cho 99% dịch vụ công tại đất nước này được hỗ trợ trực tuyến, còn GDP thì tăng 2% mỗi năm.