Đổi mới về cơ chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập:

Hướng tới cung cấp dịch vụ công hiệu quả

PV.

(Tài chính) Khu vực sự nghiệp công lập đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng các dịch vụ như giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, khoa học-công nghệ, bảo trợ xã hội… Do vậy, đổi mới toàn diện khu vực sự nghiệp công lập sẽ góp phần đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của mọi tầng lớp nhân dân, thúc đẩy hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, duy trì định hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước.

Đổi mới về cơ chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập sẽ góp phần cung cấp dịch vụ công hiệu quả. Nguồn: internet
Đổi mới về cơ chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập sẽ góp phần cung cấp dịch vụ công hiệu quả. Nguồn: internet

Yêu cầu đổi mới bức thiết

Cùng với cải cách thể chế kinh tế nói chung, công cuộc đổi mới khu vực sự nghiệp công lập đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Trong đó có việc tăng cường trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập, khuyến khích các đơn vị có điều kiện vươn lên tự chủ, nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ, từ đó có thêm nguồn thu để tái đầu tư phát triển, cải thiện thu nhập cho người lao động, tạo điều kiện cho Nhà nước cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, dành thêm nguồn lực để chăm lo tốt hơn các đối tượng chính sách, các đối tượng hộ nghèo, bảo trợ xã hội,...

Thực hiện chủ trương của Đảng, năm 2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2002/NĐ-CP quy định về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu. Đây được coi là bước đột phá đầu tiên trong việc giao quyền tự chủ về tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Đến năm 2006, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 43/2006/NĐ-CP (Nghị định 43) thay thế cho Nghị định 10/2002/NĐ-CP. Theo đó, việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp không chỉ trong quản lý tài chính, mà trong cả thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Khu vực sự nghiệp công hiện có khoảng 33.000 đơn vị, với tổng số biên chế gần 2,1 triệu người, chiếm trên 80% tổng biên chế trong bộ máy nhà nước (trừ lực lượng vũ trang); tổng quỹ lương của khu vực này cũng chiếm xấp xỉ 80% tổng quỹ lương của khối các cơ quan, đơn vị nhà nước. 

Sau hơn 7 năm thực hiện, mặc dù đã có những tiến bộ nhất định, nhưng quá trình thực hiện Nghị định 43 cũng cho thấy, các đơn vị sự nghiệp cũng chưa được giao quyền tự chủ một cách đầy đủ, từ đó hạn chế các đơn vị sự nghiệp công lập trong việc phát triển mở rộng, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công, nâng cao thu nhập cho người lao động, phấn đấu giảm yêu cầu hỗ trợ tài chính từ phía Nhà nước.

Thực tế thời gian qua, nhiều đơn vị sự nghiệp có điều kiện và cơ hội đã có nhiều hoạt động sáng tạo nhằm liên doanh, liên kết, mở rộng hoạt động cung ứng dịch vụ công. Ở nhiều đơn vị, việc khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, nhân lực và kinh phí để cung ứng dịch vụ công và các dịch vụ liên kết còn lẫn lộn, không tách bạch.  Một số cơ quan quản lý cũng đã tạo ra những cơ chế mang tính đặc thù để khuyến khích các đơn vị sự nghiệp có tính tự chủ cao. Một số hoạt động này đến nay chưa có quy định pháp luật cụ thể, đặt ra yêu cầu phải thể chế hóa sớm. 

Thêm vào đó, trước áp lực ngày càng lớn trong việc đáp ứng nhu cầu chi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách tiền lương, đảm bảo an sinh xã hội, trong khi vẫn phải giữ các giới hạn nợ trong ngưỡng đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, đòi hỏi phải sắp xếp, bố trí nguồn lực hợp lý của ngân sách nhà nước dành cho các lĩnh sự nghiệp công; đổi mới cơ chế quản lý nhà nước đối với hoạt động dịch vụ sự nghiệp công, từng bước xoá bỏ sự can thiệp của Nhà nước đối với hoạt động của đơn vị sự nghiệp, giảm sự bao cấp của Nhà nước.

Phối hợp đổi mới toàn diện

Nhận thức được tầm quan trọng của việc đổi mới khu vực sự nghiệp công, Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Nghị định 43 theo hướng ban hành một Nghị định khung quy định các vấn đề chung về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, Nghị định đã quy định cụ thể về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong các vấn đề như: tự chủ thực hiện nhiệm vụ; tự chủ về tổ chức bộ máy; tự chủ về nhân sự; về giá, phí và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công; về tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập… Ngoài ra, Nghị định cũng đưa ra những đổi mới về cơ cấu và phương thức đầu tư của ngân sách Nhà nước, đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với dịch vụ sự nghiệp công và đơn vị sự nghiệp công lập…

Nghị định này nhằm đổi mới toàn diện, tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp công; đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp, bao gồm cả về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và về tài chính; đơn vị càng tự chủ cao về tài chính thì được tự chủ cao trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và phân bổ, sử dụng các nguồn tài chính; phân định rõ các nhóm đơn vị và loại hình dịch vụ sự nghiệp công để có bước đi và lộ trình phù hợp xóa bỏ bao cấp qua giá, từng bước tính đủ chi phí; Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách sử dụng dịch vụ sự nghiệp công; đổi mới phương thức chi từ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp theo hướng tăng cường thực hiện phương thức đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật.

Nghị định cũng góp phần thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp vươn lên, tăng cường khả năng tự chủ ở mức cao hơn, thúc đẩy khu vực sự nghiệp công phát triển nhanh, mạnh và bền vững, nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, tăng cường thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế khác; đồng thời, tạo điều kiện cơ cấu lại ngân sách nhà nước, dành thêm nguồn lực để chăm lo tốt hơn cho các đối tượng chính sách, người nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội.

Để có thể triển khai được Nghị định này vào thực tế, cần có sự phối hợp của các Bộ quản lý ngành ban hành các nghị định quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực: y tế; giáo dục đào tạo; dạy nghề; văn hoá thể thao và du lịch; thông tin truyền thông và báo chí; khoa học và công nghệ; sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác căn cứ vào Nghị định khung xây dựng.

Bên cạnh đó, các Bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản như: Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý; Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công; Định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành các dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước quản lý, làm cơ sở ban hành giá dịch vụ sự nghiệp công tính đủ chi phí; Tiêu chí, tiêu chuẩn dịch vụ sự nghiệp công; Cơ chế đặt hàng, đấu thầu dịch vụ sự nghiệp công...

Đối với các Bộ, ngành, địa phương, bên cạnh trách nhiệm tổ chức, sắp xếp, chuyển đổi, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp trực thuộc; xem xét quyết định đơn vị sự nghiệp công trực thuộc được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp; còn làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động nhằm quán triệt sâu rộng, tạo sự thống nhất về nhận thức về sự cần thiết, tính cấp bách của việc đổi mới, các nội dung đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển dịch vụ sự nghiệp công để hướng tới việc cung cấp tốt hơn dịch vụ cho mọi tầng lớp nhân dân và bảo đảm cho các đối tượng chính sách xã hội và người nghèo được tiếp cận, hưởng thụ các dịch vụ cơ bản thiết yếu với chất lượng cao hơn.