Hướng xuất khẩu vào châu Phi và Trung Đông

Theo VIR

Châu Phi và Trung Đông hứa hẹn trở thành thị trường xuất khẩu chủ lực đối với nhiều mặt hàng của Việt Nam.

Hướng xuất khẩu vào châu Phi và Trung Đông
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Hà Nội cho rằng, châu Phi, Trung Đông là thị trường tiêu thụ hàng hóa khổng lồ, doanh nghiệp Việt Nam nên nhanh chóng có kế hoạch thâm địa bàn này, để giảm thiểu rủi ro khi các thị trường chủ lực như châu Âu, châu Á, Bắc Mỹ… gặp sự cố.

Thị trường rộng mở

Theo thống kê của Bộ Công thương, năm 2010, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều giữa Việt Nam và châu Phi đạt gần 2,6 tỷ USD, năm 2011 là 3,5 tỷ USD. Trong 8 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi đạt 1,8 tỷ USD.

Thị trường Trung Đông cũng có mức tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, năm 2010, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Đông đạt 3,31 tỷ USD, tăng 44,7%, trong đó xuất khẩu của Việt Nam là 1,65 tỷ USD; năm 2011 đạt 5,2 tỷ USD, tăng 56%. Con số này của 8 tháng đầu năm 2012 là 3,95 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam là 2,45 tỷ USD.

Với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5%/năm và là khu vực giàu tiềm năng về dầu mỏ, khí đốt, công nghệ sinh học, công nghệ hóa dầu…, châu Phi, Trung Đông thực sự là thị trường tiềm năng đối với doanh nghiệp Việt Nam.

“70 quốc gia thuộc châu Phi và Trung Đông có sự phân hóa giàu nghèo rất rõ rệt, đây thực sự là thị trường tiềm năng nếu doanh nghiệp biết tận dụng cơ hội để thâm nhập”, ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết tại Hội thảo “Việt Nam - châu Phi - Trung Đông: Đối tác mới cho sự phát triển” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội.

Cơ sở để doanh nghiệp có thể yên tâm khi đưa hàng sang châu Phi là, đến nay, Việt Nam đã mở 9 đại sứ quán và 5 cơ quan thương vụ của Việt Nam; Việt Nam đã có quan hệ xuất, nhập khẩu với 55 nước thuộc châu Phi. Trong đó, Nam Phi, Senegal, Ai Cập, Bờ Biển Ngà, Angola, Ghana, Tanzania (châu Phi), Ảrập Xêút, Benin, Iran, Kuwait, Oman, Libanon, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất - UAE (Trung Đông) được xem là thị trường trọng điểm.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã ký hiệp định thương mại với 15 nước thuộc châu Phi, Trung Đông và ký hiệp định khung với 17 nước châu Phi, mở ra những thuận lợi nhất định trong trao đổi thương mại.

Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu vào châu Phi và Trung Đông khá tương đồng, chủ yếu là gạo, dệt may, da giày, sản phẩm cơ khí, đồ nhựa, gỗ, xe máy, xe đạp, linh kiện điện tử… Đây đều là những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam trong những năm gần đây.

Gia tăng sự hiện diện thương mại và đầu tư

Ông Lê Đăng Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, tháng 5 năm nay, Viettel đã mở mạng di động Movitel ở Mozambique. Tại thời điểm này, Movitel đã sở hữu mạng lưới lớn nhất, có vùng phủ rộng và sâu nhất tại Mozambique, với 1.800 trạm phát sóng phủ 100% quận, huyện và đường quốc lộ, đóng góp hơn 50% hạ tầng mạng di động của Mozambique. Mới đây, Viettel cũng quyết định chi 225,8 triệu USD để đầu tư phát triển dự án xây dựng mạng viễn thông trên toàn bộ lãnh thổ Tanzania.

Theo ông Dũng, nhiều doanh nghiệp trong nước đang có ý định làm ăn tại châu Phi, và Trung Đông, nhưng lực cản lớn nhất đối với họ chính là thiếu thông tin và những bấp bênh về khả năng thanh toán khi giao dịch với các thương nhân nước ngoài.

Để có thể tránh được những thiệt hại trong quá trình giao dịch tại thị trường này, đại diện Bộ Công thương khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam nên cẩn trọng với những lời đề nghị mua hàng với giá trị hợp đồng lớn, điều kiện giao dịch đơn giản, giá hấp dẫn; hoặc yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam trả trước một khoản tiền lệ phí, như phí trúng thầu, phí xin giấy phép nhập khẩu.

Là doanh nghiệp có thâm niên xuất khẩu sang châu Phi, ông Nguyễn Văn Chiểu, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chế biến hàng Xuất khẩu Long An (Lafooco) cho biết, Lafooco đang thực hiện hợp đồng xuất khẩu 700.000 tấn gạo đổi hạt điều thô với đối tác châu Phi, gồm Bờ Biển Ngà, Mozambique, Nigeria, Tanzania. Tuy nhiên, theo ông Chiểu, trở ngại lớn nhất khi giao thương với đối tác châu Phi là khâu thanh toán. Để hạn chế rủi ro, doanh nghiệp Việt Nam mới giao thương với các quốc gia tại khu vực châu Phi và Trung Đông có thể dùng hình thức hàng đổi hàng và nên làm việc thông qua ngân hàng có đại diện tại Việt Nam