Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam – Hàn Quốc:

Hút dòng vốn Hàn Quốc về Việt Nam

Theo Baodautu.vn

(Taichinh) - Môi trường pháp lý minh bạch, thông thoáng sẽ góp phần đáng kể trong việc khuyến khích dòng vốn đầu tư Hàn Quốc chảy vào Việt Nam, kèm theo công nghệ cao, trình độ quản lý tiên tiến và cơ hội tiếp cận thị trường thứ 3.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sau hơn 2 năm đàm phán với 8 vòng đàm phán chính thức và 8 vòng đàm phán cấp Trưởng đoàn, đàm phán giữa kỳ, Việt Nam và Hàn Quốc đã chính thức ký kết Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA).

Cần phải nói thêm, VKFTA là Hiệp định thương mại tự do đầu tiên trong số các Hiệp định FTA song phương giữa Việt Nam với các đối tác kinh tế đã cơ bản hoàn tất đàm phán năm 2014, được chính thức ký kết trong năm 2015.

Với nội dung đã được thỏa thuận, dự kiến Hiệp định sẽ mang lại những tác động tích cực về nhiều mặt đối với Việt Nam, từ thu hút vốn đầu tư, thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, thuận lợi hóa hải quan, phòng vệ thương mại...

Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), đồng thời là Trưởng đoàn đàm phán VKFTA khẳng định rằng, VKFTA mở ra cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư rất lớn từ Hàn Quốc vào Việt Nam, đặc biệt là có thể kỳ vọng vốn chảy vào các lĩnh vực yếu của nước ta như công nghiệp hỗ trơ, công nghiệp điện tử…

Với vai trò là Trưởng đoàn đàm phán VKFTA, ông Bùi Huy Sơn cho rằng, một trong những lợi ích cơ bản khi Việt Nam tiến hành nghiên cứu tác động của việc ký kết VKFTA, cơ sở để Chính phủ quyết định ký kết Hiệp định đó là lợi ích thu được từ việc thu hút đầu tư. Điều đó để thấy, việc thu hút vốn đầu tư từ việc ký kết Hiệp định có vai trò quan trọng thế nào, bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, lợi ích từ việc giảm thuế xuất khẩu…

Thời gian qua, Hàn Quốc đã vươn lên trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với số liệu tính đến tháng 3/2015 là 38,1 tỷ USD và 4.200 dự án.

Còn theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2014, vốn Hàn Quốc vẫn tiếp tục đổ vào các dự án đầu tư tại Việt Nam, thể hiện qua 505 dự án cấp mới và 179 dự án tăng vốn tại Việt Nam, nâng tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng vốn là 7,32 tỷ USD, chiếm 36,2% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam.

Cũng theo ông Bùi Huy Sơn, Hàn Quốc là quốc gia không chỉ mạnh về công nghệ, tiềm năng mạnh về vốn mà điều quan trọng là quốc gia này đang thực hiện chuyển hướng đầu từ sang Đông Nam Á để cạnh tranh trực tiếp với Nhật Bản và một số nước châu Âu.

Trong quá trình đó, Việt Nam được doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn là điểm đến đầu tư mới. Còn nếu nhìn từ góc độ các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư thành công như Samsung, HeasungVina, KeosanVinaElectronics, Hyundai, KumhoAsiana, Lotte, LG…thì có thể thấy dòng vốn từ Hàn Quốc đổ vào Việt Nam đầu tư mở rộng vẫn đang tiếp tục tăng lên.

Điển hình là vào ngày 19/5/2015 tới đây, Samsung sẽ chính thức khởi công xây dựng Dự án Samsung ở TP. Hồ Chí Minh với vốn đầu tư lên tới 1,4 tỷ USD...

“Chúng tôi hy vọng rằng, với quy định đầu tư thông thoáng hơn, minh bạch hơn, đặc biệt là các cam kết bảo hộ và xúc tiến thu hút đầu tư thì dòng vốn Hàn Quốc sẽ đổ vào Việt Nam nhiều hơn trong thời gian tới, khi VKFTA có hiệu lực. Về cơ bản, tác động của việc ký kết VKFTA tới nền kinh tế Việt Nam là tích cực..”, ông Bùi Huy Sơn nói.

Dự báo của ông Sơn cũng trùng lặp với kết quả khảo sát mới nhất của Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc hồi đầu năm 2015, khi có tới 49% trong tổng số 540 doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia khảo sát về môi trường đầu tư tại 32 quốc gia có tốc độ tăng trường hàng năm hơn 3% trong 3 năm qua đều khẳng định có kế hoạch phát triển kinh doanh tại thị trường Việt Nam trong năm 2015 nhờ những cơ hội đang mở ra từ các thỏa thuận tự do hóa thương mại mà Việt Nam tham gia.

Phần lớn doanh nghiệp Hàn Quốc đều trông chờ nhiều hơn cả vào cam kết giảm thuế, mở rộng thị trường, cơ hội đầu tư từ FTA Việt Nam – Hàn Quốc.