Hút dòng vốn vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng bằng cách nào?

Theo Ngọc Hà/enternews.vn

Hợp tác công - tư (PPP) được xem là mô hình hiệu quả để hút dòng vốn đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, tuy nhiên, nhà đầu tư kỳ vọng Chính phủ có thể chung tay chia sẻ rủi ro cùng doanh nghiệp.

Hợp tác công - tư (PPP) được xem là mô hình hiệu quả để hút dòng vốn đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng. Nguồn: Internet
Hợp tác công - tư (PPP) được xem là mô hình hiệu quả để hút dòng vốn đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng. Nguồn: Internet

Trong bối cảnh, 20 năm tới, mỗi năm Việt Nam cần thu hút từ 15-20 tỷ USD vốn đầu tư tư nhân vào phát triển kết cấu hạ tầng đất nước, thì mô hình PPP được xem là một trong những giải pháp giúp Việt Nam có khả năng lấp đầy dòng vốn đầu tư trước yêu cầu phát triển của lĩnh vực này và giảm gánh nặng cho Nhà nước.

Chia sẻ với phóng viên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp bên lề tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ năm 2018, ông Ryu Hang Ha - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) cho biết: "PPP là phương thức thực hiện dự án mà trong đó, các doanh nghiệp tư nhân có lợi nhuận từ việc đầu tư, xây dựng, bảo trì và vận hành cơ sở hạ tầng công cộng, trong khi Chính phủ giảm thuế và hỗ trợ một phần về tài chính".

Đồng tình với quan điểm này, ông Koji Ito - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cũng cho rằng: "Phát triển cơ sở hạ tầng là một yêu cầu quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế về dài hạn của Việt Nam, trong đó áp dụng linh hoạt các cơ chế PPP chắc chắn là một trong những cách hiệu quả nhất để thực hiện mục tiêu này".

Tuy nhiên, đáng nói, theo nhiều nhà đầu tư cho rằng vấn đề quan trọng nhất của Luật PPP là cơ chế hỗ trợ dự án, là sự chia sẻ rủi ro đầu tư giữa Nhà nước và tư nhân.

Liên quan đến kiến nghị này, một doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch HĐQT CTCP Tasco đã từng chia sẻ rằng: "Việc chia sẻ rủi ro dự án là vấn đề cốt yếu của Luật PPP. Bởi, suốt thời gian qua chúng ta kêu gọi rất mạnh mẽ đầu tư vào BOT giao thông nhưng không có nhà đầu tư nước ngoài nào tham gia. Cốt lõi ở đây là vấn đề Nhà nước chia sẻ rủi ro dự án".

Ngoài ra, nhìn ở góc độ của doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, ông Kenneth Atkinson - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam cho biết: "Các doanh nghiệp Anh rất quan tâm tới mô hình PPP. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần giải quyết trước khi nguồn tài chính quốc tế có thể “chảy” vào để hỗ trợ PPP tại Việt Nam"

Cụ thể, các nhà tài trợ nước ngoài cần đảm bảo những hiệu quả nhất định trong việc thực hiện dự án và nhận được những quyền lợi tương xứng để tránh những rủi ro không muốn có. 

Một trong những rủi ro được các nhà đầu tư nhắc tới là rủi ro về ngoại hối. Và để giải quyết được vấn đề này, phải có một bên chấp nhận rủi ro đó. Trong trường hợp các nhà đầu tư nước ngoài phải chịu rủi ro này, chi phí của dự án sẽ tăng cao và khó có hiệu quả kinh tế nữa.

Theo vị Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam, rủi ro về ngoại hối chỉ là một trong nhiều rủi ro phát sinh trong mô hình PPP mà một bộ luật mới khó có thể giải quyết được hết. Do đó, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ nên xây dựng một cơ quan chuyên trách về từng mảng cơ sở hạ tầng, áp dụng thông lệ quốc tế rộng rãi, thống nhất thông qua một cơ chế điều phối.

Hiện nay, Chính phủ đang xây dựng kế hoạch xây dựng Luật PPP mới, vì vậy, nhóm Công tác Cơ sở Hạ tầng thuộc VBF cũng đề xuất Luật PPP mới nên làm rõ các quan điểm của Chính phủ liên quan đến các nội dung trên. Đồng thời, nhóm công tác cũng muốn Chính phủ làm rõ khả năng và cơ chế để nhà đầu tư có thể xin được các ngoại lệ liên quan đến các chính sách chung đó.

Kinh nghiệm tại nhiều quốc gia trên thế giới như tại Hàn Quốc, Luật PPP mạnh hơn các luật khác, có thể phủ quyết luật khác nếu vướng trong quá trình thu hút đầu tư PPP vào phát triển hạ tầng. Xu hướng xây dựng Luật PPP của nhiều quốc gia đã thay đổi, trước đây họ bảo đảm doanh thu tối thiểu cho nhà đầu tư tư nhân thì bây giờ họ đã chuyển sang xu hướng Nhà nước mua lại dịch vụ của nhà đầu tư tư nhân.

Được biết, trong 20 năm gần đây, khoảng 200 dự án đã được cấp phép theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trong đó, có 158 dự án BOT và BT trong lĩnh vực giao thông; 9 dự án BOT trong ngành điện; 5 dự án xử lý nước thải.