Huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp đầu tư cho xây dựng nông thôn mới

Theo Đại biểu Nhân dân

Xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa rất lớn trong việc quản lý nhà nước, vai trò của chính quyền các cấp và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn nhân lực xây dựng cho nông thôn mới còn hạn chế hiện nay, thì việc huy động sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp cho xây dựng nông thôn mới được xem là hướng đi khả quan.

Huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp đầu tư cho xây dựng nông thôn mới
Sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp cho xây dựng nông thôn mới được xem là hướng đi khả quan.Nguồn: Internet

Theo kết quả sơ kết đánh giá 2 năm (2011 - 2012) Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Chương trình đã đạt được những thành tựu quan trọng bước đầu từ công tác quy hoạch, công tác xây dựng đề án, hình thành bộ máy chỉ đạo điều hành và cơ chế chính sách, cũng như một số kết quả nổi bật về xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất…

Ngoài nguồn vốn ban đầu do Trung ương hỗ trợ, các địa phương còn lồng ghép, huy động các nguồn lực khác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như chương trình giảm nghèo, nước sạch, hỗ trợ đất lúa… làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tuy kết quả đạt được ở mỗi xã khác nhau, nhưng sản xuất ở các xã đều phát triển; thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn được nâng cao; hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được hoàn thiện; môi trường, cảnh quan nông thôn có bước tiến bộ; bản sắc văn hóa được giữ gìn; trình độ dân trí và chất lượng hệ thống chính trị cơ sở được nâng lên.

Mục tiêu năm 2013 là tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để tạo sự chuyển biến rõ rệt; phấn đấu đến hết năm 2013 sẽ có khoảng 200 xã đạt đủ 19 tiêu chí và 2.000 xã được chính thức công nhận xã chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Đồng thời, tăng thu nhập của dân cư nông thôn lên gấp 1,5 lần so với hiện nay, giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 8%. Tuy nhiên, quá trình xây dựng nông thôn mới vẫn còn vấp phải những khó khăn, nổi lên là vấn đề nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng. Nhưng thực tế xây dựng nông thôn mới của Việt Nam hiện vẫn ở giai đoạn “vừa làm vừa rút kinh nghiệm”. Vì vậy rất cần tới sự hỗ trợ từ việc điều phối các nhà tài trợ. Tuy nhiên, hiện nay cơ chế lồng ghép các nguồn lực còn chưa rõ ràng, vẫn còn xu hướng phân cấp, phân đoạn, ngành nào biết chương trình và triển khai theo định hướng với chủ đầu tư của ngành đó. Trong khi, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dưng nông thôn mới được triển khai trên tất cả các khía cạnh đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội, Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn Nguyễn Minh Tiến nhận định.

Tuy đóng vai trò quan trọng nhưng do Chương trình nông thôn mới vẫn chưa tạo được sức thu hút đối với doanh nghiệp, quá trình triển khai còn gặp nhiều lúng túng do chưa có cơ chế chính sách chưa rõ ràng, nên để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng nông thôn mới phải gắn kết với quá trình sản xuất, chế biến, nâng cao thu nhập cho những sản phẩm mà chính nông dân làm ra. Do vậy, làm sao để tạo được môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, biến nông thôn thành địa bàn thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư đang là vấn đề mà cơ quan quản lý nhà nước cũng như các nhà tài trợ quan tâm hiện nay.

Viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển Nông nghiệp Đặng Kim Sơn cho rằng, nguồn lực vững bền nhất, ổn định nhất là nguồn lực từ thị trường. Đó là từ nguồn tín dụng của các định chế tài chính, của các ngân hàng thương mại và các cơ quan phát triển quốc tế. Đồng thời, cũng là nguồn lực của các doanh nghiệp đầu tư về nông dân và cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ nông thôn, lẫn các doanh nghiệp lớn, xuyên quốc gia.

Vì vậy, thời gian tới cần điều chỉnh các chính sách, quy chế, tạo cơ chế thu hút doanh nghiệp cụ thể vào từng nội dung trọng tâm của từng địa phương; đưa ra các giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn, tạo cơ chế, môi trường để doanh nghiệp thực sự đầu tư gắn với nông dân trong sản xuất, chế biến. Mặt khác, cần có nhiều hơn những cuộc đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, để qua đó cùng xây dựng các mô hình cải thiện sinh kế cho người dân, để tất cả đều cụ thể, tránh việc chung chung, không rõ ràng như hiện nay.

Là chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai lần đầu tiên trên diện rộng ở tất cả các mảng đời sống xã hội, với kỳ vọng mang lại sức sống mới và biến đổi mạnh mẽ đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, do vậy, để Chương trình tiếp tục được triển khai trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn hẹp và nông dân đang phải vượt qua những khó khăn của quá trình suy giảm kinh tế, thì việc xây dựng các chính sách cụ thể nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tăng nguồn lực cho nông thôn mới được xem là giải pháp khả quan hiện nay.