Huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới tại huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 2/2020

Thời gian qua, huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên) đã triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng. Kết quả này đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn của Huyện. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Huyện còn tồn tại một số hạn chế cần sớm có giải pháp khắc phục, nhất là vấn đề huy động nguồn lực cho thực hiện Chương trình.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đặt vấn đề

Võ Nhai là huyện vùng cao của tỉnh Thái Nguyên, cách TP. Thái Nguyên khoảng 30km về hướng Đông Bắc. Đây là địa bàn sinh sống của 8 dân tộc thiểu số như Kinh, Tày, Nùng, Dao, các dân tộc H’Mông, Cao Lan, Hoa và người Cao Lan (Sán Chay, Sán Chí) sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng nước, làm nương, trồng rừng.

Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, những năm qua, huyện Võ Nhai đã quyết liệt thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, đã đạt khá nhiều kết quả quan trọng, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn của địa phương. Cụ thể, nhờ Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay, huyện Võ Nhai đã bê tông hóa được 250km/572,417km đường trực xóm, liên xóm, ngõ xóm; Xây dựng được 14/14 xã có nhà văn hóa, bảo đảm tiêu chuẩn quy định; 130/167 xóm có nhà văn hóa; 100% trạm y tế đạt chuẩn; 42/65 đơn vị trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 64,6%; Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 25,86% so với năm 2017. Đời sống nhân dân được nâng lên về cả vật chất lẫn tinh thần, môi trường nông thôn được cải thiện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Huyện còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đó là công tác tuyên truyền vận động của một số xã, xóm thực hiện chưa thường xuyên, nên còn gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Chương trình. Việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xã nông thôn mới tại các xã còn gặp khó khăn. Vì vậy, huy động các nguồn lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là việc làm cần thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Huyện trong bối cảnh mới.

Thực trạng huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới tại huyện Võ Nhai

Tổng nguồn vốn huy động:

Tính chung giai đoạn 3 năm (từ 2016 – 2018), huyện Võ Nhai đã huy động được 257.176,9 triệu đồng cho thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp là 115.029,9 triệu đồng (bao gồm, ngân sách trung ương là 49.247,9 triệu đồng, vốn đối ứng từ ngân sách địa phương 65.782 triệu đồng); vốn huy động từ doanh nghiệp là 7.073 triệu đồng; vốn huy động từ người dân và cộng đồng là 135.074 triệu đồng. Ngoài các nguồn trên, Huyện còn vận động nhân dân hiến 56,38ha; Vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đóng trên địa bàn Huyện đóng góp bằng tiền và hiện vật hỗ trợ các xã đạt chuẩn nông thôn mới là 3.048,98 triệu đồng.

Kết quả phân bổ nguồn vốn để thực hiện Chương trình: Trên cơ sở nguồn vốn huy động được, trong giai đoạn từ 2016 – 2018, huyện Võ Nhai đã tiến hành phân bổ nguồn vốn cho thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo đúng đủ và phù hợp, cụ thể:

- Nâng cao năng lực xây dựng nông thôn mới: 238 triệu đồng.

- Công tác truyền thông về xây dựng nông thôn mới: 14 triệu đồng.

- Công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới: 489 triệu đồng.

- Phát triển hạ tầng - kinh tế xã hội: 254.083 triệu đồng.

- Phát triển giáo dục ở nông thôn: 236 triệu đồng.

- Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn: 174 triệu đồng.

- Vệ sinh môi trường nông thôn: 381 triệu đồng.

- Duy tu, bảo dưỡng các công trình sau đầu tư trên địa bàn xã: 135 triệu đồng.

- Hỗ trợ xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu: 522 triệu đồng.

- Hỗ trợ hoạt động của Ban Chỉ đạo và cơ quan tham mưu giúp việc: 219,9 triệu đồng.

Kết quả xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện Chương trình: Nghiên cứu thực tiễn cho thấy, vấn đề kiểm soát và xử lý nợ đọng trong xây dựng cơ bản trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia của Huyện khá hiệu quả, cho nên khối lượng nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc Chương trình là không đáng kể.

Nguồn lực cần thiết cho triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Huyện trong giai đoạn mới: Dự kiến là 48.975 triệu đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 25.850 triệu đồng, nhân dân đóng góp là 22.525 triệu đồng, doanh nghiệp là 600 triệu đồng.

Đánh giá chung

Trong giai đoạn 2016-2018, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Võ Nhai đã đạt một số kết quả nổi bật sau:

- Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị đã tích cực, chủ động trong triển khai thực hiện, ban hành nghị quyết và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo; kiện toàn bộ máy giúp việc Ban Chỉ đạo từ huyện đến xã, tạo sự thống nhất chung trong lãnh đạo, chỉ đạo.

- Tổ chức tuyên truyền, vận động về Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 dưới nhiều hình thức, làm rõ và phát huy vai trò chủ thể của người dân trong giai đoạn mới.

- Nhận thức của phần lớn cán bộ và người dân về xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2016-2018 có nhiều chuyển biến rõ rệt; Xây dựng nông thôn mới đã lan tỏa, trở thành phong trào rộng khắp; dân chủ ở cơ sở, ý thức và trách nhiệm làm chủ của người dân được nâng cao.

- Hệ thống giao thông, thủy lợi, mạng lưới điện, trường lớp học, hạ tầng các lĩnh vực văn hoá - xã hội được quan tâm đầu tư xây dựng và nhận được sự đồng thuận của người dân.

- Mô hình kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất đang được triển khai thực hiện, nhiều mô hình sản xuất có thu nhập cao tiếp tục duy trì và phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện.

- Chất lượng đời sống văn hóa tinh thần được nâng cao, nhiều câu lạc bộ văn hóa - thể thao được thành lập và hoạt động có hiệu quả.

Tuy nhiên, mặc dù, các cấp ủy đảng, Chính quyền và nhân dân huyện Võ Nhai đã tích cực trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nhưng kết quả vẫn chưa đạt như kỳ vọng và mục tiêu đề ra, còn tồn tại một số hạn chế sau:

- Cơ sở hạ tầng nông thôn đã được chú trọng đầu tư xây dựng, tuy nhiên ở một số địa phương đặc biệt khó khăn còn thiếu, yếu; hệ thống lề đường, điểm tránh xe nhiều tuyến chưa được hoàn thiện.

- Khả năng đóng góp để xây dựng công trình hạ tầng nông thôn của người dân còn hạn chế.

- Khối lượng công việc cần thực hiện để đạt tiêu chí nông thôn mới còn khá nhiều, định mức đóng góp lớn.

- Chưa huy động được nguồn lực đầu tư cho các mô hình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập có liên kết bao tiêu sản phẩm...

Những vấn đề đặt ra cho giai đoạn mới

- Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức về nội dung, phương pháp, cách làm và cơ chế chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới theo tinh thần người dân làm chủ; huy động nội lực là chính.

- Cần có sự tập trung chỉ đạo cụ thể, liên tục, đồng bộ và huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị; Tăng cường kiểm tra, sơ kết, tổng kết động viên khen thưởng kịp thời những điển hình tiên tiến nhằm thúc đẩy thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

- Chú trọng công tác xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt, nhất là đội ngũ cán bộ ở cơ sở phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới.

- Khuyến khích sự chủ động, sáng tạo phù hợp với điều kiện và đặc điểm của từng xã, tránh rập khuôn, máy móc.

- Cần gắn phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” với phong trào thi đua “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và các phong trào, các cuộc vận động khác để phát huy hiệu quả.

Giải pháp huy động hiệu quả nguồn lực thực hiện xây dựng nông thôn mới

Giai đoạn 2020-2025, huyện Võ Nhai đặt mục tiêu, phấn đấu có thêm 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới; Phấn đấu có 01 xã đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu; Bình quân mỗi xã đạt từ 14 tiêu chí trở lên.

Để đạt được mục tiêu trên, huyện Võ Nhai đã đề ra giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền và tổ chức các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới từ huyện đến cơ sở nhằm nâng cao nhận thức của người dân; đẩy mạnh công tác truyền thông về cách làm sáng tạo, hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.

Thứ hai, tiếp tục huy động các nguồn lực các nguồn lực để thực hiện chương trình, đặc biệt là nguồn xã hội hóa trong dân. Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn.

Thứ ba, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và cộng đồng thực sự làm chủ trong xây dựng nông thôn mới theo cơ chế đầu tư đặc thù.

Thứ tư, có cơ chế ưu đãi hấp dẫn để huy động người dân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần quan trọng phát triển nền nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao.       

Tài liệu tham khảo:

1. UBND huyện Võ Nhai, Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2016;

2. UBND huyện Võ Nhai, Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2017;

3. UBND huyện Võ Nhai, Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2018.