Huy động và sử dụng nguồn vốn tư nhân trong phát triển kinh tế - xã hội

TS. PHẠM NGỌC LONG - Viện trưởng Viện Khoa học Quản trị Doanh nghiệp nhỏ và vừa

Khu vực kinh tế tư nhân (chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc 05 loại hình doanh nghiệp), đều được pháp luật tạo điều kiện đầu tư, kinh doanh bình đẳng với các khu vực kinh tế khác. Có thể xem xét vị thế là “trụ cột” kinh tế hay “động lực” tăng trưởng kinh tế của khu vực này từ góc độ huy động và sử dụng các nguồn vốn tư nhân...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế - xã hội

Theo các nguồn số liệu thống kê, trong giai đoạn 2006-2015, so với khu vực kinh tế nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khu vực kinh tế tư nhân đóng góp hơn 40% GDP cả nước, 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ, 64% tổng lượng hàng hóa và 100% giá trị sản lượng hàng hóa vận chuyển. Trong thời gian tới, theo dự báo của Tổng cục Thống kê, khu vực kinh tế tư nhân vẫn đóng góp khoảng 30% ngân sách và khoảng 40% GDP của cả nước.

Khu vực tư nhân tạo ra số việc làm rất ấn tượng, góp phần không nhỏ tái cấu trúc nền kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt tạo việc làm mới cho những đối tượng bị giảm biên chế hoặc mất việc làm do quá trình tinh giản bộ máy hành chính, cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hay dịch chuyển lao động từ khu vực nông thôn. Các DN tư nhân đóng vai trò tạo thêm 1,2 triệu việc làm mỗi năm và giúp duy trì tỷ lệ thất nghiệp thấp ở Việt Nam trong thời gian qua.

Mức thu nhập cho người lao động trong các DN ngoài nhà nước được cải thiện đáng kể. Tính trung bình, mức thu nhập bình quân hàng năm của người lao động năm 2005 khoảng 25,4 triệu đồng/ người/năm (theo giá năm 2010) đã tăng lên 42,3 triệu đồng/người/năm 2014. Kể từ năm 2005 đến 2014, lương người lao động khu vực tư nhân không ngừng tăng tính theo giá năm 2010, cụ thể là 1,66 lần (2014/2005). Tốc độ tăng lương này cao hơn hẳn so khu vực DNNN (1,26 lần) và thấp hơn khu vực FDI trong cùng giai đoạn (1,68 lần). Khu vực ngoài nhà nước chủ yếu là các DN nhỏ và vừa (DNNVV), quy mô vốn nhỏ, kém lợi thế nhiều mặt và phải đối diện các chi phí đầu vào không ngừng tăng nhưng đã có được tốc độ tăng lương, cải thiện đời sống người lao động đáng khích lệ.

Tình hình huy động và sử dụng nguồn vốn tư nhân

Số liệu thống kê cho thấy, nguồn vốn khu vực tư nhân có tốc độ tăng trưởng bình quân 155%/năm giai đoạn 2006-2014. Xét về cơ cấu sử dụng vốn có 02 cấu thành chủ yếu là vốn đầu tư phát triển và vốn hoạt động. Giai đoạn 2006 - 2014, phần vốn dành cho tài sản cố định và đầu tư dài hạn tăng trưởng bình quân 214,4%/năm (gấp 28,3 lần), vốn đầu tư phát triển tăng bình quân hàng năm 34%, gấp 3,04 lần trong vòng 09 năm. Chênh lệch huy động/sử dụng vốn là phần dành cho vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh thông thường (tỷ trọng bình quân dưới 50%/năm). Tỷ lệ vốn dành cho đầu tư phát triển bình quân tăng 56,43%/năm là khá cao và cho thấy sự chủ động tích cực về huy động và sử dụng vốn của khu vực này. Trong tổng nguồn vốn tư nhân huy động được phần vốn tín dụng ngân hàng chỉ chiếm khoảng 15,68% tổng nguồn năm 2012 (9.365.753 tỷ), tương ứng khoảng 50% dư nợ tín dụng đến 31/12/2012 là 2.936.800 tỷ đồng. Nguyên nhân phần nào cũng bởi ở nhiều thời điểm tiếp cận vay vốn ngân hàng vẫn luôn là trở ngại đối với khu vực khu vực kinh tế tư nhân. So sánh cùng giai đoạn 2006 - 2014, sử dụng vốn đầu tư giữa khu vực tư nhân tăng 3,04 lần, khu vực nhà nước tăng 2,63 lần, khu vực FDI tăng 4,04 lần. Xu hướng chung tổng vốn thực hiện đầu tư so GDP giảm 9% trong vòng 9 năm. Đến năm 2014, trong tỷ trọng vốn đầu tư chiếm 31% GDP thì phần đóng góp tính được của khu vực kinh tế tư nhân là 11,9%, khu vực kinh tế nhà nước là 12,37%; khu vực FDI là 6,73%.

Xét về cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội, nguồn vốn tư nhân không chỉ luôn chiếm vị trí thứ 02 giữa 03 khu vực, mà còn có xu hướng tăng nhẹ từ mức 22% năm 2000 lên 38,4% năm 2014, trong khi khu vực FDI lại giảm rõ rệt từ mức cao nhất 30,9% năm 2008 về mức 21,7% năm 2014 và khu vực kinh tế nhà nước giảm từ 47% năm 2006 về khoảng 40% năm 2014. Ngay những giai đoạn kinh tế khó khăn (2008-2009 và 2011-2013) thì vốn đầu tư khu vực tư nhân vẫn tăng cho thấy tính ổn định, bền vững của khu vực này.

Nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng nguồn vốn tư nhân

Có thể xem xét vị thế là “trụ cột” kinh tế hay “động lực” tăng trưởng kinh tế của khu vực tư nhân từ góc độ huy động và sử dụng các nguồn vốn tư nhân... Tuy nhiên, cũng có thể thấy một số tồn tại, hạn chế là một số cơ chế, chính sách của Nhà nước cũng chưa thực sự mang tính ưu đãi cho khu vực này. Để nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng nguốn vốn tư nhân, các giải pháp đặt ra là:

Tháo gỡ nút thắt về nhận thức cản trở sự phát triển khu vực tư nhân...

Cần thay đổi triệt để sự đánh giá còn “mập mờ” vai trò khu vực DN ngoài nhà nước (chủ yếu là DNNVV) so với các khu vực khác, nhất là khu vực FDI và khu vực DNNN. Đây là cản trở lớn chi phối từ hoạch định chủ trương, chính sách đến tổ chức triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển các DN ngoài nhà nước. Kết quả lâu nay thực chất vẫn đảm bảo đặc quyền của nhiều DNNN và tạo lợi thế dễ dàng cho DN FDI, làm cho khoảng cách và trình độ phát triển giữa các khu vực ngày càng rộng ra.

Khắc phục hạn chế tự thân doanh nghiệp tư nhân

Có đến 99% DN tư nhân có quy mô nhỏ và vừa, trong đó chủ yếu quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Phần lớn còn hạn chế về huy động vốn, lao động, công nghệ, quản trị, thị trường, mặt bằng sản xuất kinh doanh, thông tin, pháp lý. Theo đó, yêu cầu tăng cường năng lực cạnh tranh của khu vực này là cấp thiết. Cần khắc phục trước hết đặc thù quản lý “khép kín, gia đình trị” và phương thức hoạt động dựa chủ yếu “quan hệ, thân hữu”; Chú trọng gắn kết quyền, nghĩa vụ pháp lý về sở hữu và quản trị DN của chủ DN; Khuyến khích sử dụng đa diện, đa dạng các yếu tố bên ngoài để nâng cao kỹ năng quản trị DN; Từ bỏ tâm lý đầu tư ngắn hạn, kinh doanh chụp giật nhất thời còn chi phối nặng nề hoạt động của nhiều DN.

Hoàn thiện khung khổ pháp lý minh bạch, bình đẳng và môi trường cạnh tranh công bằng giữa các khu vực kinh tế

Sự bình đẳng cần được thực hiện trong việc xây dựng, thực thi các cơ chế, chính sách; Sớm ban hành mới văn bản luật liên quan (Luật DNNVV và Luật về công nghiệp phụ trợ).

Cần sự hỗ trợ kịp thời, thực chất và hiệu quả ưu tiên DN nhỏ, siêu nhỏ; Cần khắc phục ngay tình trạng trợ giúp nửa vời, hình thức, thiếu trọng tâm, trọng điểm, lãng phí nguồn lực vốn hạn chế, theo kiểu cơ chế “xin, cho, phân bổ kế hoạch” của các cơ quan quản lý nhà nước. Cần bắt buộc kiểm điểm, đánh giá định lượng được hiệu quả chi tiêu hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân nói chung/DNNVV nói riêng, kể cả khả năng thu hồi vốn hỗ trợ theo các phương pháp tính khác nhau; Khắc phục ngay tình trạng nhiều chính sách mới chỉ quy định về nguyên tắc, chưa cụ thể về đối tượng, thủ tục, nội dung hỗ trợ đang tình trạng chờ giải quyết “nợ đọng” văn bản hướng dẫn nằm đâu đó ở các bộ, ban, ngành; Thường xuyên bổ sung các chương trình hỗ trợ mới cho DN theo yêu cầu thực tiễn (khởi sự DN, hỗ trợ doanh nhân trẻ, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tham gia chuỗi cung ứng, dịch vụ công...)

Cần có quy hoạch chiến lược phát triển mới cho khu vực kinh tế tư nhân/cốt lõi là khu vực DNNVV: Sửa đổi, bổ sung nâng cấp Chương trình phát triển DNNVV theo Quyết định 1231/QĐ-TTg/2011 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2011-2015 tầm nhìn 2020. Chủ động, tích cực “ươm tạo và nhân bản” số DNNVV quy mô vừa và đủ lớn, đủ sức làm “đầu tầu” lôi kéo, dẫn dắt tạo cú hích thúc đẩy phát triển lĩnh vực, ngành hàng mà Việt Nam cần nhanh chóng tăng cường năng lực cạnh tranh theo định hướng phát triển 12 lĩnh vực ngành hàng theo cam kết khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào 31/12/2015. Chú trọng các lĩnh vực, ngành hàng thuộc khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (TPP, EVFTA, RCEPT...) mà Việt Nam sẽ ký kết tạo ra vận hội phát triển mới cho DN Việt Nam. Tiếp tục chỉnh sửa cho phù hợp các Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Sở hữu trí tuệ... đồng thời đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh, tăng cường năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam nhằm bắt kịp cơ hội, chủ động đối mặt khó khăn, thách thức mới.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguồn dữ liệu điều tra khảo sát và tính toán của Viện Khoa học Quản trị DNNVV;

2. Nguồn dữ liệu thống kê của Tổng cục Thống kê;

3. Sự phát triển của DN ngoài nhà nước – NXB Thống kê năm 2014;

4. Kỷ yếu Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân năm 2015;

5. CIEM, Đặc điểm môi trường kinh doanh ở Việt Nam – Kết quả điều tra DNNVV năm 2011, 2012;

6. Lê Duy Bình, Đánh giá nhanh chất lượng khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam sau 10 năm thực hiện Luật DN, 2010;

7. PGS,. TS. Đào Duy Huân, Phát triển DNNVV ở Việt Nam phù hợp với tái cấu trúc và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, Tạp chí Phát triển & hội nhập số 4(14) tháng 5-6/2012.