Huy động vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp tại tỉnh Nghệ An

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 11/2019

Nghệ An là một tỉnh có địa bàn kinh tế rộng, tương đối đa dạng có nhiều thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, tuy nhiên, khó khăn trong phát triển nông nghiệp hiện nay là nguồn vốn đầu tư chưa cao. Việc huy động vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp trên địa bàn Tỉnh đã và đang bộc lộ nhiều bất cập đòi hỏi phải có những giải pháp nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. Bài viết này đánh giá thực trạng huy động vốn đầu tư phát triển nông nghiệp tại tỉnh Nghệ An, qua đó gợi mở một số giải pháp giúp khơi thông dòng vốn vào lĩnh vực này.

Nghệ An là một tỉnh có địa bàn kinh tế rộng, tương đối đa dạng có nhiều thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Nguồn: internet
Nghệ An là một tỉnh có địa bàn kinh tế rộng, tương đối đa dạng có nhiều thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Nguồn: internet

Thực trạng huy động vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp tại Nghệ An

Trong những năm qua, Nghệ An đã triển khai, thực hiện nhiều chính sách nhằm tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi để thu hút vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp. Theo đó, kinh tế nông nghiệp địa phương đã có chuyển biến cực. Tuy nhiên, trong thực tiễn phát triển, còn phát sinh một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

Chuyển biến tích cực

Các chính sách ưu đãi đầu tư cho phát triển nông nghiệp của Tỉnh thể hiện thông qua việc ban hành các quy định như: Quyết định số 02/2013/QĐ-UBND của UBND Tỉnh ngày 15/01/2013 về việc ban hành một số chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Quyết định số 87/2014/QĐ-UBND ngày 16/7/2014 về một số chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Quyết định số 08/2015/QĐ-UBND ngày 221/01/2015 về một số chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 - 2020; Nghị quyết số 13/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An...

Trong giai đoạn 2014 - 2018, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp của Nghệ An được tập trung vào những ưu đãi về sử dụng, thuê đất đai mặt bằng kinh doanh; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đến hàng rào dự án đầu tư; tổ chức đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong nông nghiệp, hỗ trợ phát triển nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất thúc đẩy phát triển thị trường tiêu thụ nông sản trên địa bàn Tỉnh… Đây là những cơ hội tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Cùng với chủ trương thu hút nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Nhà nước, thời gian qua tỉnh Nghệ An đã đẩy mạnh công tác thu hút vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2014 - 2018, việc huy động vốn đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh Nghệ An đã đạt được một số kết quả như:

- Bổ sung thêm nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp nói riêng và cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An nói chung. Nếu năm 2014, tổng vốn đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp là 2.810 tỷ đồng, thì đến năm 2018 tổng vốn đầu tư là 4.786,7 tỷ đồng (tăng gấp 2 lần so với năm 2014).

- Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển nông nghiệp tỉnh Nghệ An. Nguồn vốn huy động đã góp phần nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nông nghiệp, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của hoạt động sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp.

Một số tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc huy động vốn đầu tư phát triển nông nghiệp tỉnh Nghệ An còn một số tồn tại, hạn chế như:

Thứ nhất, quy mô vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của địa phương. 5 năm qua, nguồn vốn đầu tư có sự gia tăng đều đặn qua các năm nhưng tỷ lệ không cao. So với tổng vốn đầu tư của toàn xã hội thì lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn. Trong 5 năm, toàn Tỉnh thu hút được 241.127,2 tỷ đồng thì lĩnh vực nông nghiệp đạt 18.703,7 tỷ đồng (chiếm 7,8%), lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm 52,5%, lĩnh vực dịch vụ chiếm 39,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp không những thấp nhất cả về số lượng dự án mà còn cả về quy mô vốn đầu tư của toàn Tỉnh. Nghệ An có nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp, nhưng tổng vốn đầu tư trong nông nghiệp chỉ đạt 7,8%, thấp hơn cả mức trung bình chung của cả nước.

Thứ hai, cơ cấu vốn đầu tư thiếu cân đối. Tỷ trọng vốn đầu tư trong lĩnh vực nông, lâm thủy sản chưa đồng đều. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là nông nghiệp thuần túy (chăn nuôi, trồng trọt) chiếm 73,8%; tiếp đến là lĩnh vực lâm nghiệp chiếm 14,5% và thấp nhất là lĩnh vực thủy sản chiếm 11,7%. Trong khi đó bình quân giá trị sản xuất của thủy sản đứng thứ 2 toàn Ngành.

Thứ ba, nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân vẫn chiếm tỷ trọng thấp, đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nguồn vốn từ các doanh nghiệp (DN) vào lĩnh vực nông nghiệp của Tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có. Quy mô vốn đầu tư nhỏ lẻ và phân tán, chưa thu hút được nhiều các DN, các nhà đầu tư lớn vào nông nghiệp. Mặc dù, Nghệ An là một trong những Tỉnh đi đầu về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhưng đến nay, nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân vào lĩnh vực này vẫn còn thấp, chưa tạo ra được hiệu ứng cho phát triển nông nghiệp của Tỉnh.

Hiện nay, có 9.239 DN đang hoạt động trên địa bàn Tỉnh nhưng lĩnh vực nông nghiệp chỉ có 389 DN chiếm 4,2%. Đây là kết quả khiêm tốn đối với lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Nghệ An. Các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có quy mô nhỏ lẻ, nguồn vốn không cao. Trên địa bàn Nghệ An có tới 60% các DN nhỏ và vừa tham gia sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực này.

Nguồn vốn FDI còn hạn chế về mặt quy mô và chất lượng. Trong 5 năm qua, Nghệ An thu hút được 42 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt 445,25 triệu USD nhưng lĩnh vực nông nghiệp chỉ thu hút được 5 dự án đầu tư phân bổ đều cho các năm với tổng vốn đầu tư đạt 32,51 triệu USD. Các dự án FDI phân bố không đồng đều giữa các lĩnh vực, số dự án trực tiếp tham gia vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp góp phần nâng cao năng lực sản xuất của ngành vẫn còn rất ít. Trong lĩnh vực chế biến nông nghiệp chủ yếu là các dự án về thức ăn chăn nuôi, có ít các dự án về chế biến nông sản thô. Đây là một trong những khó khăn của tỉnh Nghệ An trong quá trình phát triển nông nghiệp.

Mặc dù, Nghệ An đã có những chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhưng vẫn chưa thực sự hấp dẫn, các nhà đầu tư vẫn còn gặp khó khăn khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như:

- Hệ thống cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, nhất là hệ thống giao thông nội đồng và giao thông ở các vùng nguyên liệu mới.

- Đất đai trong lĩnh vực nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ; việc tiếp cận đất đai để sản xuất kinh doanh tương đối khó khăn. Quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp cứng nhắc, thiếu tính ổn định.

- Chất lượng nguồn nhân lực phần lớn trình độ thấp, số lượng được đào tạo về công nghệ, kỹ thuật chưa cao. Công tác đào tạo nghề nông nghiệp hiện nay tại địa phương chưa thực sự phát huy được tính hiệu quả.

- Ưu đãi về đầu tư công nghệ trong nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn các DN tư nhân, mức hỗ trợ còn thấp chưa đủ mạnh. Sản xuất đại trà còn chậm, mang tính nhỏ lẻ nên hiệu quả mang lại chưa cao.

- Việc phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức, thiếu ổn định bị ép giá đã làm giảm tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực nghiệp. Chuỗi liên kết còn chưa chặt chẽ với các nhà phân phối bán lẻ lớn, chưa có tổ chức, cơ quan hỗ trợ DN về phân tích, dự báo thị trường, khuyến nghị về sản lượng và giá bán.

Giải pháp huy động vốn đầu tư phát triển nông nghiệp tại tỉnh Nghệ An

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, tỉnh Nghệ An cần triển khai các nội dung sau:

Một là, hoàn thiện chính sách đối với phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ưu tiên nguồn vốn ngân sách nhà nước đối với các công trình theo chốt mang tính đầu mối như giao thông, hệ thống thông tin liên lạc... có khả năng thu hồi vốn đầu tư hoặc vốn đầu tư chậm nhằm đảm bảo yêu cầu sản xuất của các nhà đầu tư. Nhanh chóng triển khai, hoàn thiện hạ tầng cơ sở cho các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để làm đòn bẩy thu hút nguồn vốn đầu tư trong vào ngoài nước vào sản xuất nông nghiệp như khu nông nghiệp công nghệ cao tại các huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ.

Hai là, hoàn thiện chính sách đất đai trong sản xuất nông nghiệp. Giảm thiểu thời gian và chi phí giúp các nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc tiếp cận mặt bằng sản xuất. Thúc đẩy hình thức tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, hình thành quỹ “đất sạch”, tạo điều kiện cho việc chuyển đổi đất nông nghiệp đảm bảo hài hòa lợi ích của người nông dân và DN.

Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Hỗ trợ kinh phí tổ chức các khóa đào tạo nghề thiết thực, cụ thể gắn với tình hình đặc điểm của địa phương và định hướng phát triển nông nghiệp. Theo đó, đổi mới hoạt động đào tạo nghề cho lao động có sự tham gia của DN nhằm gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động là việc làm hết sức cần thiết trong thời gian tới của Nghệ An. Đồng thời, cần có chính sách thích hơp để khuyến khích đội ngũ cán bộ chuyên môn giỏi tại địa phương, phát huy cao nhất khả năng; xây dựng cơ chế thu hút và sử dụng nguồn nhân lực có trình độ cao từ bên ngoài công tác trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bốn là, hỗ trợ các DN tư nhân đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp. Theo đó, cần có chính sách đột phá về khoa học công nghệ, khuyến khích các dự án đầu tư công nghệ vào một số lĩnh vực đang còn thiếu và yếu; Cần có sự hỗ trợ, tạo điều kiện để DN có thể tiếp cận được những kết quả nghiên cứu khoa học và đẩy nhanh các mô hình sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ trên diện rộng.

Năm là, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản. Hàng năm, Nghệ An cần bố trí ngân sách đẩy mạnh và đổi mới công tác xúc tiến thương mại để quảng bá các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế như các loại cây ăn quả có múi, cây chè, cao su, lạc... Tăng cường công tác cung cấp thông tin thị trường nhằm đáp ứng kịp thời các thông tin về giá cả nông sản, nhu cầu thị trường. Hỗ trợ người sản xuất nông nghiệp xây dựng thương hiệu chỉ dẫn địa lý, tem truy xuất nguồn gốc, GAP, nhãn mác, nhãn hiệu sản phẩm nông sản, tạo niềm tin đối với khách hàng cho sản phẩm nông sản của tỉnh Nghệ An. Khuyến khích việc sản xuất và tiêu thụ nông sản qua hợp đồng, thực hiện liên kết “4 nhà” (Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà nông và Nhà DN trong nông nghiệp). Hiện nay, Nghệ An đã có có hình thức liên kết kinh tế “4 nhà”, tuy nhiên hình thức này trong tiêu thụ nông sản còn khá lỏng lẻo. Phần lớn các DN thu mua tiêu thụ nông sản thông qua các thương lái mà việc liên kết trực tiếp với nông dân còn ít. Vì vậy, để tăng tính hiệu quả trong việc tiêu thụ nông sản qua hợp đồng cần có quy định rõ ràng và chặt chẽ giữa các bên liên quan tránh tình trạng phá vỡ hợp đồng. Hỗ trợ phát triển các DN hoạt động sản xuất, chế biến và tiêu thụ các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.   

Tài liệu tham khảo:

1. Cục Thống kê Nghệ An, Niên giám thống kê tỉnh Nghệ An giai đoạn 2014 – 2018;

2. Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An (2018), “Báo cáo kết quả điều tra, khảo sát, đánh giá hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An”, Nghệ An;

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, Báo cáo tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2014 – 2018, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An.

4. Lê Thị Trang (2019), Một số vấn đề về thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp ở Việt Nam, Tạp chí Tài chính;

5. Frank Ellis (1995), Chính sách nông nghiệp tại các nước đang phát triển (bản dịch), NXB Nông nghiệp, Hà Nội.