Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng - an ninh

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Theo các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), để có thể hỗ trợ ngư dân bám biển, giải quyết bài toán kinh tế và chủ quyền quốc gia, ngân sách đầu tư công cần tập trung vào đóng các đội tàu công suất lớn, hiện đại cho ngư dân thuê, đồng thời có các chính sách tín dụng phát triển hậu cần nghề cá.

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng - an ninh
Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh. Nguồn: internet
Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/02/2007 của Đảng về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã định hướng nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường; bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng làm cho đất nước giàu mạnh. Nghị quyết cũng yêu cầu trước mắt phải phát triển công nghiệp đóng tàu, phát triển những ngành dịch vụ mũi nhọn như vận tải biển...

Bám biển để sản xuất ngư dân nước ta vẫn căng buồm ra khơi, đánh bắt hải sản tại ngư trường truyền thống ở Hoàng Sa. Những chiếc thuyền gỗ giăng lưới giữa biển xanh, phía trên lá cờ Tổ quốc bay phấp phới, bên cạnh mục tiêu đánh bắt thật nhiều hải sản để có thu nhập, còn có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Cho rằng ngư dân nước ta hiện có tinh thần bám biển rất cao, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) nhận định, điều còn hạn chế của ngư dân hiện nay là thiếu đội tàu đủ mạnh và thiếu sự chia sẻ rủi ro. Ông Ngân đề xuất, cần phải tập trung nguồn vốn đầu tư công đầu tư đội tàu cho ngư dân có thể bám biển và làm giàu từ biển. Nên dùng khoản tiền tiết kiệm 35.000 tỷ đồng của ngành giao thông vận tải để đầu tư đội tàu cho ngư dân. Ngoài ra, ngành dầu khí cũng nên trích lợi nhuận, lợi tức để giúp ngư dân bám biển, đồng thời, hình thành đội tàu hiện đại, công suất lớn cho ngư dân ra biển lớn.

Đây cũng là ý kiến của Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh Trần Du Lịch, phát biểu trong buổi thảo luận tại tổ về Kinh tế - Xã hội. Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị Nhà nước đứng ra đóng tàu cho ngư dân thuê tàu. Với từng đội tàu gỗ của ngư dân cần có vài chiếc tàu sắt công suất lớn thu mua hải sản của người dân. Phải hình thành đội tàu sắt của Nhà nước, cho ngư dân thuê với giá ưu đãi, để vừa giải quyết bài toán kinh tế lẫn chủ quyền. Hiện tại đa phần các tàu đánh cá của ngư dân nước ta là loại tàu gỗ, công suất nhỏ, mang đá ướp cá thủ công thì rất khó trong đánh bắt và bảo quản hải sản. Cần phải có tàu cá có đủ thiết bị, máy cấp đông thì mới có hiệu quả.

Theo ĐBQH, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Saigon Co.op Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, ngành nông nghiệp cần phải xây dựng và triển khai đề án phát triển hậu cần nghề cá. Ông Hòa phân tích, thực tế, các tàu cá của ngư dân thường chuẩn bị lương thực, nhiên liệu cho 30 ngày đánh bắt trên biển. Tuy nhiên, số lượng hải sản ngư dân đánh bắt trong 10 ngày đầu tiên thường để làm thức ăn gia súc vì bị hỏng do khâu bảo quản, loại hải sản đánh bắt trong 10 ngày tiếp theo bán với giá rất thấp vì chất lượng thấp, chỉ có hải sản đánh bắt được ở 10 ngày cuối là bán được giá vì còn tươi. Chưa hết, cứ hết 1 tháng là ngư dân lại phải quay vào bờ tiếp nguyên liệu, lương thực. Theo ông Hòa, cần phải phát triển logistics trên biển, xây dựng đội tàu cấp đông, một chiều thì chở lương thực thực phẩm, nguyên nhiên liệu cung cấp cho các tàu cá, chiều về thu mua hải sản của người dân. Như vậy sẽ khắc phục tình trạng hải sản đánh bắt của người dân có giá trị thấp do việc bảo quản thủ công dài ngày. 

Nhằm giúp sức cho ngư dân có điều kiện đánh bắt hải sản trên biển, Ngân hàng Nhà nước đang triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng trong lĩnh vực thủy sản, trong đó tập trung ngư dân vay vốn phục vụ đóng mới tàu vỏ sắt, cải hoán nâng cấp tàu cũ để vươn khơi. Hoan nghênh gói tín dụng này, ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng, lãi suất tín dụng cho ngư dân cần phải thấp hơn nữa, ở mức 3% là hợp lý, đồng thời, khoảng thời gian cho vay phải dài hơn nữa. Sẽ không nhiều ngư dân tiếp cận được khoản tín dụng này vì các yêu cầu về tài sản thế chấp. Giải pháp đầu tư công cho ngư nghiệp, thông qua việc đóng tàu sắt công suất lớn cho ngư dân thuê đánh bắt, giống như mô hình của các doanh nghiệp taxi, phân chia tỷ lệ cụ thể sẽ thúc đẩy ngư dân khai thác và làm giàu từ nguồn lợi biển.