Khắc phục tồn tại trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường

Lê Hiền

(Tài chính) Lĩnh vực đất đai và khai thác khoáng sản đã, đang là vấn đề mà chính sách của Nhà nước phải chú trọng hướng tới để giải quyết các tồn tại còn ngổn ngang, bất cập, đang gây nhiều bức xúc trong nhân dân.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhiều tồn đọng



- Trong triển khai việc giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai cho người dân đã được đưa ra từ khá lâu, đến nay vẫn chưa giải quyết rứt điểm;\. Tính đến ngày 30/6/2013, cả nước đã cấp được 36 triệu giấy chứng nhận với tổng diện tích 20,12 triệu ha, đạt 83,2% diện tích cần cấp giấy chứng nhận của cả nước, tăng 2,0% so với năm 2012. Tuy nhiên, theo Báo cáo của Bộ Tài nguyên Môi trường (TN&MT), khối lượng còn lại cần cấp Giấy chứng nhận các loại đất chính trong năm 2013 của cả nước vẫn còn nhiều,  nhiều tỉnh, thành phố có kết quả cấp giấy chứng nhận ở nhiều loại đất chính còn đạt thấp (dưới 70% diện tích cần cấp). Đặc biệt, việc giấy cấp giấy chứng nhận sử dụng đất đối với đất sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh là rất thấp, khó hoàn thành vào cuối năm nay như mục tiêu đã đề ra. Nguyên nhân do một số văn bản hướng dẫn thi hành luật còn chưa thống nhất, nghị định còn mâu thuẫn nghị định, thiếu tính khả thi, làm nảy sinh phức tạp (nhiều quy định trong Nghị định số 120/2010/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 198/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của chính phủ quy định thu tiền sử dụng đất là không hợp lý, người dân không đồng thuận…).

- Tồn đọng đơn thư khiếu nại tố cáo (KNTC) của người dân về đất đai: Quá trình thực hiện Chỉ thị 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch 1130/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ về kiểm tra, rà soát đối với các vụ việc KNTC tồn đọng, kéo dài cho thấy sự vào cuộc rất tích cực của ngành thanh tra, của các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, của các bộ ngành trung ương và cả hệ thống chính trị trong việc rà soát, kiểm tra và nắm rõ nguyên nhân của những vụ việc KNTC phức tạp, kéo dài để tham mưu, đề xuất hướng giải quyết dứt điểm, đúng pháp luật. Chỉ trong thời gian ngắn, các tỉnh thành khu vực phía Nam (nơi tập trung các KNTC nhiều nhất về đất đai – chỉ trong 6 tháng đầu năm 2013 đã có hơn 30.000 vụ việc, chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất thực hiện các dự án, tranh chấp đất đai, đòi lại đất trước đây đưa vào các tập đoàn sản xuất…) đã giải quyết được 265/295 vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài, kiến nghị trả lại quyền lợi chính đáng cho người dân với giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất  nhiều vụ việc chưa giải quyết rứt điểm, nhiều vụ việc mới phát sinh (còn 63 vụ, trong đó 33 vụ rất phức tạp thuộc thẩm quyền địa phương). Lý do là một số quy định trong Luật Khiếu nại chưa khớp nhau về thẩm quyền. Cụ thể, chưa có quy định rõ ràng về việc chuyển các vụ việc khiếu nại đã hết thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính sang tòa án theo yêu cầu của người dân, hay chưa quy định cấp trên là ai để tiếp tục xem xét xử lý vụ việc mà UBND cấp tỉnh/thành giải quyết không đúng… Luật chỉ nói nếu người dân không đồng tình thì chuyển qua tòa án, trong khi nhiều vụ việc khiếu nại còn có thể giải quyết bằng các biện pháp hành chính. Không đồng tình với cách giải quyết tại địa phương, nhiều vụ việc người dân các tỉnh đã kéo lên TP. Hồ Chí Minh và ra Hà Nội vì ở 2 nơi này có văn phòng tiếp dân của Đảng và Nhà nước. Thực tế trên khiến tình hình khiếu nại đông người, vượt cấp càng thêm phức tạp, nhất là trong 6 tháng đầu năm 2013. Tuy nhiên một nguyên nhân dẫn đến tình trạng KNTC nhiều như vậy là do nhận thức pháp luật của người dân chưa đầy đủ, thậm chí bị kẻ xấu xúi giục, kích động… (có tới 60% vụ việc khiếu nại đông người là khiếu nại sai).

-Tình trạng sử dụng lãng phí đất đai còn rất cao: Bộ TN&MT cho biết, tổng hợp số liệu báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đến ngày 30/06/2013, có 8.161 tổ chức vi phạm, sử dụng đất lãng phí với diện tích hơn 128.000 ha. Việc xử lý tình trạng lãng phí đất đai, thu hồi đất gặp phải một số khó khăn, vướng mắc chủ quan như chưa có quy định về hạn mức sử dụng đất đối với từng loại dự án để làm căn cứ xác định, chế tài xử lý vi phạm hành chính về đất đai còn nhẹ, chưa đủ mạnh, do yếu tố lịch sử để lại, thiếu quy định cụ thể về quy trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu trong vụ việc vi phạm. Ngoài ra còn một số nguyên nhân như: công tác quy hoạch chưa ngang tầm với yêu cầu phát triển, chính sách thường xuyên thay đổi; do các cơ quan có thẩm quyền chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật, kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng, … cũng làm việc thu hồi bị chậm chễ. Một nguyên nhân nữa là các cơ quan có trách nhiệm chưa chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên tiến độ triển khai thực hiện các dự án sau khi giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư. Nhiều vụ việc xử lý vi phạm còn bị chi phối bởi các quan hệ xã hội. Trong các lĩnh vực tồn đọng, "tồn tại về đất đai là đáng lo ngại và một phần do quản lý còn lỏng lẻo” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng khẳng định như vậy.

- Tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản còn rất phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến môi trường: Năm 2013, Bộ TN&MT đã thành lập 8 đoàn kiểm tra, phát hiện nhiều sai phạm (103 giấy phép được cấp không đúng thẩm quyền, 37 giấy phép được cấp khi chưa có quy hoạch phê duyệt, 52 dự án cấp phép cho các đối tượng không đăng ký kinh doanh ngành nghề, 128 dự án cấp phép không qua đấu thầu, 395 dự án được cấp khi chưa cấp giấy phép kinh doanh, 29 dự án cấp phép khi chưa có đánh giá tác động môi trường...). Về phía doanh nghiệp, các DN cũng phản ánh những khó khăn, vướng mắc như: doanh nghiệp sản xuất xi măng, khai thác khoáng sản trong thuê đất làm hành lang an toàn nổ mìn, thủ tục cấp phép mỏ khoáng sản để lập dự án khai thác đá, duy trì ổn định sản xuất xi măng, xem xét, gia hạn khai thác mỏ đá duy trì sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động… còn chưa được các cấp quản lý hướng dẫn, hỗ trợ giúp đỡ và chính sách cũng chưa rõ dàng.

Khắc phục tồn tại trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường  - Ảnh 1

 Bộ trưởng Nguyễn Quang Minh trong buổi chất vấn của UBTVQH, chiều 20/8/2013, về vấn đề bức xúc trong lĩnh vực đất đai và khai thác khoáng sản. Nguồn: chinhphu.vn

Hướng xử lý

-          Về cấp giấy chứng nhận sử dụng đất: Chính phủ đưa ra chỉ tiêu phấn đấu đạt tỷ lệ 85% cấp sổ đỏ lần đầu (đối với 18 tỉnh triển khai chậm tiến độ, chủ yếu rơi vào các tỉnh nghèo của miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết Bộ TN&MT đang kiến nghị Chính phủ hỗ trợ các địa phương này 1.000 tỷ đồng để đấy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ). Đến ngày 31/12/2013 cả nước có thể đạt mục tiêu cấp giấy chứng nhận. Ngoài ra, trong công tác đền bù đất đai khi phân chia, thu hồi cần phải xác định thế nào là giá thị trường trong khung đền bù đất đai làm sao để người dân không bị thiệt thòi. Với sự hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ về nguồn lực, các bộ, ngành, địa phương cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để đạt chỉ tiêu đề ra.

-          Về việc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo: Khẩn trương xây dựng Luật Đất đai sửa đổi liên quan đến các cơ chế chính sách giải quyết quyền lợi hợp pháp cảu người dân, nâng cao trách nhiệm của hệ thống chính trị tham gia tiếp dân, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc phổ biến pháp luật, giải quyết các đơn thư tố cáo và đặc biệt là khẩn trương giải quyết rứt điểm các vụ việc tồn đọng lâu nay.

-          Giải quyết tình trạng lãng phí đất đai: Phải triển khai công tác thống kê đất đai bị sử dụng sai, bỏ hoang phí, tìm rõ nguyên nhân và kiên quyết xử lý. Hiện tại đất hoang phí, chưa sử dụng đúng mục đích không chỉ trong khối doanh nghiệp mà cả khối hành chính, sự nghiệp cũng rất lớn. Khối tài sản đất công bỉ sử dụng lãng phí này hàng năm không mang lại nguồn thu cho ngân sách, còn tạo ra rất nhiều tiêu cực… để giải quyết vấn đề này không dễ, không thể ngày một ngày hai, nhưng không thể để tồn tại mãi, không thể chỉ hô hào mà không có biện pháp cương quyết. Chính phủ chỉ đạo phải xây dựng pháp luật nghiêm hơn nữa trong lĩnh vực này, không thể chỉ “đưa ra đưa vào” mãi. Hết năm 2013 phải cơ bản hoàn thành xong số nợ văn bản hướng dẫn thực hiện. Đồng thời sớm ban hành Luật đất đai để giải quyết các vấn đề liên quan. 

-          Về khai thác tài nguyên khoáng sản: Ngay sau khi Luật Khoáng sản có hiệu lực từ 1/1/2011, Bộ TN&MT đã tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn bao gồm Nghị định 155 và Nghị định 22 về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, một số văn bản khác cũng đã trình Chính phủ và sẽ ban hành thời gian tới. Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang trong năm 2013 sẽ hoàn thành xong các văn bản hướng dẫn. Bộ TN&MT đã kiến nghị Chính phủ thu hồi giấy phép đã cấp không đúng quy định với 9 tỉnh, đình chỉ khai thác 11 tỉnh chưa có đánh giá trữ lượng thăm dò. Lãnh đạo các tỉnh cần tăng cường hơn trong việc kiểm tra, kiểm soát tình hình khai thác tài nguyên khoáng sản tại địa phương, hạn chế khai thác khu vực khoáng sản phân tán nhỏ lẻ vừa không thu được ngân sách, dân không được hưởng lợi, môi trường lại bị phá. Bộ Tài chính cũng đã xây dựng mức thuế suất thuế khai thác tài nguyên khoáng sản mới, trong đó điều chỉnh tăng thuế suất thuế tài nguyên lên, nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động khai thác tài nguyên theo hướng tiết kiệm, hiệu quả; đây cũng là công cụ quan trọng để cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác quản lý, giám sát quá trình hoạt động khai thác tài nguyên theo quy định của pháp luật.  Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cần tăng cường chỉ đạo giám sát trong việc cấp giấy phép, chú ý đến tình trạng ô nhiễm môi trường, phục hồi đất sau khai thác, cần xử lý nghiêm các hành động vi phạm pháp luật cũng như ngăn chặn tiêu cực tham nhũng trong hoạt động này.

Khắc phục tồn tại trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, giữ ổn định kinh tế xã hội và an sinh đời sống, lấy lại niềm tin của người dân vào chính sách chế độ của Nhà nước là việc làm mà các ngành, các cấp, đặc biệt là Trung ương phải chỉ đạo, thực hiện thông suốt  từ trên xuống dưới.