Khai cuộc VBF 2014: Niềm tin kinh doanh trước sóng biển Đông

Theo baodautu.vn

(Tài chính) Ngày 5/6, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2014 diễn ra với chủ đề “Từ chương trình tới hành động - Chuẩn bị cho các hiệp định thương mại mới”.

Đón nhận cơ hội và vượt qua thách thức từ các FTA là nội dung xuyên suốt, được giới đầu tư quan tâm. Nguồn: baodautu.vn
Đón nhận cơ hội và vượt qua thách thức từ các FTA là nội dung xuyên suốt, được giới đầu tư quan tâm. Nguồn: baodautu.vn

Thêm một lần nữa, giới đầu tư lại hối thúc việc chuẩn bị và công bố những điều kiện để cơ hội đầu tư - kinh doanh thực chất từ các hiệp định thương mại mới không bị bỏ lỡ. Điều này thấy ngay trong việc lựa chọn chủ đề của VBF giữa kỳ 2014.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên trước thêm VBF, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cho biết, sự hối thúc này đang được đặt trong bối cảnh rất mới.

Điều này tạo áp lực lên Chính phủ trong việc đưa ra những cam kết và biện pháp thực thi phù hợp. Với giới đầu tư, đó là áp lực hoạch định kế hoạch cụ thể và lựa chọn thời điểm đầu tư phù hợp.

“Việt Nam đã đứng ở ngưỡng cửa của các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác lớn nhất trên thế giới. Trước hết phải kể đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đi vào giai đoạn nước rút. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến kết thúc đàm phán vào cuối năm nay. Việc chuẩn bị để đất nước sẵn sàng đón nhận các cơ hội cũng như vượt qua thách thức từ các FTA được đặt ra ở thời điểm này cấp bách hơn bao giờ hết”, ông Lộc nói.

Cùng với đó, các động thái mới nhất của ASEAN qua các cuộc họp bộ trưởng từ đầu năm đến nay cho thấy, công tác chuẩn bị thành lập Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand và việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 đang rất rốt ráo.

Đó là chưa kể tới khuyến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản về sự chuyển hướng chính sách sang giai đoạn công nghiệp hóa cao hơn của Thái Lan qua việc tăng khuyến khích những ngành có hàm lượng giá trị gia tăng cao và chiến lược kinh doanh có tên gọi “Thái Lan + 1” mà Campuchia, Lào, Myanmar đang tập trung thực hiện nhằm thu hút đầu tư vào những ngành có hàm lượng lao động cao như Việt Nam từng làm trước đây.

Trong khi đó, tình hình kinh tế - chính trị tiếp tục diễn biến phức tạp từ đầu tháng 5 đến nay, sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của nước ta. Từ góc độ kinh tế, Việt Nam đang đứng trước những đòi hỏi mới trong việc duy trì quan hệ thương mại ổn định với Trung Quốc, đồng thời tăng cường các biện pháp hạn chế sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường này.

Cũng phải nói thêm, lợi ích tiềm năng từ các hiệp định thương mại có thể suy giảm nếu như các cam kết thiếu khả thi và các biện pháp đảm bảo thực thi hiệu quả không được đưa ra song hành, nhất là trong bối cảnh các FTA mới mà Việt Nam đang đàm phán có phạm vi sâu rộng hơn và không như những gì Việt Nam đã từng đàm phán trước đây.

Theo ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, các hiệp định thương mại thế hệ mới như TPP không chỉ liên quan đến thương mại, mà còn tác động tới thể chế. “Các FTA không còn chỉ là vấn đề về mức thuế suất, mà đã tiến đến những vấn đề đằng sau biên giới, tác động đến thương mại. 30 chương của TPP chủ yếu là các vấn đề này, đòi hỏi các quốc gia phải cải cách chính mình”, ông Thành nói.

Rõ ràng, tình hình mới đã đặt yêu cầu tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới mà giới đầu tư - kinh doanh đang hối thúc có thể giúp Việt Nam đạt được nhiều mục tiêu hơn.

Cách đây 6 tháng, VBF đã đưa khuyến nghị rằng, hiện là thời điểm cần tiến hành những cải cách cần thiết để tạo ra một môi trường cạnh tranh hơn, từ đó, các quyết định được đưa ra nhanh hơn, các thủ tục trở nên đơn giản hơn, các quy định được thực thi một cách công bằng và các công ty cạnh tranh dựa trên giá trị thực chất của họ, bao gồm khả năng tiếp cận nguồn vốn, đất đai và nắm bắt cơ hội từ các FTA.

Hiện giờ, đòi hỏi đó vẫn tiếp tục được đưa ra với một vế đi kèm bổ sung, đó là Việt Nam phải cẩn thận kẻo bỏ lỡ chuyến tàu khi nó rời ga, vì một khi nó đã đi khỏi thì rất khó để bắt kịp.