Khẳng định vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế Việt Nam

ThS. Nguyễn Thanh Sơn - Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp

Báo cáo tổng kết 15 năm (2002 - 2017) thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân” khẳng định vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân ngày càng được nhận thức rõ hơn và đánh giá đúng hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, kinh tế tư nhân đã bộc lộ không ít những hạn chế, yếu kém như: Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm; Xuất phát điểm phát triển và năng lực nội tại còn thấp; Quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới… Bài viết phản ánh về những hạn chế, tồn tại, qua đó, đề xuất một vài khuyến nghị nhằm giúp khu vực kinh tế tư nhân phát triển bền vững.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng năm 2016 cũng chỉ rõ: “Hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng năm 2016 cũng chỉ rõ: “Hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Kinh tế tư nhân chiếm gần 40% GDP

Qua các kỳ Đại hội Đảng, vị trí và vai trò của khu vực kinh tế tư nhân dần được khẳng định và nhấn mạnh. Điển hình như: Văn kiện Đại hội X của Đảng năm 2006 với nhận định: Kinh tế tư nhân là khu vực “có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế”; Nghị quyết Đại hội XI của Đảng năm 2011 cho rằng: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế”;

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng năm 2016 cũng chỉ rõ: “Hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”.

Gần đây nhất, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII (tháng 5/2017) đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, với mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đưa kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng trong tổng sản phẩm nội địa (GDP). Nghị quyết được đánh giá là một bước tiến mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển cho khu vực kinh tế tư nhân và toàn bộ nền kinh tế.

Điều này khẳng định, quan điểm của Đảng ta về kinh tế tư nhân là quá trình phát triển liên tục. Báo cáo tổng kết 15 năm (2002 - 2017) thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân” cũng cho thấy: Trong 15 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp quan trọng về khuyến khích và tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển.

Vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng được nhận thức rõ hơn và đánh giá đúng hơn. Kinh tế tư nhân ngày càng đóng góp lớn hơn trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội.

Tỷ trọng trong GDP của khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm cả kinh tế cá thể luôn duy trì ổn định trong khoảng 39-40%. Bước đầu đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh tốt hơn trên thị trường trong nước và quốc tế; đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh. Số lượng DN của tư nhân tăng nhanh với nhiều loại hình đa dạng; phong trào khởi nghiệp được đẩy mạnh…

Mức độ đóng góp vào tổng sản phẩm trong nước của kinh tế tư nhân luôn chiếm tỷ trọng lớn và tăng liên tục trong những năm qua. Tính đến nay, cả nước có khoảng trên 500.000 DN tư nhân đang hoạt động và mỗi năm có thêm hàng vạn DN được thành lập mới; Thu hút khoảng 51% lực lượng lao động cả nước và tạo khoảng 1,2 triệu việc làm cho người lao động mỗi năm, góp phần quan trọng vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, tăng thu nhập cho người dân…

Đề xuất, khuyến nghị

Mặc dù đã khẳng được vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế, song khu vực kinh tế tư tư nhân đã bộc lộ không ít những hạn chế, yếu kém. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây (Giai đoạn 2003-2010 là 11,93%/năm, thì giai đoạn 2011-2015 chỉ còn 7,54%/năm).

Xuất phát điểm phát triển và năng lực nội tại của kinh tế tư nhân nhìn chung còn thấp; chủ yếu vẫn là kinh tế hộ, cá thể. Đáng nói hơn, có tới 97% DN tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh còn thấp, trình độ quản trị, tính liên kết còn yếu; khả năng tham gia chuỗi giá trị trong nước và quốc tế còn thấp.

Việc tham gia sâu vào nền kinh tế thế giới, chuỗi giá trị toàn cầu của nền kinh tế Việt Nam cũng đang tạo nên những thách thức không nhỏ đối với khu vực kinh tế tư nhân. Cụ thể là DN khu vực này sẽ phải cạnh tranh quyết liệt, gay gắt hơn với nhiều đối thủ trên bình diện rộng và sâu hơn ngay cả ở thị trường trong nước.

Để kinh tế tư nhân ngày càng phát triển mạnh mẽ, đúng đắn và lành mạnh hơn, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, cần có sự hỗ trợ đặc biệt từ phía Nhà nước, cụ thể như:

- Cần tiếp tục nâng cao nhận thức để tạo sự thống nhất trong thực hiện Nghị quyết của Đảng; Khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế, nhất là tạo việc làm và an sinh xã hội; Đồng thời, chủ động khắc phục những biểu hiện tiêu cực trong phát triển kinh tế tư nhân, nhất là ý thức chấp hành pháp luật.

- Tiếp tục thể chế hóa một số nội dung Nghị quyết phù hợp giai đoạn 2017 – 2020, xác định rõ những nội dung tiếp tục phải được thể chế hóa và nội dung không còn phù hợp, cần phải điều chỉnh, để tiếp tục đổi mới hơn nữa cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân.

Điển hình như: Đẩy mạnh thực hiện Luật DN, Luật Đầu tư, cần quy định rõ việc thành lập và hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, các đoàn thể trong DN tư nhân. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ công tác theo dõi, phân tích và cung cấp thông tin cho hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu cho kinh tế tư nhân.

- Thúc đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với việc cơ cấu lại các DN, trong đó có DN tư nhân. Thực hiện đúng chính sách bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; khuyến khích và mở rộng các hình thức hợp tác, liên kết, liên doanh giữa DN tư nhân với DN nhà nước, hợp tác xã và các DN có vốn đầu tư nước ngoài, tạo mối quan hệ hợp tác, cạnh tranh, cùng có lợi.

- Tiếp tục đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý nhà nước đối với kinh tế tư nhân; kịp thời động viên, khen thưởng, tôn vinh những DN, doanh nhân thành đạt và uốn nắn những lệch lạc, sai phạm của kinh tế tư nhân, sớm có quy chế, tiêu chí thống nhất về xét thưởng, tôn vinh kinh tế tư nhân…

Ngoài những cơ chế, chính sách của Chính phủ cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các hội nghề nghiệp và nguồn vốn đầu tư của các ngân hàng. Đặc biệt, bản thân các DN tư nhân cũng cần phải nâng cao năng lực, đẩy mạnh liên doanh liên kết, có như vậy mới có thể nâng cao khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế.     

Tài liệu tham khảo:

1. Hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong thời kỳ tái cơ cấu nền kinh tế, Tạp chí Kinh tế và Dự báo;

2. Quan tâm hỗ trợ DN tư nhân, Bắc Ninh online;

3. Nên là “năm hỗ trợ DN tư nhân”, Tuổi trẻ online;

4. Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế tư nhân – Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia.