Khảo sát kinh nghiệm xuất khẩu lao động của các nước ASEAN

Doãn Thị Mai Hương - Đại học Lao động – Xã hội

Xuất khẩu lao động là hoạt động đóng vai trò quan trọng đối với các nước trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN), nhất là trong giải quyết tình trạng thất nghiệp, góp phần ổn định an sinh xã hội. So với các nước ASEAN, Việt Nam bước vào“sân chơi” muộn hơn, do vậy cần nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm xây dựng chính sách, phát triển hoạt động xuất khẩu lao động của các quốc gia (Indonesia, Malaysia, Philippines…) từ đó tìm ra được hướng đi riêng cho hoạt động xuất khẩu lao động nước ta trong bối cảnh hội nhập.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tình hình xuất khẩu lao động tại một số nước Đông Nam Á

“Di chuyển lao động quốc tế” là thuật ngữ nhằm chỉ hoạt động người lao động (NLĐ) ra nước ngoài tìm kiếm việc làm và bán sức lao động của mình để kiếm sống. Hiện tượng xã hội này xuất hiện từ lâu và gắn liền với lịch sử phát triển của loài người. NLĐ được gọi là người xuất cư, còn sức lao động của người đó được coi là sức lao động xuất khẩu, quốc gia có người xuất cư là nước xuất khẩu lao động (XKLĐ).

Thống kê trong khu vực Đông Nam Á, tổng số di chuyển lao động là khoảng 16 triệu người (2016). Trong đó, có 03 thị trường (Malaysia, Thái Lan, Singapore) chiếm 90% số lượng lao động nhập khẩu.

Tính đến tháng 6/2017, quy mô lực lượng lao động tại Malaysia đạt 14,9 triệu người, trong đó lao động nhập cư chiếm khoảng 20-30% (dao động từ 3 - 4 triệu người, lao động nhập cư từ Indonesia chiếm 42,6%). Tại Singapore, lao động nhập cư từ Malaysia chiếm 45%.

Tại Thái Lan, lao động nhập cư từ Myanmar chiếm 50,8%. Indonesia có cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động rất lớn đạt khoảng 116 triệu người, trong đó tỷ lệ thất nghiệp dao động khoảng 7,5 triệu người và có khoảng 14 ,2 triệu NLĐ ở nước ngoài. Với Philippines, theo số liệu gần đây, có khoảng 10 triệu người nước này đang sinh sống và làm việc tại các quốc gia khác (6,4 triệu người đã định cư tại Mỹ).

Philippines là nguồn cung cấp lao động quan trọng cho các quốc gia vùng Trung Đông. Trung bình hàng năm Philippines có khoảng 1 triệu người ra nước ngoài làm việc, trong khi ở Việt Nam con số này chỉ khoảng 100.000 người/năm.

Hiện nay, đa số các nước trong khu vực Đông Nam Á đã xây dựng được khuôn khổ pháp lý tương đối hoàn thiện đối với hoạt động xuất, nhập khẩu lao động và có chính sách, chiến lược quan trọng về thu hút và phát triển nguồn nhân lực.

Indonesia đã ban hành Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2013 làm cơ sở quan trọng để hoạch định chính sách, chiến lược về vấn đề lao động và việc làm. Là cường quốc XKLĐ, Indonesia xây dựng chiến lược về mô hình phát triển hiệu quả lĩnh vực này, tăng khả năng tận dụng cơ cấu dân số vàng.

Indonesia cũng đề ra các chính sách nhằm bảo vệ NLĐ, tăng khả năng cạnh tranh của lực lượng lao động Indonesia, bỏ một số quy định về yêu cầu cấp phép lao động, tăng lương tối thiểu và ưu đãi thuế cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động…

Tại Malaysia, do tình trạng thiếu nguồn lao động diễn ra phổ biến, nước này đã sớm ban hành bộ Luật Lao động năm 1955 và từng bước hoàn thiện các chính sách về lao động xuất, nhập cư. Malaysia có hệ thống pháp luật về lao động quy định chặt chẽ đầy đủ về các vấn đề lương tối thiểu, đền bù cho NLĐ, vấn đề lao động là phụ nữ và trẻ em, quy định về tuổi nghỉ hưu…

Ngoài ra, Chính phủ Malaysia cũng đưa ra nhiều chính sách về phát triển nguồn nhân lực, vấn đề an toàn và sức khỏe NLĐ. Cụ thể, Malaysia đang thực hiện Chương trình lần thứ 11 giai đoạn 2016 – 2020, hợp tác toàn diện về nhập cư và chính sách việc làm với lao động nước ngoài; Thực hiện Luật về mức lương tối thiểu áp dụng cho NLĐ nhập cư với mức trung bình hàng tháng là 225 USD, trong đó thấp nhất là 185 USD ở các khu vực Sabah, Sarawak và Lubuan; Thành lập Viện Thông tin và phân tích thị trường lao động để tiến hành nghiên cứu và dự báo thị trường lao động, bao gồm dự toán cung và cầu lao động từ 2015-2030…

Philippines đã gặt hái nhiều hành thành công với Luật Lao động năm 1974, thu về lượng kiều hối đáng kể cho quốc gia. Đến năm 1995, Bộ luật về Lao động nhập cư và người ở nước ngoài Philippines sửa đổi mang tính bước ngoặt quan trọng.

Sau nhiều năm, các chính sách về XKLĐ nảy sinh nhiều bất cập và buộc Chính phủ phải sửa đổi chính sách theo hướng bảo vệ nhân quyền, quan tâm hơn tới quyền lợi, gia đình của NLĐ xuất khẩu.

Cụ thể, Philippines đã phê chuẩn Công ước về NLĐ năm 2011, Luật về tăng cường các biện pháp bảo vệ người Philippines ở nước ngoài gặp khó khăn; Đạo luật chống buôn bán người năm 2012; Đạo luật về việc người Philippines kết hôn với người nước ngoài năm 2016 nhằm chống lại nạn lừa đảo, buôn người, di dân thông qua hình thức kết hôn...

Thời gian qua, các nước trong khu vực Đông Nam Á có xu hướng thắt chặt nhập khẩu lao động thông qua điều chỉnh chính sách, siết chặt hoạt động nhập khẩu lao động, kiểm soát nhập cư qua thị thực. Năm 2014, Thái Lan đã mở đợt truy quét quy mô lớn với NLĐ nhập cư trái phép, trục xuất khoảng 200.000 lao động Campuchia.

Hệ quả dây chuyền là Chính phủ Campuchia cũng siết chặt quản lý người nhập cư, buộc về nước hàng chục ngàn lao động, trong đó chủ yếu là người Việt.

Trong khi đó, Malaysia dù khởi động muộn hơn, song đã khá bài bản khi đưa ra chương trình kiểm soát NLĐ nhập cư bất hợp pháp, mở đầu bằng việc buộc NLĐ và giới chủ phải đăng ký thẻ lao động. Lực lượng chức năng Malaysia đã tiến hành truy quét các cơ sở sản xuất, bắt giữ nhiều lao động và chủ cơ sở vi phạm chính sách này.

Việc siết chặt quản lý về lao động nhập cư của các nước chủ yếu giải quyết tình trạng thất nghiệp trong nước và hạn chế mặt trái của quá trình tư do hóa di chuyển của NLĐ trong Cộng đồng kinh tế ASEAN. Số lao động di chuyển tự do được quy định thuộc 08 nhóm lĩnh vực nghề nghiệp, bao gồm: Bác sỹ, nha sỹ, họ lý, kỹ sư, kiến trúc sư, kiểm toán viên, giám sát viên và nhân viên du lịch.

Khó khăn, thuận lợi và dự báo tình hình thị trường lao động thời gian tới

Lĩnh vực xuất - nhập khẩu lao động ở các nước Đông Nam Á từ lâu tồn tại nhiều mặt trái, tiêu cực. Trong vấn đề sử dụng lao động, giới chủ ở các nước thường xuyên vi phạm nghiêm trọng các quy định về điều kiện sản xuất, sinh hoạt của công nhân; nhiều trường hợp ngược đãi, đánh đập và xúc phạm nhân phẩm, vi phạm quyền con người với lao động nhập cư đã bị phát giác.

Thậm chí, nhiều chủ cơ sở sử dụng lao động không trả lương cho công nhân theo mức lương tối thiểu, ép họ thực hiện các hợp đồng mang tính cưỡng ép, giữ hộ chiếu và hạn chế NLĐ di chuyển, làm việc quá giờ theo quy định…  

Xu hướng siết chặt quản lý lao động nước ngoài cũng dẫn đến một số tiêu cực như tăng phí môi giới, thỏa thuận ngầm về môi giới và quản lý, gây thiệt thại cho NLĐ. Cá biệt, một số nhóm tội phạm đã sử dụng lĩnh vực xuất - nhập khẩu lao động để tiến hành hoạt động phạm tội, lừa đảo, buôn người.

Việc hệ thống tuyển dụng và giới chủ khai thác lợi ích triệt để từ những NLĐ đã gây ra tai tiếng với hình ảnh Malaysia như là một trung tâm buôn người ở khu vực Đông Nam Á. Malaysia là quốc gia được xếp hạng thấp nhất trong báo cáo hàng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ về nạn buôn người.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động XKLĐ cũng có một số thuận lợi nhất định từ thị trường. Khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN hoạt động đi vào thực chất, những điều khoản thỏa thuận tự do đi lại sẽ giúp lao động các nước trong khu vực nói chung và lao động Việt Nam nói riêng có cơ hội lớn hơn trong việc tìm kiếm các công việc trong khu vực và ngược lại. Một số thị trường lao động như Malaysia, Thái Lan… vẫn ưu tiên thu hút lực lượng có trình độ trung bình, phù hợp với đa số lao động xuất khẩu ở nước ta.

Dự báo trong thời gian tới, thị trường lao động thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng với nhu cầu lao động lớn, do các nền kinh tế trên thế giới và trong khu vực Đông Nam Á đang hồi phục. Philippines là nước cạnh tranh với Việt Nam về XKLĐ có khả năng điều chỉnh chính sách nhằm hạn chế XKLĐ.

Điều này có thể giúp lao động Việt Nam giảm cạnh tranh hơn trong một số lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, y tế, tin học. Ngoài ra, trong thời gian tới, thị trường XKLĐ sang Trung Đông tiếp tục được mở rộng và tạo cơ hội tốt cho nhiều lao động khu vực nông thôn có việc làm đòi hỏi vốn ít, trình độ thấp.

Xu hướng XKLĐ ở Đông Nam Á tiếp tục duy trì các đặc trưng trước đây. Sự chuyển dịch của dòng chảy lao động ưu tiên lựa chọn các quốc gia, vùng lãnh thổ có mức thu nhập trung bình cao hơn trong nước khoảng 30% đến trên 50%. Tiêu chí về điều kiện sống, ăn, ở có vai trò quan trọng để NLĐ lựa chọn và quyết định có tham gia XKLĐ hay không.

Nói cách khác, dòng chảy lao động sẽ dịch chuyển từ các nước nghèo, an sinh xã hội thấp đến với các quốc gia phát triển hơn. Lĩnh vực dịch chuyển nhiều nhất sẽ tập trung ở NLĐ bán lành nghề trong những ngành nghề mà thị trường đang thiếu hụt lao động. Tuy nhiên, hiện nay bắt đầu xuất hiện những nhóm nhỏ có trình độ cao di chuyển sang nước khác tìm việc làm có thu nhập cao hơn.

Đối với một số nước giáp biên như Thái Lan Campuchia, Malaysia – Indonesia, hoạt động XKLĐ thường gắn với quá trình di cư, nhập cư bất hợp pháp. Do đó, vài năm trở lại đây các nước đều siết chặt quản lý biên giới và quản lý lao động nước ngoài (tiến hành với hàng trăm ngàn lao động bị coi là bất hợp pháp).

Xu hướng này chủ yếu xuất phát từ tình trạng người thất nghiệp trong nước gia tăng, gây áp lực điều chỉnh chính sách. Tóm lại, xu hướng XKLĐ giữa các nước có dấu hiệu khó khăn hơn trong thời gian gần đây, tuy nhiên giá trị lao động đem lại được gia tăng vì NLĐ tiếp cận phân khúc cao của thị trường nhân lực.

Kinh nghiệm và khuyến nghị chính sách với Việt Nam

Năm 2016, Việt Nam đã đưa khoảng 120.000 lao động ra nước ngoài làm việc, vượt 20% mục tiêu trung bình đề ra hàng năm. Tuy nhiên, các thị trường thu hút nhân lực chất lượng trung bình, lao động giản đơn của Việt Nam có dấu hiệu chững lại. Về mặt pháp lý, hiện nay Việt Nam có Bộ luật Lao động, Luật Dân sự, Luật Hình sự có nhiều điều khoản liên quan vấn đề XKLĐ.

Đảng và Nhà nước ta cũng đề ra các chủ trương, chính sách về XKLĐ như Chỉ thị 41/CT-TW ngày 22/9/1998 của Bộ Chính trị về XKLĐ và chuyên gia; Nghị định 152/1999/NĐ-CP ngày 20/9/1999, Nghị định 81/2003/NĐ-CP ngày 17/7/2003 của Chính phủ; các thông tư, văn bản chỉ đạo hướng dẫn thực hiện...

Lĩnh vực XKLĐ của Việt Nam hiện nay vẫn còn những tồn tại cần phải khắc phục, đó là tình trạng lao động chất lượng thấp, ngoại ngữ kém, thiếu kỷ luật làm việc và sinh hoạt, lao động bỏ trốn… Còn tình trạng các công ty môi giới lao động chỉ tập trung thu lợi nhuận mà chưa quan tâm đến đào tạo tiếng và nghề nghiệp một cách bài bản cho NLĐ. Trong khi đó, sợi dây kết nối giữa doanh nghiệp và NLĐ chưa chặt chẽ dẫn tới tình trạng khó khăn, bức xúc của NLĐ ở nước ngoài không được hỗ trợ giải quyết kịp thời.

Trong năm 2017, Việt Nam dự kiến thúc đẩy XKLĐ đạt 105.000 người. Cơ hội việc làm cho lao động Việt Nam có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài năm 2017 là rất lớn, đặc biệt là những người có chuyên môn cao, phù hợp thị trường tiềm năng, quan trọng trong thời gian tới là Nhật Bản.

Từ dự báo tình hình nêu trên và những kinh nghiệm trong chính sách xuất – nhập khẩu lao động của một số nước Đông Nam Á, để góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu về XKLĐ Việt Nam, cần tập trung vào một số nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện về luật pháp, chính sách liên quan tới vấn đề XKLĐ. Một mặt, cần bổ sung và sửa đổi những cơ chế, chính sách còn thiếu hoặc không phù hợp như: Chính sách đầu tư mở rộng thị trường; Chính sách hỗ trợ đào tạo và tín dụng cho NLĐ đi xuất khẩu; Chính sách tín dụng cho người đi làm việc ở nước ngoài, chính sách bảo hiểm xã hội, chính sách khuyến khích chuyển tiền và hàng hóa về nước, chính sách tiếp nhận trở lại sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Việt Nam cũng cần đề cao, thực hiện nghiêm túc các điều luật quốc tế về lao động xuất khẩu; thực hiện các Tuyên bố của Tổ chức Lao động thế giới về “Nguyên tắc và các quyền ở nơi làm việc”, Công ước về đền bù cho NLĐ (khi bị tai nạn)….

Mặt khác, cần tham khảo các hệ thống luật pháp, chính sách về lĩnh vực này của những nước trong khu vực có nét tương đồng với nước ta, bao gồm Philippines, Malaysia, Indonesia. Các nước này sẽ điều chỉnh luật pháp, chính sách theo hướng tìm cách thúc đẩy XKLĐ đối với nhóm trong 100 triệu người nghèo ở nước này.

Vừa qua, Chính phủ Malaysia cũng đưa ra quy định cấm giới chủ, NLĐ khấu trừ phí sinh hoạt, ăn ở của NLĐ nước ngoài, thay vào đó giới chủ, người sử dụng lao động phải chi trả khoản tiền này (khoảng 20% thu nhập của NLĐ). Việt Nam cần nghiên cứu chính sách đãi ngộ nhân tài của Malaysia để vừa giữ được lực lượng chất lượng cao trong nước, vừa thu hút được nhân tài vào Việt Nam.

Thứ hai, về chiến lược phát triển ngành XKLĐ. Trong thời gian tới cần hoàn thiện và triển khai hiệu quả Đề án “Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025”. Hiện nay, thị trường lao động có trình độ chuyên môn cao có thị phần nhỏ.

Về lâu dài, sự đóng góp của NLĐ di cư có tay nghề thấp và tay nghề trung bình sẽ phải được lưu ý. Philippines đã có chiến lược giúp khoảng 1 triệu người dân XKLĐ mỗi năm, vượt xa con số 100.000 ngàn NLĐ Việt Nam/năm. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục củng cố thị trường lao động trình độ trung bình. Cơ quan chức năng cũng cần thúc đẩy ký kết các hiệp định và thỏa thuận về hợp tác lao động với nhiều thị trường mới như Thái Lan...

Nhà nước cũng cần tạo dựng và triển khai hiệu quả mô hình liên kết về XKLĐ nhằm giảm phiền hà và tốn kém cho NLĐ. Thông qua mô hình liên kết, doanh nghiệp đến với NLĐ có sự giám sát hỗ trợ của chính quyền địa phương. Mô hình này đang được triển khai tại Philippines.

Theo đó, các doanh nghiệp kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để tuyển lao động; doanh nghiệp công khai minh bạch với chính quyền địa phương và NLĐ về các điều kiện của hợp đồng, đặc biệt là các khoản đóng góp của NLĐ, qua đó, giúp NLĐ giảm được các chi phí không cần thiết.

Thứ ba, về giáo dục - đào tạo, các nước trong khu vực đã sớm xây dựng được hệ thống đào tạo nghề với chứng chỉ theo quy chuẩn của khu vực và quốc tế. Qua đó, NLĐ có cơ hội việc làm trong Cộng đồng kinh tế ASEAN và các thị trường khó tính; nâng cao sức cạnh tranh giữa lao động trong nước với các nước thành viên ASEAN khác.

Từ kinh nghiệm của các nước, Việt Nam cần sớm đổi mới cơ cấu giáo dục nghề nghiệp, gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động và sự tham gia của doanh nghiệp; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp.

Trên cơ sở đó, NLĐ không chỉ được trang bị về trình độ chuyên môn, kiến thức mà cả các hiểu biết về môi trường làm việc, văn hóa xã hội và hệ thống pháp luật của nước tiếp nhận, để khi NLĐ di chuyển sang có thể hòa nhập ngay với xã hội và môi trường công việc. Đặc biệt, các cơ quan quản lý cũng cần có những giải pháp để định hướng, giúp NLĐ nâng cao nhận thức và trình độ, đáp ứng tiêu chuẩn lao động ngày càng cao của các thị trường quan trọng.

Thứ tư, đối với doanh nghiệp tham gia hệ thống XKLĐ, các doanh nghiệp cần có các biện pháp tích cực để gia tăng số lượng và nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu nhằm đáp ứng tốt nhu cầu thị trường lao động nước ngoài. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu phát triển XKLĐ chất lượng cao, phù hợp với tình hình và xu thế của thị trường, qua đó, góp phần giảm chi phí phát sinh ban đầu của ngươi lao động nhằm thu hút đông đảo NLĐ đi XKLĐ.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tiến hành một số biện pháp khác như nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương trong quản lý hoạt động của các doanh nghiệp XKLĐ và chuyên gia; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương các cấp, nhân dân và NLĐ trực tiếp được cung cấp các thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, các quy định pháp luật của Nhà nước về công tác XKLĐ. Chính quyền địa phương cần có chính sách, cơ chế hỗ trợ NLĐ trong vay vốn và tạo điều kiện thuận lợi trong việc làm các thủ tục cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. 

Tài liệu tham khảo:

1. Kế hoạch phát triển lao động và việc làm giai đoạn 2017-2021 của Philippines;

2. Đại diện cơ quan Tổ chức Lao động quốc tế khu vực Châu Á-Thái Bình Dương; Báo cáo Nghiên cứu chính sách lao động nhập cư của Malaysia;

3. Lưu Ngọc Trịnh, Nguyễn Văn Dần, Lê Đăng Minh, Tạp chí Nghiên cứu khoa học, số 05, tháng 11/2014; Chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế ở một số nước Đông Nam Á sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu: Nguyên nhân và định hướng chủ yếu;

4. Vũ Thị Thanh Hà (năm 2016), Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội; Luận văn “Quản lý nhà nước đối với hoạt động XKLĐ Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản”;

5. Emma R. Allen, Ngân hàng phát triển Châu Á, tháng 5/2016; Báo cáo “Phân tích xu hướng và thánh thức đối với thị trường lao động Indonesia”.