Khó khăn không ngăn kỳ vọng

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Có nhiều cơ sở để tin tưởng một tương lai tốt đẹp hơn. Việt Nam có thể chấm dứt đàm phán và trở thành thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực lớn trong năm nay.

 Khó khăn không ngăn kỳ vọng
Các ngân hàng ngoại kỳ vọng hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt khởi sắc trong năm 2014. Nguồn: internet
Các ngân hàng ngoại kỳ vọng hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt khởi sắc trong năm 2014

Thêm một năm vượt bão

Năm 2013 được nhìn nhận là một năm thành công trong duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có đóng góp không nhỏ của hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung và các ngân hàng ngoại nói riêng. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận đây là một năm có nhiều khó khăn với ngành Ngân hàng.

Theo quan điểm của một số lãnh đạo các ngân hàng 100% vốn ngoại đang hoạt động tại Việt Nam, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô chưa hoàn toàn hồi phục thì khó khăn với ngành Ngân hàng trong năm 2014 vẫn còn rất lớn, trong đó lớn nhất phải kể đến vấn đề xử lý nợ xấu. "Thông tư 02 có hiệu lực từ ngày 1/6 tới, theo đó các khoản nợ xấu có thể sẽ lộ diện thêm" - ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc, Giám đốc Khối ngân hàng toàn cầu, kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn - Ngân hàng HSBC Việt Nam nhìn nhận.

Cùng với đó, do các doanh nghiệp nhiều khả năng vẫn tiếp tục khó khăn trong năm nay vì sức cầu yếu, nên nguy cơ nợ xấu có thể tăng lên khi một số doanh nghiệp gặp khó khăn hơn và không trả được nợ ngân hàng. Trong bối cảnh đó, với các ngân hàng lớn đã mạnh tay xử lý nợ xấu, làm sạch sổ sách dựa vào tiềm lực tài chính của mình sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong hoạt động kinh doanh thì một số ngân hàng nhỏ, không có đủ tiềm lực tài chính để lành mạnh hóa sổ sách sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, nỗi lo bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát tăng trở lại cũng chưa hoàn toàn được loại trừ. Theo khảo sát chuyên gia nước ngoài (Expat Explorer survey) về chất lượng cuộc sống khi họ đến làm việc tại các nước và khu vực trên thế giới của HSBC công bố gần đây, các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam cho biết, họ nhận được thu nhập sau thuế nhiều hơn so với mức trung bình toàn cầu. Tuy nhiên, lạm phát vẫn là một trong những mối quan ngại lớn nhất có thể ảnh hưởng đến tài chính của họ và vẫn là một trong những thách thức của Việt Nam trong năm tới.

Khó khăn về hoạt động kinh doanh và thách thức về thị trường cũng là vấn đề lớn mà các tổ chức tín dụng nói chung, trong đó có các ngân hàng nước ngoài hoạt động phải đối mặt trong năm qua. Thậm chí trong năm 2013, người ta đã thấy có những chi nhánh, văn phòng đại diện ngân hàng nước ngoài bị đóng cửa hoặc rút giấy phép hoạt động. Khi sức khỏe của các doanh nghiệp - khách hàng của ngân hàng yếu đi, tất yếu các tổ chức tín dụng cũng không tránh khỏi ảnh hưởng.

Đồng thời với đó, lợi nhuận từ các mảng dịch vụ truyền thống như tín dụng và mua bán ngoại tệ dự báo cũng sẽ sụt giảm và các tổ chức tín dụng sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong tìm kiếm doanh thu, lợi nhuận từ cung cấp các sản phẩm và dịch vụ khác.

Tuy nhiên, nếu các khó khăn lớn nhất với các ngân hàng trong nước, đặc biệt là các NHTM nhỏ hiện nay là tái cấu trúc và xử lý nợ xấu thì điều mà các ngân hàng ngoại lo hơn là ở tổng cầu trong nước yếu (tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, qua đó gián tiếp tác động đến các ngân hàng khi nhu cầu vốn vay không tăng). Cùng với đó, họ cũng lo nếu nhu cầu của các thị trường nước ngoài không cải thiện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu - đối tượng khách hàng quan trọng của các ngân hàng ngoại…

Ngoài ra, các thách thức khác như về môi trường kinh doanh cũng được các ngân hàng nước ngoài nhắc tới. "Theo bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh gần đây thì Việt Nam không được xếp hạng cao lắm. Do đó, nếu có một khuyến nghị cho Chính phủ thì đó là nên tạo môi trường kinh doanh dễ dàng, thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp" - Tareq Muhmood - Tổng giám đốc ANZ Việt Nam đề xuất. Nhìn sâu xa ra thì mong muốn của vị CEO này cũng là kỳ vọng chung của nhiều lãnh đạo ngân hàng nước ngoài khác tại Việt Nam.

Chiến lược 2014

Dù xác định còn không ít thách thức khó khăn trong năm 2014, nhưng các ngân hàng ngoại cũng có nhiều cơ sở để tin tưởng một tương lai tốt đẹp hơn. Trong đó, một trong những cơ hội lớn mà họ thấy rõ và muốn chủ động nắm bắt là việc Việt Nam có thể chấm dứt đàm phán và trở thành thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực lớn trong năm nay như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); Hiệp định thương mại tự do với EU…

Một khi có hiệu lực, các hiệp định này kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh các dòng chảy vốn, dòng chảy thương mại mà các ngân hàng ngoại vốn có lợi thế về mạng lưới và tài trợ thương mại sẽ không thể bỏ qua.

"Nhu cầu về vốn trung và dài hạn của các doanh nghiệp vẫn còn rất lớn, trong khi khả năng cung ứng vốn dài hạn tại thị trường trong nước có nhiều hạn chế. HSBC sẽ chú trọng vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường vốn quốc tế trong bối cảnh thị trường vốn trên thế giới vẫn còn thuận lợi cho các doanh nghiệp từ các thị trường đang phát triển" - ông Phạm Hồng Hải chia sẻ.

CEO Sumit Dutta của ngân hàng này thì cho biết, HSBC Việt Nam sẽ tiếp tục tận dụng lợi thế mạng lưới trên toàn cầu tại hơn 80 quốc gia để hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư vào Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam mua bán hoặc đầu tư ra thị trường nước ngoài.

Về mảng cá nhân, lãnh đạo HSBC cho biết sẽ tiếp tục đưa ra các sản phẩm, tiện ích đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Cùng với đó, HSBC sẽ tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ để hỗ trợ tốt nhất cho các khách hàng, qua đó nhằm tạo sự khác biệt chất lượng dịch vụ và tăng cường khả năng cạnh tranh.

Nói về chiến lược của ngân hàng mình, CEO ANZ Việt Nam nhấn vào một trong 3 trọng tâm là tài trợ thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp. "Gần đây chúng tôi vừa mở thêm văn phòng đại diện ở Bình Dương và sẽ cân nhắc mở thêm ở một số thành phố trọng điểm khác nữa để hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành xuất nhập khẩu và chuỗi cung ứng" - ông Tareq cho biết.

Bên cạnh đó, ANZ Việt Nam hé lộ sẽ tiếp tục giữ vững vị trí hàng đầu ở mảng thị trường nợ và các sản phẩm ngoại hối. Trong khi về thị trường bán lẻ, ANZ sẽ tập trung phục vụ phân khúc khách hàng có thu nhập cao; cung cấp các sản phẩm quản lý tài sản, dịch vụ thẻ cũng như cho vay tiêu dùng và mua nhà.

Trong khi đó, dù "kiệm lời" hơn khi chia sẻ về chiến lược của ngân hàng mình, nhưng CEO Nirukt Sapru của Standard Chartered Việt Nam cho biết, việc đặt trọng tâm vào khách hàng, cung cấp cho khách hàng những sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao nhất, đảm bảo đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng là những trọng tâm trong chiến lược mà ngân hàng này đã và sẽ tiếp tục theo đuổi.