Khối FDI hồi hộp chờ ưu đãi thuế từ luật mới

Theo VnEconomy

Nếu đề xuất về việc duy trì ưu đãi đối với phần mở rộng đầu tư như trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đang được thảo luận tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 13 được thông qua, nhiều DN FDI sẽ cảm thấy “nhẹ lòng” khi ra quyết định đầu tư.

Khối FDI hồi hộp chờ ưu đãi thuế từ luật mới
Nếu dự thảo Luật Thuế TNDN được thông qua, các nhà đầu tư khác đã đầu tư tại Việt Nam sẽ không mất nhiều thời gian và thủ tục như trước. Nguồn: Internet
Một trong những trở ngại chính đã kéo dài tiến trình đàm phán để Samsung tăng vốn cho dự án tổ hợp sản xuất tại Bắc Ninh cuối năm ngoái, chính là việc phần đầu tư mở rộng này có được bảo lưu ưu đãi như trong giai đoạn 1 hay không.

Nhưng, nếu Quốc hội thông qua dự thảo Luật Thuế TNDN mà Chính phủ đã trình, Samsung hay các nhà đầu tư khác đã có đầu tư tại Việt Nam sẽ không mất nhiều thời gian và thủ tục như đã từng phải đối mặt.

Luật Thuế TNDN năm 1997 có hiệu lực thi hành từ 1/1/1999 và Luật Thuế TNDN năm 2003 có hiệu lực thi hành áp dụng 1/1/2004 quy định DN đang hoạt động có hoạt động đầu tư mở rộng thì được ưu đãi đối với phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng mang lại. Nhưng từ 1/1/2009, Luật Thuế TNDN số 14/2008/QH12 bãi bỏ điều khoản ưu đãi thuế TNDN đối với đầu tư mở rộng mà chỉ áp dụng đối với DN mới thành lập từ dự án đầu tư.

Theo một chuyên gia hàng đầu về thuế, hiện nhiều DN đang hoạt động có hoạt động đầu tư mở rộng dưới nhiều hình thức đa dạng: mở một phân xưởng sản xuất mới, dây chuyền sản xuất mới, xây dựng cơ sở sản xuất mới tại cùng địa bàn hoặc khác địa bàn nơi có trụ sở chính hạch toán kế toán độc lập, thành lập pháp nhân mới hoặc chỉ là cơ sở hạch toán phụ thuộc...

Tuy nhiên, theo luật hiện hành thì các trường hợp không thành lập mới đều không được ưu đãi thuế. Để được hưởng thuế suất ưu đãi buộc DN phải thành lập DN mới vừa tốn kém chi phí vừa khó khăn trong quản lý kinh doanh, vừa thiếu động lực khuyến khích, mở rộng đầu tư phân bổ nguồn lực có hiệu quả của DN.

Do đó, quy định cho phép ưu đãi thuế TNDN đối với đầu tư mở rộng của DN của luật sửa đổi lần này đã phần nào đáp ứng kỳ vọng của DN có thể có thêm nguồn vốn để đầu tư lắp đặt dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ sản xuất kinh doanh....

Giữa lúc câu chuyện ưu đãi đối với phần đầu tư mở rộng chưa được thông qua, các nhà đầu tư thường gửi kiến nghị lên Chính phủ và lâu nay, việc chấp thuận vẫn đang được tiến hành theo từng trường hợp riêng lẻ.

Nhưng vì đã có tiền lệ, nhiều nhà đầu tư khác cũng liên tục gửi kiến nghị bảo lưu ưu đãi cho các dự án đầu tư mở rộng.

Theo ghi nhận nhiều DN FDI như Công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam, Kumho Asiana, Unilever… đều đang chờ đợi việc Quốc hội thông qua Luật Thuế TNDN sửa đổi. Phần đầu tư mở rộng của họ theo quy định hiện hành sẽ không được ưu đãi thuế, trong khi theo quy định trong dự thảo luật thuế sửa đổi, có thể được hưởng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm, miễn thuế tối đa trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa 9 năm tiếp theo.

Tuy nhiên, cũng sẽ có những ràng buộc đối với việc ưu đãi thuế cho phần đầu tư mở rộng. Chẳng hạn, đối với hoạt động mở rộng trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao và môi trường, xây dựng nhà ở xã hội thì không áp dụng miễn, giảm thuế vì đã được áp dụng thuế suất 10% trong suốt thời gian thực hiện, không phân biệt mới, cũ.

Trong khi đó, đối với hoạt động mở rộng bằng cách nhận sáp nhập, mua lại DN, dự án đầu tư đang hoạt động thì không được áp dụng ưu đãi theo diện đầu tư mở rộng mà trường hợp này sẽ được tiếp tục hưởng ưu đãi cho thời gian còn lại (nếu DN, dự án mua lại đang trong thời gian hưởng ưu đãi về thuế TNDN) để tránh việc lợi dụng, tránh vướng mắc trong thực hiện.

Về mức ưu đãi thuế, thời gian miễn, giảm thuế áp dụng đối với đầu tư mở rộng bằng với thời gian miễn thuế, giảm thuế áp dụng đối với DN thành lập mới cùng địa bàn, lĩnh vực ưu đãi thuế TNDN, không áp dụng ưu đãi về thuế suất. Thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm hoàn thành đầu tư đưa vào sản xuất, kinh doanh có thu nhập; trường hợp không có thu nhập chịu thuế trong ba năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu do thực hiện đầu tư mở rộng thì thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư.

Trường hợp DN đang hoạt động có đầu tư mở rộng theo tiến độ đã ghi trong hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư được cấp lần đầu thì đối với phần thu nhập từ hoạt động đầu tư mở rộng, DN được lựa chọn hưởng ưu đãi theo diện đầu tư mở rộng hoặc hưởng ưu đãi (thuế suất, thời gian miễn thuế, giảm thuế) cho thời gian còn lại của dự án đầu tư ban đầu (nếu có).

Về điều kiện được áp dụng ưu đãi, ngoài việc quy định đầu tư mở rộng phải thuộc lĩnh vực, ngành nghề và địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật thuế TNDN, để đảm bảo rõ ràng và hạn chế việc lợi dụng thì hoạt động đầu tư mở rộng được miễn thuế, giảm thuế phải đáp ứng tiêu chí về quy mô vốn đầu tư hình thành tài sản do Chính phủ quy định.