Không bỏ lỡ cơ hội hút dòng vốn ngoại

Theo Thế Vinh/thoibaokinhdoanh.vn

Nhiều nhà đầu tư tài chính quốc tế đang tiếp tục dành sự quan tâm lớn từ sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam với sự nỗ lực của không ít doanh nghiệp nội. Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung vẫn là "câu chuyện nóng" để Việt Nam thêm cơ hội thu hút dòng vốn ngoại.

 Sức hấp dẫn của DN Việt thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại. Nguồn: Internet
Sức hấp dẫn của DN Việt thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại. Nguồn: Internet

"Năm nay, với hơn 150 nhà đầu tư quốc tế tham gia là cao nhất từ trước đến nay. Điều đó chứng tỏ họ quan tâm thị trường Việt, nhất là một số nhà đầu tư mới chuyên rót vốn vào những thị trường đang phát triển theo hướng bền vững như Việt Nam. Sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với cộng đồng tài chính quốc tế ngày càng tăng", ông Don Lam, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital, cho biết tại Hội nghị thường niên các nhà đầu tư năm 2018 vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh.

Nhiều lý do hấp dẫn

Theo ông Don Lam, các nhà đầu tư đang để mắt một số ngành mới, điển hình như ngành công nghệ. Họ muốn tiếp tục thấy thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển. Hơn nữa, hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp (DN) Việt đang mang lại lợi nhuận tốt cũng là lý do hấp dẫn để họ rót vốn.

Trong nhận định mới đây, Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) cho rằng hoạt động sản xuất công nghiệp của Việt Nam sẽ được thúc đẩy bởi việc tiếp nối mở rộng của các DN đa quốc gia trong phân khúc các ngành có nhu cầu cao về nhân lực, xuất khẩu, sản xuất và chế biến.

Còn theo đánh giá của Ngân hàng Standard Chartered: Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chảy vào Việt Nam sẽ ở mức cao trong năm 2018, 2019 và 2020, với mức vốn đăng ký đạt 17 tỷ USD mỗi năm, và vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là sản xuất hàng điện tử, trong trung hạn.

"Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2018 và 2019 – giống như năm 2017. Chúng tôi lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn nhờ hoạt động sản xuất diễn ra mạnh mẽ khi dòng vốn FDI chảy vào lĩnh vực sản xuất điện tử vẫn duy trì ở mức cao", ông Chidu Narayanan, Chuyên gia kinh tế khu vực châu Á của Ngân hàng Standard Chartered, nhận xét.

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành, quản lý bộ phận đầu tư Tập đoàn VinaCapital, đánh giá: "Tiềm năng kinh tế của Việt Nam đã được nói đến từ lâu, tuy nhiên phải đến những năm gần đây thì tiềm năng ấy mới phát huy để đưa đất nước phát triển một cách bền vững".

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 25,37 tỷ USD, bằng 99,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đạt 11,3 tỷ USD, chiếm 44,6 tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,8 tỷ USD, chiếm 23% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,1 tỷ USD, chiếm 8,3%…

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt

Việt Nam đang được ví như là điểm "tránh bão" tại các thị trường mới nổi. Theo quan điểm cá nhân của ông Andy Ho, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung liên quan nhiều hơn đến Việt Nam trong vấn đề về trí tuệ hơn là xuất nhập khẩu.

"Chính vì vậy, tôi cho rằng cuộc chiến thương mại này sẽ tạo cơ hội cho các DN Việt Nam. Trước nhất, cơ hội là một số nhà đầu tư ngoại đang cân nhắc về việc mở nhà máy tại Việt Nam. Nếu sản xuất hàng ở Trung Quốc để xuất sang Mỹ và bị đóng thuế 25%, họ mở nhà máy ở Việt Nam, chẳng hạn như ngành dệt may, da giày, điện tử thì thuế sẽ giảm đi, chi phí sẽ giảm đi", ông Andy Ho phân tích.

Và dù sau khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung có chấm dứt thì nhà đầu tư nước ngoài với chiến lược lâu dài cũng khó mà đóng cửa nhà máy ở Việt Nam để quay trở về Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo ông Andy Ho, những biến động về tiền tệ, chứng khoán vẫn khiến cho các nhà đầu tư lo ngại. Họ muốn đầu tư vào Việt Nam nhưng cũng rất lo.

Chẳng hạn như nhà đầu tư ở bên Mỹ để đầu tư vào Việt Nam bằng đồng USD phải mua VND, nếu VND mất giá thì lỗ. Nếu ở châu Âu và dùng đồng Euro để mua VND, khi mất giá thì họ cũng chịu lỗ. Các nhà đầu tư rất lo ngại chuyện này.

Nhưng ngược lại, vì thị trường của Việt Nam đang phát triển mạnh, đơn cử như đầu tư vào Tập đoàn Hòa Phát đang có mức tăng trưởng 15%, hy vọng sẽ vượt qua phần lỗ của tiền tệ trong nền kinh tế.

Đó chính là hy vọng của nhà đầu tư ngoại. Họ đến Việt Nam để tìm hiểu thêm về nền kinh tế, những cơ hội đầu tư và sự phát triển của từng DN Việt mà mình muốn rót vốn vào.

Giới chuyên gia cho rằng dòng vốn FDI ổn định sẽ góp phần giải quyết nhu cầu vốn tại Việt Nam, nâng cao cơ sở hạ tầng và nâng cao khả năng sản xuất công nghiệp trong nước trong thời gian tới.

Song song đó, Bộ Công Thương nhận định đầu tư trong nước, được hỗ trợ bởi tâm lý lạc quan, môi trường kinh doanh thuận lợi, chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định, dự báo cũng sẽ tiếp tục khởi sắc và cùng với các nhà đầu tư nước ngoài tạo ra năng lực sản xuất mới.