ĐIỆN HẠT NHÂN:

Không ngừng phát triển

NGUYỄN TRANG

(Tài chính) Vượt qua một số lo ngại về rủi ro, điện hạt nhân tiếp tục khẳng định vị thế và tính ưu việt của mình trong bối cảnh nhu cầu điện toàn cầu gia tăng ở cấp số nhân. Điều này đã được minh chứng trên thế giới bằng sự phát triển mạnh mẽ trong năm 2014 và tốc độ này sẽ không ngừng lại trong năm 2015…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Khẳng định tính tất yếu

Kể từ khi ra đời đến nay, những thành tựu phát triển và đóng góp của của điện hạt nhân cho nhân loại là vô cùng lớn. Đánh giá một cách công bằng thì việc khai thác than đá, dầu mỏ và các dòng chảy để phát triển điện còn gây ra những hậu quả đến môi trường và con người lớn hơn nhiều so với rủi ro của điện hạt nhân mang lại. Dù trải qua một số sự cố nhưng điện hạt nhân vẫn chứng minh tính tất yếu của mình trong đời sống nhân loại bằng việc tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Chỉ riêng trong năm 2014 vừa qua, số lò phản ứng mới được đưa vào vận hành trên thế giới đã tăng thêm 5 đơn vị; đưa tổng số lò trên toàn thế giới đến con số 436 và đóng góp vào lưới điện các quốc gia tổng công suất điện hạt nhân đáng kể 377,7 GWe; chiếm một tỷ lệ hơn 11% tổng công suất tất cả các nguồn điện năng. Thêm vào đó, hiện có khoảng 70 lò phản ứng đang được xây dựng với tổng công suất gần 74 GWe.

Thống kê tại 56 quốc gia sản xuất điện từ năng lượng hạt nhân trong năm 2014 cho thấy, có 16 quốc gia nhờ vào năng lượng hạt nhân để sản xuất ít nhất 1/4 sản lượng điện của đất nước. Một số quốc gia trong đó có Pháp sản xuất khoảng 3/4 điện năng từ năng lượng hạt nhân; Bỉ, Cộng hòa Séc, Hungary, Slovakia, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Slovenia, Ukraina, Hàn Quốc, Bungari và Phần Lan sản xuất trên một phần ba điện năng từ năng lượng hạt nhân; Hoa Kỳ, Anh, Tây Ban Nha và Nga có gần một phần năm điện năng từ năng lượng hạt nhân...

Trong bối cảnh sự khan hiếm, đắt đỏ của nhiên liệu hoá thạch và những cam kết hạn chế phát thải khí do đốt nhiên liệu hoá thạch đang được cộng đồng quốc tế thực hiện chặt chẽ thì giải pháp thay thế được tính đến nhiều nhất là năng lượng nguyên tử. Với sự phát triển vượt trội của khoa học công nghệ ứng dụng vào thiết kế của các lò phản ứng hạt nhân, sự xuất hiện các thế hệ lò mới cùng với việc giảm giá thành thiết bị đã giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh cho điện hạt nhân.

Không ngừng phát triển

Các nhà phân tích cho rằng năm 2015 sẽ là một năm mà năng lượng hạt nhân tiếp tục phát triển ở mức độ mới, rộng khắp các châu lục. Sự lan toả đó diễn ra nhiều quốc gia khác nhau, không chỉ ở các nước đã và đang phát triển mà cả những nước mới bắt đầu công nghiệp hóa.

Ở châu Âu, Liên bang Nga dự kiến, từ năm 2015 tới năm 2020 sẽ tăng công suất năng lượng hạt nhân lên đến 30,5 GWe. Một lò phản ứng tái sinh nhanh cỡ lớn đã xây dựng gần hoàn thành mở ra chương trình xuất khẩu mạnh loại lò hiện đại này ra thế giới. Cũng ở nước Nga, nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới đang gấp rút xây dựng để có thể đưa vào vận hành vào năm 2016.

Ở Đông Nam Á, Việt Nam dự kiến sẽ có nhà máy điện hạt nhân đầu tiên đi vào hoạt động vào khoảng năm 2023 với sự đầu tư của Liên bang Nga và nhà máy thứ hai ngay sau đó với sự tham gia của Nhật Bản. Sau Việt Nam, hai nước Đông Nam Á khác (Indonesia và Thái Lan) đang có kế hoạch phát triển công nghiệp điện hạt nhân ở thời gian không xa. Điều này khẳng định, phát triển điện hạt nhân là xu thế tất yếu tại các quốc gia trên thế giới.

GS., TS., Viện Sỹ Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam

Việt Nam đang có sự đồng thuận cao

Việc phát triển điện hạt nhân vì mục đích phát triển và hòa bình sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam từng bước bắt nhịp với trình độ tiên tiến của khoa học và công nghệ trên thế giới, góp phần cân bằng an ninh năng lượng quốc gia.

Phát triển công nghệ điện hạt nhân sẽ, tạo điều kiện cho Việt Nam cải thiện cơ cấu nguồn điện, đa dạng hóa các nguồn năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Chúng ta có thể học tập Nhật Bản, quốc gia này có cơ cấu năng lượng rất hợp lý phân bố đều cho các nguồn năng lượng chính: Thủy điện, nhiệt điện và điện nguyên tử. Điều này giúp Nhật Bản không bị phụ thuộc vào biến động giá nguyên liệu cho sản xuất điện.

Về dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận, tôi cho rằng đây là dự án có tính khả thi cao và đang nhận được sự đồng thuận cao từ Bộ Chính trị đến chính quyền địa phương và nhân dân. Nhiều công ty, tổ chức nước ngoài cũng đang rất quan tâm đến dự án này và sẵn sàng tham gia đầu tư vào dự án. Đây là tiền triển ở Việt Nam.

Ông Tạ Văn Hường, Nguyên Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương)

Chi phí cho điện hạt nhân không vượt quá khả năng

Tôi cho rằng xây dựng nhà máy điện hạt nhân là yêu cầu tất yếu. Nếu không đi con đường này, Việt Nam sẽ không thể giải quyết được vấn đề thiếu năng lượng để phát triển đất nước.

Sự quan ngại về chi phí cho điện hạt nhân vượt quá khả năng của Việt Nam là không có cơ sở. Bởi chi phí điện hạt nhân chủ yếu là chi phí vốn (xây dựng) tính kinh tế được nâng cao thông qua quá trình vận hành dài hạn.

Hiện tại, chi phí đầu tư cho 1kW điện hạt nhân có cao hơn so với thủy điện và nhiệt điện than, song nếu xét ở thời điểm nhà máy điện hạt nhân được đưa vào vận hành giai đoạn 2020-2025, khi Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than cho phát điện thì chắc chắn điện hạt nhân sẽ có giá cạnh tranh tốt hơn.

 Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 1+2-2015