CPI sau 2/3 chặng đường 2013:

Không thể chủ quan

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Diễn biến CPI tháng 8 và 8 tháng được nhận diện dưới các góc độ khác nhau.

Một trong những mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 được Quốc hội thông qua là lạm phát thấp hơn năm 2-12 (với tốc độ tăng giá tiêu dùng – CPI – khoảng 6 – 6,5%). Cần phải bám sát mục tiêu kiềm chế lạm phát, trước hết do diễn biến CPI trong tháng 8 và 8 tháng 2013.

Diễn biến CPI tháng 8 và 8 tháng được nhận diện dưới các góc độ khác nhau. CPI tháng 8 năm nay cao hơn CPI của tháng 8 năm trước (tăng 0,63%) và cao hơn tốc độ tăng bình quân của tháng 8 cùng kỳ từ năm 2004 đến 2012 (tăng 0,62%).

Tính chung 8 tháng, CPI tăng 3,53%, thấp xa tốc độ tăng bình quân 8 tháng trong 9 năm trước đây (tăng 8,31%), đặc biệt là 8 tháng của năm 2008 và của năm 2011. Trong 8 tháng, có 2/13 nhóm hàng hóa, dịch vụ giảm là lương thực (giảm 1,84%, bưu chính viễn thống giảm 0,5%); có 7/13 nhóm giá tăng thấp hơn tốc độ chung và có 4/13 nhóm tăng cao hơn tốc độ chung là thuốc và dịch vụ y tế (tăng 18,62%); may mặc, mũ nón, giày dép (tăng 4,56%); ăn uống ngoài gia đình (tăng 4,45%); giao thông (tăng 3,62%).

Không thể chủ quan - Ảnh 1
CPI tháng 8/2013. Nguồn: chinhphu.vn

Cần phải bám sát mục tiêu kiềm chế lạm phát còn do các yếu tố tác động làm cho CPI tăng thấp trong nhiều tháng trước và do các yếu tố tác động làm cho CPI từ tháng 7 có xu hướng cao lên.

Trong nhiều yếu tố làm cho CPI tăng thấp trong nhiều tháng trước có một số yếu tố đáng lưu ý. Yếu tố quan trọng nhất là do tổng cầu vẫn còn yếu – cả về đầu tư, cả về tiêu thụ. Tỷ lệ đầu tư/GDP 6 tháng giảm mạnh so với các thời kỳ trước; đầu tư từ nguồn ngân sách thực hiện trong tháng 7 cao hơn các tháng trước, nhưng tính chung 7 tháng vẫn còn đạt thấp so với kế hoạch cả năm và còn giảm so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố trượt giá thì còn giảm sâu hơn.

Tốc độ tăng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, nếu loại trừ yếu tố tăng giá, thì tăng thấp hơn tốc độ tăng của các năm trước. Tốc độ tăng tồn kho tuy đã giảm khá so với các thời điểm trước, nhưng có một phần do sản xuất vẫn tăng chậm, xuất siêu trở lại và nhập siêu chung 7 tháng giảm mạnh; tốc độ tăng tồn kho vẫn còn cao gần gấp đôi tốc độ tăng của sản xuất.

Yếu tố trực tiếp tác động đến CPI là tăng trưởng tín dụng so với cuối năm trước tuy cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ (7 tháng năm trước tăng 0,57%, còn 7 tháng năm nay tăng 4,91%), nhưng lại thấp xa so với tốc độ tăng số dư tiền gửi (9,48%) – tức là tiền từ lưu thông vào ngân hàng tăng cao gấp đôi tiền từ ngân hàng ra lưu thông.

Một yếu tố quan trọng là mặc dù đã hoàn thành về mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa gạo quy gạo, nhưng giá lương thực đã giảm sâu trong năm 2012, tiếp tục giảm trong 8 tháng đầu năm 2013. Giá thực phẩm tăng thấp vào năm trước, năm nay chỉ tăng cao vào 2 tháng đầu năm và sau Tết Nguyên đán, còn đã tăng thấp và giảm trong nhiều tháng liền.

Một yếu tố khác là giá xuất khẩu, giá nhập khẩu – tức là giá quốc tế tính bằng USD giảm so với cùng kỳ, trong khi đó tỷ giá VND/USD tăng thấp (8 tháng tăng 1,59%). Giá xuất khẩu giảm trên 4%, trong đó có một số mặt hàng giá còn giảm sâu hơn, như giá than đá giảm 19,5%, hạt tiêu giảm 3,5%, dầu thô giảm 4,2%, cao su giảm 17,7%, giá sắt thép giảm 5,9%,… Giá nhập khẩu giảm 2,5%, trong đó một số mặt hàng còn giảm sâu hơn, như xăng dầu giảm 2,9%, khí đốt hóa lỏng giảm 4,9%, phân bón giảm 10,4%, giá bông giảm 10,9%, giá sắt thép giảm 11,3%,… Tỷ giá năm trước giảm 0,96%, 8 tháng năm nay tăng 1,59%. Có yếu tố do giá vàng năm trước tăng thấp (0,4%), 8 tháng năm nay giảm sâu (20,17%).

Trong nhiều yếu tố làm cho CPI tăng cao lên trong vài tháng nay, có các yếu tố rất quan trọng là sự tăng lên của giá một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng, sự lặp lại của tình trạng “té nước theo giá” và “tát nước theo lương” đón đầu, cùng với sự cộng hưởng của yếu tố tâm lý.

Việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số loại hàng hóa là cần thiết và đúng hướng, song cần có sự giám sát kiểm tra, minh bạch, công khai, cân nhắc về liều lượng và thời điểm điều chỉnh. Tình trạng “té nước”, “tát nước” theo, thậm chí đón đầu, nếu trước đây, khi mà tổng cầu còn thấp đã xảy ra không đáng kể, thì nay đã xuất hiện trở lại.

Giá ăn uống ngoài gia đình vốn đã chênh lệch khá lớn với giá lương thực, thực phẩm, trong 8 tháng đầu năm, mặc dù giá lương thực giảm, giá thực phẩm tăng thấp, nhưng giá ăn uống ngòai gia đình lại tăng cao hơn (tăng 4,45%). Hay, tốc độ tăng của chỉ số giá cước vận tải, kho bãi trong 6 tháng đầu năm lên đến 7,63%, cao hơn tốc độ tăng của các chỉ số khác như chỉ số giá nhập khẩu giảm 2,56%, chỉ số giá xuất khẩu giảm 4,31%, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 2,93%, chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng công nghiệp tăng 4,1%, chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm, thủy sản giảm 2,51%, chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,73%).

Tâm lý tuy không phải là yếu tố kinh tế trực tiếp, nhưng vào lúc kinh tế “nóng” hay kinh tế “lạnh”, thì tác động có lúc còn lớn hơn cả yếu tố kinh tế. Đó là chưa kể tác động “cộng hưởng” trong nhiều trường hợp lớn hơn tác động của 2 lực cộng lại. Tiền lương tăng từ 1/7, nhưng thực tế đến nay chưa được lĩnh,…. Nếu CPI tăng cao trở lại không phải do mất cân đối cung cầu trên thị trường, mà chỉ do điều chỉnh giá một số mặt hàng là đầu vào quan trọng, thì tổng cầu vốn đã yếu sẽ còn yếu hơn, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.

Do vậy, chưa thể chủ quan, lơ là với lạm phát, nếu liều lượng của các giải pháp tài chính, tiền lệ quá mức hay thiếu sự cẩn trọng, thiếu sự phối hợp trong việc thực hiện lộ trình giá thị trường. Đồng thời cũng không cố định, cần có sự linh hoạt để tránh nguy cơ trì trệ của tăng trưởng kinh tế.