Không vì tăng trưởng mà làm ngân sách khó khăn

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Việc xây dựng các kế hoạch tài chính, đầu tư công phải cân đối giữa các nhu cầu chi tiêu, phải phù hợp với mục tiêu tăng trưởng. Tuy nhiên, chúng ta không vì tăng trưởng mà làm cho tình hình ngân sách khó khăn.

Đây là quan điểm của nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách (UBTCNS) của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trong cuộc trao đổi với phóng viên về công tác điều hành ngân sách.

Phóng viên: Xin ông cho biết đánh giá của mình về công tác điều hành ngân sách trong nhiệm kỳ vừa qua?

Ông

Ông Phùng Quốc Hiển

Ông Phùng Quốc Hiển: Nhiệm kỳ vừa qua, kinh tế xã hội của chúng ta gặp nhiều khó khăn khó lường, tăng trưởng kinh tế không đạt như kế hoạch. Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do làm giảm các mức thuế xuất nhập khẩu. Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình nên các điều kiện vay ODA không còn được như trước, các ưu đãi về thời gian, lãi suất, ân hạn đều giảm… Có thể nói, có rất nhiều yếu tố tác động đến tình hình thực hiện ngân sáchnhà nước (NSNN) hàng năm và cho cả kế hoạch tài chính 5 năm. Những điều này gây áp lực lớn đến việc điều hành NSNN, dư địa điều hành bị thu hẹp hơn trước rất nhiều.

Tuy nhiên, phải ghi nhận rằng 5 năm qua, công tác điều hành NSNN đã có rất nhiều cố gắng. Thứ nhất, mặc dù điều kiện khó khăn như vậy nhưng chúng ta vẫn thực hiện lộ trình cải cách chính sách thuế theo hướng giảm dần những áp lực thu ngân sách đến các thành phần kinh tế. Với mục tiêu khoan sức dân, không tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, người dân, lộ trình cải cách thuế đã được thực hiện hết sức tích cực, nhanh chóng, dù rằng điều này có thể gây những khó khăn trong ngắn hạn cho ngân sách. Với việc thực hiện chính sách này, tốc độ, tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào NSNN những năm qua đã giảm sút, từ mức 24,7% xuống còn 21%, là mức khá thấp, tạo áp lực cho cân đối ngân sách. Tuy nhiên, chính sách này sẽ tạo thuận lợi trong dài hạn khi chuyển thu từ thuế, phí sang thu từ phát triển.

Điểm sáng thứ hai là chúng ta đáp ứng được các nhu cầu chi, đặc biệt là có thay đổi căn bản trong cơ cấu chi đầu tư và chi thường xuyên, trong đó hết sức chú trọng chi an sinh xã hội, chi cho con người. Dần dần, chúng ta đã thay đổi cách quản lý từ việc ngân sách bao cấp, gần như phủ sóng hết các lĩnh vực chi, chuyển sang nhường dư địa cho các thành phần kinh tế khác, thực hiện cơ chế xã hội hoá, nhất là trong các lĩnh vực giáo dục và y tế, giảm gánh nặng cho NSNN.

Thứ ba, chúng ta đã tích cực cơ cấu lại nợ, nhất là nợ công, để giảm áp lực trả nợ. Trong nhiều biện pháp xử lý, có những biện pháp chỉ là tình thế, nhưng cũng bắt buộc phải làm, nếu không sẽ khó khăn. Đến nay, dù một số kết quả đạt được chưa được như mong muốn, ví dụ như bội chi đến năm 2015 vẫn ở mức cao, nhưng cũng là do chúng ta đã phải xử lý rất nhiều vấn đề, như là nợ đọng, nợ ngân sách... Về nợ công, dù đã có nhiều khó khăn, đến nay tỷ lệ nợ công đã gần đến giới hạn cho phép, nhưng với những gì chúng ta xử lý được đến thời điểm này thì tôi cho là tích cực, để từ đó có quyết tâm xây dựng cho kế hoạch tài chính 5 năm tới với tầm nhìn chiến lược hơn, dài hơi hơn, bắt đầu tạo ra tâm thế mới.

Khi xây dựng kế hoạch tài chính cho 5 năm tới, chúng ta đã đưa ra nhiều mục tiêu khá chặt chẽ như là giảm nợ công, giảm bội chi xuống còn 3,1% vào năm 2020… Ông bình luận thế nào về các mục tiêu này?

Việc xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn là một bước tiến mới trong việc cân đối, xác định nguồn lực cũng như phân bổ nguồn lực, tránh đi những tầm nhìn ngắn hạn. Theo tôi, kế hoạch tài chính 5 năm có nhiều điểm quan trọng như là chúng ta xử lý cơ cấu lại toàn bộ thu chi, cơ cấu lại nợ, thực hiện tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng. Theo đó, phải đảm bảo một số yếu tố. Một là nợ công dứt khoát không được vượt quá 65% GDP và phải giảm dần. Hai là bội chi, quan điểm của UBTCNS và cũng thống nhất với Bộ Tài chính là còn bình quân 4% GDP trong 5 năm. Nghĩa là những năm đầu bội chi có thể cao, nhưng những năm cuối phải giảm và còn khoảng 3,1% - 3,2%, để đạt bình quân 5 năm là 4% GDP. Và chúng ta phải quyết tâm sau 2020 nợ công phải xuống dưới 60%, bội chi phải dưới 3% GDP theo tiêu chí của Luật NSNN mới.

Giai đoạn tới, nhu cầu vốn đầu tư từ ngân sách được nêu ra trong kế hoạch đầu tư công trung hạn khá lớn, trong khi chi đầu tư của chúng ta phụ thuộc vào vốn vay. Với kế hoạch tài chính chặt chẽ, quyết tâm như vậy, chúng ta nên làm thế nào để vừa đảm bảo chi đầu tư phát triển, vừa đảm bảo an toàn nợ công?

Chính vì điều này mà chúng ta phải xác định kế hoạch. Đã là kế hoạch phải cân đối giữa các nhu cầu, phải phù hợp với mục tiêu tăng trưởng. Tuy nhiên, chúng ta không vì tăng trưởng mà làm cho tình hình ngân sách khó khăn. Vì vậy, cơ cấu giữa chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên phải được cân đối. Theo tôi, mục tiêu đặt ra là chi đầu tư phát triển khoảng 25% trong tổng chi ngân sách là hợp lý, và phải xác định rõ mức chi cho đầu tư phát triển là bao nhiêu để phân bổ.

Như chúng ta đã thấy, thu ngân sách thường bị tác động bởi nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan, vậy nếu chúng ta ấn định mức chi trong khi nguồn thu không ấn định được thì có gây khó khăn cho cân đối ngân sách hay không, thưa ông?

Những con số đưa ra trong kế hoạch đều là dự toán, và kế hoạch thì có thể thay đổi, không thể tuyệt đối. Nếu thu không đảm bảo thì chi phải giảm tương ứng, đó là nguyên tắc cân đối thu chi. Chúng ta không thể thu không đảm bảo mà chi vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, chính vì thế phải cố gắng tính toán kế hoạch cho sát, giảm thiểu những biến động quá lớn. Thực tế chúng ta tính toán ở mức tối thiểu, nếu tăng thu được thì dùng để bù đắp thêm cho đầu tư, hoặc dùng để giảm bội chi, tăng trả nợ.

Xin cảm ơn ông!