Khu công nghiệp Hà Nội: Thu hút FDI “kẹt” ở cơ chế

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Việc thu hút các tập đoàn công nghệ lớn như Intel, Samsung, Nokia, Robert Bosch… đã giúp ghi tên Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu. Sức hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào khu công nghiệp (KCN) Hà Nội chắc chắn sẽ mạnh mẽ nếu xử lý được những hạt sạn trong điều hành.

Vài năm trước, Samsung từng muốn thuê đất để triển khai khu nghiên cứu và phát triển ở Hà Nội. Sau khi thất bại trong việc mặc cả để giảm giá thuê đất vốn quá cao, nhà đầu tư này phải chuyển hướng sang tìm sự hợp tác với các tỉnh lân cận.

Tại Bắc Ninh, Samsung đã thu hút 60 doanh nghiệp (DN) vệ tinh, với tổng vốn đăng ký khoảng 2 tỷ USD, giải quyết việc làm cho hơn 70.000 lao động, theo Ban quản lý các KCN Bắc Ninh.

Trong một tham vọng kéo Samsung về mình để hút thêm DN vệ tinh, Thái Nguyên cũng đã nhanh tay chấp thuận chủ trương đầu tư của công ty này. Từ câu chuyện của Samsung cho thấy, dường như, việc thu hút các dự án FDI tại Hà Nội thời gian qua chưa được coi trọng đúng mức.

Theo thống kê mới đây của Savills Việt Nam, Hà Nội hiện có 8 KCN với tổng diện tích xấp xỉ 1.400 ha. Trong đó, tổng diện tích cho thuê chiếm khoảng 45%. Trong 6 tháng đầu năm 2013, Hà Nội đã thu hút thêm 150 dự án FDI (gồm 102 dự án đăng ký mới và 48 dự án FDI tăng vốn), với tổng vốn đăng ký đạt 447,4 triệu USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ 2012.

Nhưng điều đáng nói là chỉ có 59,3 triệu USD đầu tư tại các KCN, khu chế xuất (KCX), bằng 39,5% so với cùng kỳ. Trong khi đó, số vốn tập trung ngoài KCN - KCX đạt 131,5 triệu USD, tăng 67,3% so với cùng kỳ.

Tất nhiên, mức phí thuê đất của các KCN ở Hà Nội là cao, dao động từ 82 USD đến 120 USD/m2/kỳ hạn; phí quản lý ở mức từ 0,4 USD đến 1 USD/m2/tháng. Nhưng sẽ không là vấn đề với các DN “công nghệ cao” như Samsung là ví dụ. Hay Công ty TNHH Canon Việt Nam đã có 4 nhà máy tại Việt Nam, trong đó 1 đặt tại KCN Thăng Long (Hà Nội).

Theo các chuyên gia, lượng vốn vào các KCN tại Hà Nội sẽ nhiều hơn nếu những “hạt sạn” trong điều hành của một số sở, ngành, địa phương; cũng như phí “bôi trơn” không làm mất cơ hội thu hút đầu tư của Hà Nội. Nhận định trên cũng được các DN đồng tình.

Thứ hạng của Hà Nội trên bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) liên tục giảm, năm 2012 xếp thứ 51/63 tỉnh, thành phố của cả nước.

Hà Nội đang dự kiến sẽ có thêm 13 KCN trong tương lai. Trong đó, 11 dự án sẽ cung cấp khoảng 5.100 ha. Tuy nhiên, mới chỉ có 1 dự án khởi công, các dự án còn lại đang ở các giai đoạn lên kế hoạch hoặc giao đất… Sức hút FDI chắc chắn sẽ mạnh mẽ nếu xử lý được những hạt sạn nói trên. Nhưng đồng thời, Hà Nội còn đối mặt với nhiều vấn đề khác.

Nhiều KCN tại Hà Nội ngày càng đòi hỏi cao hơn trong tuyển dụng lao động. Thực tế, thiếu lao động có tay nghề luôn là rào cản với các DN FDI tại Việt Nam nói chung, các KCN tại Hà Nội nói riêng. Tình hình này sẽ còn căng khi hàng loạt dự án FDI tại Việt Nam đi vào hoạt động. Sự cạnh tranh lao động giữa các địa phương sẽ nhiều lên khi các tỉnh cũng đang phát triển mạnh các khu, cụm công nghiệp. Người lao động muốn làm việc tại quê hương để tiết kiệm chi phí.

Trong khi đó, Hà Nội chưa có chính sách hỗ trợ nhà ở, trường học cho người lao động tại các KCN. Vì thế nhiều người lập gia đình xong là bỏ việc, khiến DN không đủ nguồn nhân lực cho các kế hoạch dài hơi. Theo ước tính, hiện mới có khoảng 6% số KCN có nhà văn hóa, hầu như chưa có thư viện nào được đầu tư xây dựng.

Tỷ lệ KCN có trạm y tế, trường mẫu giáo, trường tiểu học cũng thấp. Được biết, hiện tại Hà Nội mới chỉ có 2 dự án nhà ở dành cho công nhân KCN được đưa vào sử dụng; cùng với việc đầu tư xây dựng bệnh viện với quy mô 1.000 giường (hiện đã giải phóng xong mặt bằng).

Lý giải về điều này, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, chương trình xây nhà ở cho công nhân KCN đang gặp nhiều vướng mắc khó khăn. Thứ nhất, lượng công nhân làm việc trong các KCN rất lớn, thu nhập bình quân thấp. Theo số liệu điều tra của Viện Lao động Xã hội năm 2011, có tới 25% công nhân tại các KCN có mức thu nhập dưới 2 triệu đồng/tháng và chỉ có 9% có thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng. Thứ hai, cơ chế chính sách thu hút DN tham gia đầu tư nhà ở cho công nhân KCN không đủ hấp dẫn…

Bên cạnh đó, vấn đề quỹ đất sạch vẫn đang là rào cản lớn, rồi đầu tư hạ tầng nhà ở xã hội của DN vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của địa phương. Một vấn đề khá quan trọng khác là thiết kế nhà ở cho công nhân ở nhiều KCN bất hợp lý như không có khu bếp, khu vệ sinh riêng. Vì thế dù chi phí cao hơn nhưng công nhân vẫn bỏ ra ngoài để thuê ở.

Có chuyên gia đã từng nhận định, việc thu hút các tập đoàn công nghệ lớn như Intel, Samsung, Nokia, Robert Bosch… đã giúp ghi tên Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu. Vì vậy, việc thu hút các dự án FDI cần phải được từng địa phương coi trọng và có động thái tích cực trong xúc tiến thu hút đầu tư, nhất là với Hà Nội - địa bàn “ưa thích” của các DN công nghệ cao.