Khuyến khích đầu tư đối tác công-tư

Theo tapchithue.com.vn

(Tài chính) Mặc dù được đánh giá là đã hoàn thành tốt một số mục tiêu đề ra trong việc bảo đảm đủ nguồn điện cung ứng cho sản xuất, nhưng các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn còn quan ngại về khả năng cung ứng các dịch vụ công, hàng hóa là đầu vào cho sản xuất. Vấn đề là, sự eo hẹp về nguồn vốn đầu tư ban đầu để tạo điều kiện cho nền kinh tế vận hành suôn sẻ…

Các chuyên gia nhận định, một khi PPP đi vào cuộc sống sẽ kích hoạt nguồn lực to lớn đang tiềm ẩn trong dân. Nguồn: internet
Các chuyên gia nhận định, một khi PPP đi vào cuộc sống sẽ kích hoạt nguồn lực to lớn đang tiềm ẩn trong dân. Nguồn: internet
Đến nay, nhiều dự án quan trọng, chủ yếu thuộc lĩnh vực kết cấu hạ tầng tuy đã được xác định và nằm trong quy hoạch phát triển dài hạn của Việt Nam vẫn trong tình trạng chờ vốn. Vấn đề này tuy không mới, nhưng cho thấy một thực tế là nguồn vốn ngân sách rất hạn chế, đồng thời đã đến lúc không thể dùng nguồn vốn này đảm nhận chức năng đầu tư cho tất thảy các dự án phát triển kinh tế. Đơn cử, trong các giai đoạn phát triển trước, như kế hoạch 5 năm 2006-2010, nguồn ngân sách thường xuyên đảm nhận trên dưới 40% tổng mức đầu tư cho phát triển, nhưng vài năm gần đây tỷ trọng này đã giảm dần và dự tính sẽ nhanh chóng lùi xuống khoảng 30%. Thực tế cũng cho thấy, hầu hết các nước đều dành nhiều “đất” cho giới đầu tư tư nhân tham gia để giảm tải cho ngân sách, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trên cơ sở công bằng và minh bạch.
 
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ nay đến năm 2020, trung bình mỗi năm Việt Nam cần 16-17 tỷ USD cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, trong khi ngân sách chỉ có thể đáp ứng khoảng 50%. Như vậy, đương nhiên phần còn lại sẽ phải dựa vào các nguồn khác. Do đó, Chính phủ Việt Nam đã chủ trương khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân trong nước và quốc tế tham gia xây dựng các công trình điện, giao thông, cảng biển, sân bay... theo hình thức PPP. Các bộ, ngành chức năng và địa phương cũng đang nghiên cứu, phối hợp để sớm công bố một danh mục dự án kêu gọi đầu tư thông qua PPP.
 
Các chuyên gia nhận định, một khi PPP đi vào cuộc sống sẽ kích hoạt nguồn lực to lớn đang tiềm ẩn trong dân, có hệ số an toàn cao hơn hẳn so với việc dùng vốn ngân sách. Tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên tổ chức cuối năm  2014, một số nhà đầu tư nêu rõ quan điểm, nếu áp dụng PPP đối với ngành năng lượng, Việt Nam sẽ khai thác thành công các nguồn năng lượng tự nhiên để bảo đảm nguồn cung cấp điện ổn định với giá hợp lý. Đó cũng là hành động góp phần hiện thực hóa các cơ hội và lợi ích đến từ các hiệp định thương mại tự do mới, đồng thời góp phần thúc đẩy và củng cố sự lớn mạnh của khu vực doanh nghiệp trong nước. Hơn nữa, nếu triển khai các dự án PPP trong lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ giúp Việt Nam giải quyết nhu cầu về năng lượng trong ngắn hạn, kết hợp bảo vệ môi trường và hỗ trợ quá trinh phát triển bền vững.  
 
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh, PPP sẽ mở ra cơ hội và bảo đảm sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp, thể hiện sự tiến bộ của môi trường đầu tư tại Việt Nam. Trong khi đó, Bộ Giao thông vận tải cũng đưa ra đề án huy động vốn để xã hội hóa đầu tư kết cấn hạ tầng hàng không. Theo đó, mục tiêu đến năm 2016 sẽ cơ bản hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý để khuyến khích hoạt động đầu tư theo hình thức PPP. Dự tính, đến năm 2020 lượng vốn từ khu vực tư nhân đóng góp vào các dự án, công trình hàng không sẽ chiếm tỷ trọng từ 15-20%. 
 
Trong một diễn biến khác, Chính phủ vừa yêu cầu các Bộ Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương rà soát lại các dự án có nhu cầu kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, trong đó chú trọng việc lựa chọn những dự án có nhu cầu bức thiết và có khả năng hoàn vốn. Các dự án sẽ được công bố công khai, thuộc một số lĩnh vực quan trọng, bao gồm nhà máy lý chất thải rắn, nước thải; trạm thủy lợi, trồng rừng, kho chứa nông sản; nâng cấp và xây mới đường bộ, đường sắt, cảng hàng không...
 
Các chuyên gia dự báo, năm 2015 sẽ là thời điểm thích hợp để Chính phủ, các bộ, cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về hình thức PPP và tác dụng nhiều mặt của nó đối với đời sống kinh tế-xã hội. Vấn đề là sự nắm bắt tình hình, tạo dựng lòng tin từ cả phía doanh nghiệp cũng như chính quyền để PPP đi vào cuộc sống, đáp ứng nhu cầu thông qua sự chia sẻ cơ hội cũng như nguồn vốn đầu tư giữa các bên liên quan.