Kiềm chế lạm phát, coi chừng “quá tay”

Theo Đầu tư Chứng khoán

Tháng 4 là tháng thứ hai liên tiếp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều giảm, khiến CPI cả nước trong tháng này có thể giảm. Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cảnh báo, coi chừng “quá tay” trong kiềm chế lạm phát.

Với diễn biến CPI tính đến thời điểm này, theo ông, có điều gì đáng quan ngại?

Kiềm chế lạm phát, coi chừng “quá tay” - Ảnh 1
Ông Trương Đình Tuyển
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại
Lạm phát được kiềm chế ở mức thấp trong quý I/2013, nhưng không phải do hiệu quả của chính sách tiền tệ, mà do cả cầu đầu tư và tiêu dùng của nền kinh tế vẫn rất yếu. Cầu yếu cùng với nợ xấu làm tăng trưởng tín dụng quá thấp, dẫn đến đầu tư của khu vực doanh nghiệp (DN) thấp. DN tốt không biết vay vốn để làm gì, trong khi DN có nhu cầu vay vốn rất lớn lại đang vướng vào nợ xấu. Doanh số bán lẻ hàng hóa nếu trừ đi yếu tố giá chỉ tăng 4,5% trong 3 tháng đầu năm nay.

Đây là mức tăng thấp, dù trong khoảng thời gian này có Tết và kỳ nghỉ kéo dài. Số DN giải thể hoặc ngừng hoạt động trong quý I vừa qua tăng tới 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số DN thành lập mới giảm 6,8%...

Với diễn biến lạm phát tính đến thời điểm này, năm nay, CPI không quá đáng lo ngại mặc dù cần tiếp tục thực hiện nhất quán tư tưởng tăng cường ổn định vĩ mô; trong đó, kiềm chế lạm phát là yêu cầu thường xuyên.

Ý ông là nên nới tay hơn trong kiềm chế lạm phát, thay vì điều hành theo định hướng CPI năm nay khoảng từ 6 - 6,5%?

Kiềm chế lạm phát giống như kiểm soát người tăng huyết áp. Điều quan trọng nhất là phải đảm bảo cho huyết áp giảm từ từ, an toàn, chứ không phải giảm đột ngột, dễ dẫn đến cái chết trước khi thành công trong kiểm soát huyết áp. Nếu lạm phát có biểu hiện giật cục như thời gian qua, thì trước khi thành công trong kiềm chế lạm phát, nền kinh tế đã rơi vào suy kiệt kéo dài, dẫn đến nhiều hệ lụy mà nền kinh tế đang chứng kiến. Trong bối cảnh hiện tại, từ nay đến cuối năm, nếu không linh hoạt hơn trong điều hành kinh tế vĩ mô, thì khó đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5%. Để tạo sinh khí mới cho nền kinh tế, nên xem xét kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 8% trong năm nay, thay vì 6 - 6,5% như kế hoạch.

Muốn tạo sinh khí mới cho nền kinh tế như ông vừa nêu, cần ưu tiên triển khai các giải pháp nào?

Với diễn biến CPI cũng như sức cầu của nền kinh tế hiện tại, trung tâm của chính sách điều hành vĩ mô từ nay đến cuối năm là phải xử lý hiệu quả giữa mục tiêu kiểm soát lạm phát và tăng trưởng GDP. Theo đó, cần ưu tiên tìm mọi nguồn lực để đẩy nhanh các dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước, nhằm tạo cầu cho sản xuất - kinh doanh của DN. Qua đó, giúp các DN giảm dần nợ xấu, có điều kiện tiếp cận nguồn vốn mới để phát triển, từ đó “làm sống” lại nền kinh tế.

Cùng với xem xét giảm thuế VAT có thời hạn để kích cầu tiêu dùng, thay vì giãn thuế như hiện tại, cần giảm thêm mặt bằng lãi suất. Trong điều kiện lạm phát giảm, dự trữ ngoại hối đạt mức cao nhất từ trước đến nay tính đến hết quý I/2013, ước đạt 30 tỷ USD, nên xem xét điều chỉnh nhẹ tỷ giá để gia tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu.

Để góp phần tạo cầu, phục hồi tăng trưởng, theo tôi nên sử dụng gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho người có nhu cầu mua nhà để ở trực tiếp vay, với lãi suất 6%/năm trong 3 năm đầu, những năm sau đó bằng 50% lãi suất thị trường, nhưng không quá 6%/năm trong suốt thời gian vay. Bên cạnh đó, cũng cần cho phép người nước ngoài có dự án đầu tư ở Việt Nam được mua nhà để ở.

Những giải pháp trên sẽ khó khả thi một khi tiến độ xử lý nợ xấu vẫn chưa có tiến triển rõ nét, thưa ông?

Cùng với việc xúc tiến thành lập Công ty Quản lý tài sản (VAMC), cần có cơ chế để các DN có nợ xấu sau khi chuyển nợ sang có thể vay vốn phát triển sản xuất - kinh doanh. Cũng cần gấp rút xây dựng các thiết chế để phát triển thị trường thứ cấp về mua bán nợ. Đặc biệt, cần cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường mua bán tài sản thế chấp. Trong việc xử lý nợ xấu, yếu tố thời gian rất quan trọng. Giải quyết nhanh vấn đề này, sẽ làm vốn chu chuyển được trong nền kinh tế. Theo kinh nghiệm xử lý nợ xấu của nhiều nước, yếu tố thời gian quan trọng hơn là giá bán.