Kiểm toán hoạt động: Thực trạng và những vấn đề đặt ra

ThS. Vũ Thị Thu Huyền - Đại học Thương mại

Trong xu thế phát triển và hội nhập của đất nước ngày càng mạnh mẽ, yêu cầu đổi mới quản lý kinh tế - xã hội đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước phải có những thay đổi nhằm thích ứng được nhiệm vụ trong từng giai đoạn cụ thể. Kiểm toán Nhà nước cũng không ngoại lệ trong quy luật đổi mới tất yếu này. Vì vậy, nghiên cứu về thực trạng kiểm toán hoạt động do kiểm toán nhà nước thực hiện là cần thiết, nhằm giúp các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách nhận diện được thách thức và khó khăn, góp phần tiếp tục đưa ra được những định hướng nâng tầm kiểm toán hoạt động trong tương lai.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Một số kết quả bước đầu trong thực hiện kiểm toán hoạt động

Đầu năm 2014, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã thành lập phòng Kiểm toán hoạt động (thuộc Vụ Tổng hợp) có chức năng nhiệm vụ làm đầu mối xây dựng chính sách, phát triển hệ thống văn bản pháp lý, hướng dẫn kiểm toán hoạt động; xây dựng kế hoạch triển khai kiểm toán hoạt động. Từ đó đến nay, Phòng Kiểm toán hoạt động đã triển khai được một số cuộc kiểm toán hoạt động độc lập thí điểm thành công. Cụ thể như:

Lập kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán

Trên cơ sở kế hoạch tổng thể năm đã được lãnh đạo KTNN phê duyệt, đoàn kiểm toán xây dựng kế hoạch kiểm toán trên cơ sở khảo sát, thu thập và đánh giá thông tin về hệ thống kiểm soát nội bộ, thông tin về tài chính và các thông tin khác về đơn vị được kiểm toán; Xác định được các trọng yếu kiểm toán, đánh giá được các vấn đề nhạy cảm, nhiều rủi ro, kèm theo các tài liệu làm bằng chứng xác định trọng tâm để xây dựng và bảo vệ kế hoạch kiểm toán.

Thực hiện kiểm toán theo kế hoạch được duyệt

- Thực hiện mục tiêu kiểm toán: Ngoài việc đánh giá được tính đúng đắn trung thực của các số liệu quyết toán; Đánh giá việc tuân thủ hệ thống các văn bản về quản lý tài chính, tài sản của Nhà nước; Kiến nghị xử lý các sai phạm về công tác quản lý kinh tế, tài chính tại đơn vị được kiểm toán… 

- Nội dung kiểm toán: Bên cạnh các nội dung kiểm toán như tình hình lập, giao và chấp hành ngân sách cho các đơn vị, lĩnh vực của địa phương… thì nội dung tuân thủ các quy định của Nhà nước trong quản lý tài chính, tài sản, kế toán, quyết toán ngân sách như: Các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ thông thường đã bổ sung các nội dung kiểm toán về tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước.

- Giai đoạn lập và phát hành báo cáo kiểm toán: Các báo cáo kiểm toán được phát hành và tập trung theo hướng đi sâu đánh giá tính kinh tế của các giải pháp giám sát hoạt động, tính hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn, đưa ra được các kiến nghị đối với các đơn vị về các bất cập trong cơ chế, chính sách quản lý nhà nước trong hoạt động giám sát.

Theo dõi, kiểm tra, thực hiện các kiến nghị kiểm toán

Ở giai đoạn này, KTNN đã đánh giá được các hoạt động của cơ quan thực hiện hoạt động kiểm toán, trợ giúp cho các cơ quan khác khi cần thiết và đặc biệt là đã tăng cường hiệu lực của báo cáo kiểm toán, hiệu lực kiến nghị của cuộc kiểm toán. Về quy trình cũng như hình thức báo cáo đã đáp ứng được các quy định hiện hành của KTNN.

Một số hạn chế cần khắc phục

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn  những hạn chế cần khắc phục trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế.

Thứ nhất, trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán:

- Về nhân sự trong kiểm toán hoạt động: Việc bố trí nhân sự đoàn kiểm toán chưa phù hợp. Do đặc thù của cuộc kiểm toán hoạt động đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng về nhiều lĩnh vực, đặc biệt là khả năng phân tích, tổng hợp và đánh giá 3Es hoạt động tại đơn vị, do đó cần phải có lực lượng kiểm toán viên cả về số lượng và chất lượng và kinh nghiệm công tác.

- Về lựa chọn chủ đề kiểm toán: Cơ sở dữ liệu, thông tin phục vụ cuộc kiểm toán chưa đầy đủ, nhất là thông tin về các đầu mối thuộc phạm vi kiểm toán của KTNN để giúp kiểm toán viên trong việc thu thập thông tin, lựa chọn chủ đề kiểm toán; Chưa có dữ liệu thông tin để lựa chọn lĩnh vực, chủ đề kiểm toán tiềm năng và khó khăn trong xây dựng tiêu chí kiểm toán trong hoạt động của cơ quan hành chính…

- Về xây dựng nội dung và tiêu chí kiểm toán: Một số cuộc kiểm toán hoạt động, nội dung và tiêu chí còn chưa cụ thể rõ ràng do việc hướng dẫn cách thức xây dựng tiêu chí còn có những hạn chế. Khi thực hiện, các kiểm toán viên vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và xét đoán chuyên môn nên bản thân kiểm toán viên cũng còn lúng túng. Điều này khiến cho đơn vị kiểm toán khó nhận diện tiêu chí và từ đó cung cấp bằng chứng dàn trải, tốn thời gian cho cả hai bên.

Thứ hai, trong giai đoạn thực hiện kiểm toán:

- Hạn chế về kinh nghiệm trong khi kiểm toán: Xảy ra đối với trường hợp các kiểm toán viên còn trẻ và thiếu kinh nghiệm trong việc thực hiện kiểm toán hoạt động, đặc biệt là ở vị trí các thành viên nhóm kiểm toán.

- Tập trung nhiều vào khía cạnh tuân thủ (hiệu lực) trong quá trình kiểm toán: Dựa trên việc phỏng vấn có thể thấy rằng, còn có các tư duy khác nhau liên quan đến kiểm toán tính hiệu lực cùng tồn tại trong khi kiểm toán; chưa có sự thống nhất trong nhận thức kiểm toán hoạt động.

- Về kỹ năng và chuyên môn hóa công tác kiểm toán: Mặc dù kiểm toán viên đã được bồi dưỡng, tập huấn về kiểm toán hoạt động và kiểm toán cho mục đích đặc biệt tại các lớp đào tạo của KTNN. Tuy nhiên, tình trạng chuyên môn hoá chưa cao, dẫn đến một số kiểm toán viên cảm thấy còn chưa đủ kỹ năng và chuyên môn trong việc thực hiện kiểm toán hoạt động.   

- Về phương pháp kiểm toán hoạt động: Dựa trên cuộc khảo sát, nhiều kiểm toán viên tại cơ quan KTNN đều sử dụng các kỹ thuật kiểm toán của kiểm toán báo cáo tài chính như: phỏng vấn (98%), các hoạt động quan sát (95%), kiểm tra tài liệu (94%) và bảng câu hỏi (94%) khi thực hiện kiểm toán. Trong khi các kỹ thuật khác được coi là thích hợp hơn như điểm chuẩn, mô hình, kỹ thuật thống kê… thì thảo luận nhóm tập trung và ví dụ tình huống được sử dụng ít hơn.

Thứ ba, trong giai đoạn lập và phát hành báo cáo kiểm toán hoạt động: Nhiều báo cáo kiểm toán hoạt động tại KTNN tập trung quá nhiều vào các kết luận. Chất lượng dự thảo báo cáo kiểm toán của một số Đoàn kiểm toán còn hạn chế, phải chỉnh sửa; văn phong còn dài, thiếu tập trung hoặc diễn đạt khó hiểu.

Thứ tư, trong giai đoạn theo dõi, kiểm tra, thực hiện các kiến nghị kiểm toán: Mặc dù kế hoạch kiểm tra việc thực hiện kết luận kiến nghị đã có từ đầu năm nhưng các kiểm toán viên còn chú trọng quá nhiều vào triển khai thực hiện kế hoạch kiểm toán nên chậm triển khai công tác này.  

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2011), Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12; Các giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán hoạt động, Báo Kiểm toán cuối tháng 10/2013;

2. Ngô Thị Thúy Quỳnh (2015), Giải pháp thu hẹp khoảng cách kỳ vọng giữa kiểm toán viên và nhà quản lý trong kiểm toán báo cáo tài chính.