Kiểm toán và sứ mệnh tạo lập niềm tin

Bài đăng trên Báo Kiểm toán số 3 - 2014

(Tài chính) Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương về vấn đề Hoạt động của Kiểm toán Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập niềm tin.

Kiểm toán Nhà nước giúp làm minh bạch hơn những thông tin kinh tế - xã hội. Nguồn: internet
Kiểm toán Nhà nước giúp làm minh bạch hơn những thông tin kinh tế - xã hội. Nguồn: internet

Phóng viên: Tạo lập niềm tin trong công chúng dường như đang là một xu hướng trên các diễn đàn chính trị xã hội và kinh tế trong thời gian gần đây. Theo ông, điều này là do tình hình đang thực sự sáng lên hay vì chúng ta đang cần một sự hưng phấn, tự tin hơn để bươn chải qua khó khăn?  

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành: Chúng ta đều biết kinh tế thế giới đang trong giai đoạn khó khăn và nhiều rủi ro. Rủi ro ấy có thể do sự giận dữ của thiên nhiên, có thể do con người tạo thêm, có thể do tranh chấp địa vị chính trị trên thế giới, có thể do những cái yếu kém vẫn chưa xử lý được như kỳ vọng.

Ví dụ, rủi ro tài chính, hoạt động đầu cơ, có thể gây ra những bất ổn về giá cả, chu chuyển dòng vốn. Thế giới sẽ hồi phục và đi lên nhưng chắc sẽ còn chậm chạp trong một vài năm tới.

Tương tự như tình hình thế giới, thời gian gần đây Việt Nam cũng đã làm được một số điều, ổn định tốt hơn, có những dấu hiệu về sản xuất kinh doanh khá hơn… Tuy nhiên, nhìn chung thì câu chuyện vẫn dở dang, vẫn phải tiếp tục ổn định, hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong sự bươn chải của kinh tế Việt Nam và thế giới, tôi nghĩ vẫn có những tia sáng ấm áp.

Đầu tiên là sự thay đổi về nhận thức. Bên cạnh nhu cầu cần ấm no hơn và thu nhập cao hơn thì cả thế giới phải thay đổi để phát triển đầy đủ hơn, con người hơn, hài hòa với thiên nhiên hơn. Để làm được như vậy thì phải cải cách, phải tái cấu trúc. Có lẽ từ cải cách và tái cấu trúc lúc này không chỉ vang lên ở Việt Nam mà còn vang lên ở khắp nơi. Chẳng hạn, những chuyển đổi nhất định trong chính sách cải cách của Trung Quốc hay chuyển đổi có tính nền tảng để xử lý vấn đề nợ công ở Châu Âu, hay chuyển đổi để tạo thế đứng số 1 ở nước Mỹ… Tất cả  những điều đó đều là tái cấu trúc, cải cách…và tia sáng đầu tiên của vấn đề đó chính là vấn đề nhận thức lại.

Điều thứ hai, không chỉ là tư duy mới, lúc này chúng ta cũng đang nỗ lực đặt ra những chương trình để cải cách. Việc Việt Nam gia nhập WTO dù chưa hoàn mỹ nhưng đã có một bước tiến đột phá và là một thành công. Bên cạnh đó là những thuận lợi hóa thương mại, những chương trình kết nối trong ASEAN, trong APEC, những nỗ lực đàm phán để đi đến các hiệp định tự do có tính chất khổng lồ như: TPP, ASEM + 6, Hiệp định xuyên Đại Tây dương - Mỹ…

Bản chất sâu xa của những điều này là làm cho thế giới không những kết nối hơn, liên kết với nhau hơn mà để đảm bảo rằng các nguồn lực được phát triển và trò chơi trên thế giới này là “win win” (cùng thắng), mọi người đều có lợi. Tất nhiên đằng sau đó còn rất nhiều thách thức, khó khăn, nhưng những tư duy từ các cuộc đàm phán, cam kết như vậy đã thể hiện một điều rất quan trọng là dù khó khăn trở ngại nhưng thế giới phải tin đó là điều cần làm. Nếu có niềm tin ấy thì người ta sẽ không mất thời gian vào những chương trình, những cam kết. Việt Nam là một nền kinh tế rất mở, một phần của rất nhiều cam kết, của các hiệp định thương mại tự do nên càng cần đến niềm tin này.

Định nghĩa niềm tin là gì thì dễ nhưng vấn đề là làm thế nào để tạo ra niềm tin, đặc biệt là trong kinh tế, thưa ông?

Nhìn chung, trong đổi mới hiện nay chúng ta vẫn còn có những “tiếng kèn” ngập ngừng, hành động còn thiếu quyết liệt, những thành quả nhìn thấy còn ít…Xu hướng cải cách ấy còn phải nhìn thấy được trong giao diện của những nhà hoạch định chính sách, của cơ quan công quyền với thị trường, với xã hội. Giao diện gồm nhiều hàm ý: về minh bạch thông tin, về giải trình, trách nhiệm, về ý chí chính trị, về những nỗ lực, trách nhiệm cá nhân… Theo nghĩa đấy, trong những năm qua các nhà hoạch định chính sách của Nhà nước, Chính phủ dù đã có những cố gắng nhất định nhưng vẫn còn chậm lại ở phía sau.

Trong một thời gian dài sau gia nhập WTO, một số chính sách của chúng ta có những sai lầm, sồi sụt, thiếu nhất quán, tính minh bạch, tính đàng hoàng trong giải trình chịu trách nhiệm cũng chưa cao, năm nào cũng có diễn đàn đối thoại với các nhà tài trợ nhưng vẫn lặp đi lặp lại và vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Điều này có ảnh hưởng tiêu cực đến việc tạo dựng niềm tin. Đây là thời điểm rất quan trọng khi niềm tin đang được nhen nhóm một chút. Nếu bây giờ không hành động, không giải quyết tốt thì có thể lòng tin đó lại biến mất. Tôi muốn nhấn mạnh: đằng sau chữ lòng tin ấy là tất cả, không có lòng tin là không có gì cả!

Để tạo ra niềm tin trong thời điểm hiện nay, Việt Nam phải khẳng định được mình trong một cuộc chơi mới, đồng thời phải thấy được hành động thực tiễn của chúng ta với cuộc chơi vẫn còn yếu; giao diện tương tác giữa các nhóm xã hội với nhóm hoạch định chính sách cũng như với thế giới vẫn còn khoảng cách và chưa hoàn hảo.

Riêng với kinh tế Việt Nam, niềm tin ấy phải đạt được ba điều:

Một là, đi cùng với xu hướng của nhân loại. Điều ấy phần nào thể hiện qua việc theo đuổi hiệp định thương mại tự do, qua vị thế của Việt Nam đang được thừa nhận, chẳng hạn như câu chuyện Việt Nam được làm đại diện của Hội đồng nhân quyền…

Hai là, thấy được những cải cách cụ thể. Hiện nay, chúng ta đã đặt ra mục tiêu, chương trình và đi vào những điểm mấu chốt nhất cho vấn đề cải cách, những đột phá liên quan đến cải cách thể chế, bao hàm cả cải cách chính trị, gắn với cải cách kinh tế, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng hơn, một hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và tốt hơn, tập trung vào những nơi nguồn vốn chưa phát huy hiệu quả, ví dụ như đầu tư công doanh nghiệp nhà nước hoặc trong lĩnh vực ngân hàng.

Tuy nhiên, có thể chúng ta đã đặt ra mục tiêu thích hợp, chọn ra những điểm nhấn, những điểm ưu tiên để tiến hành cải cách nhưng nếu chưa nhìn thấy hành động thực tế thì người ta cũng rất khó tiếp tục tin tưởng. Giống như câu chuyện xưa, nếu gõ trống một lần thì niềm tin sẽ được xác lập, nhưng gõ trống đến lần thứ hai, thứ ba mà không thấy hành động gì thì không ai còn tin chúng ta nữa.

Ba là, chúng ta phải học cách đối thoại với thế giới. Trong dòng chảy chung với thế giới, mỗi đất nước đều có những đặc thù riêng của mình, thế nhưng đừng quá đối lập cái riêng với xu hướng chung và cũng đừng lấy cái riêng như lời biện minh để trốn tránh. Cần phải có sự đối thoại rất cởi mở, thẳng thắn, không chỉ là một bài diễn văn với nhau mà là một cái bắt tay trao đổi thẳng thắn và cởi mở, đó là cái cách của thế giới hiện nay.

Trong việc lựa chọn những đối tác để trao đổi với thế giới thời gian qua, Việt Nam đã có những mặt được. Tuy nhiên, dưới góc độ kỹ thuật cũng như những vấn đề cụ thể về kinh tế thì chúng ta còn phải phấn đấu rất nhiều, chẳng hạn như: tính minh bạch, khả năng cung cấp thông tin, chia sẻ thẳng thắn, cởi mở ở những cấp khác nhau và ở những diễn đàn khác nhau,…

Như vậy, sự vận động cùng xu hướng thế giới và đặt ra những chương trình cải cách mục đích là vì sự tốt đẹp của đất nước, đồng thời cũng góp phần vào cuộc chơi cùng thắng với thế giới.

Nói đến việc cung cấp thông tin, tại một kỳ họp Quốc hội gần đây, có đại biểu đã rất bức xúc vì sự khác nhau giữa các nguồn báo cáo, trong đó có cả báo cáo của Chính phủ và Quốc hội.  Theo ông, liệu có thể tin vào một bức tranh kinh tế chân thực khi các báo cáo có nhiều điểm khác biệt như vậy?

Trong việc này tôi thấy có hai vấn đề: Một là, lòng tin vẫn chưa thực sự quay trở lại và còn bộn bề chuyện bức xúc; hai là, có khi đó cũng chỉ là cách nói, cách diễn đạt khi người ta muốn nhấn mạnh quan điểm. Viết một câu chuyện xấu không có nghĩa là cả xã hội này xấu, nhưng cần lưu ý đến điều đó với nghĩa tích cực. Cuộc đời thì có nhiều mặt, tôi nghĩ báo cáo của Chính phủ cũng có những mặt này mặt kia, có thể độ nhấn không được như nhau.

Để báo cáo có sự phản biện, phê phán theo nghĩa tích cực thì cách nói nhấn mạnh một chút cũng là điều bình thường. Bản thân vị đại biểu Quốc hội cũng chỉ muốn phê phán một cách tích cực. Chưa nói đến chuyện bên nào đúng bên nào sai, trong khi niềm tin chưa được thiết lập, còn ngổn ngang chuyện bức xúc thì những phản ứng như vậy tôi cho là cũng không có gì quá. 

Xác thực là một vấn đề cốt yếu trong việc tạo lập niềm tin. Vậy theo ông, hoạt động của những cơ quan thanh tra, kiểm tra mà cụ thể ở đây là Kiểm toán Nhà nước sẽ đóng vai trò như thế nào trong quá trình xây dựng niềm tin này?

Nói đến Kiểm toán Nhà nước là nói đến câu chuyện về đồng tiền và dòng tiền liên quan đến khu vực công, có thể là ngân sách nhà nước, là tài sản, là đầu tư công, là doanh nghiệp nhà nước… Điều quan trọng nhất là Kiểm toán Nhà nước sẽ giúp chúng ta hiểu được thực chất những câu chuyện này. Bên cạnh đó là vấn đề minh bạch với xã hội và thị trường. Đây cũng chính là câu chuyện niềm tin và là một ý nghĩa rất quan trọng đối với Kiểm toán Nhà nước.

Ở Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm trước Quốc hội, vì thế, nếu làm tốt, Kiểm toán Nhà nước sẽ giúp tăng được tính xác thực và giúp cho việc nhận thức đúng về khu vực này, từ đó có những cải cách đúng cũng như những giao diện tốt hơn với xã hội.

Mặc dù vậy, tôi cho rằng, Kiểm toán Nhà nước không phải chỉ làm công việc xác thực. Điều quan trọng không kém là Kiểm toán Nhà nước sẽ góp phần vào quá trình cải cách, cụ thể là những điểm mấu chốt trong tái cấu trúc kinh tế, góp phần vào việc đề ra những kiến nghị để sửa đổi trong quá trình hoạch định chính sách vì cơ quan này biết được những câu chuyện chân thực nhất cũng như nguyên nhân ẩn đằng sau đó.

Với địa vị pháp lý mới được ghi trong Hiến pháp sửa đổi, tôi hy vọng Kiểm toán Nhà nước sẽ ngày càng chuyên nghiệp hơn, độc lập hơn và phát huy tốt những vai trò mà tôi vừa nêu!

Xin trân trọng cảm ơn ông!