Kiện toàn cơ sở pháp lý hỗ trợ phát triển kênh thanh toán mới

Vụ Thanh toán - NHNN

Trong bối cảnh diễn ra cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế phát triển công nghệ thông tin, viễn thông mạnh mẽ, hoạt động thanh toán nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam nói riêng ngày càng thích ứng, đa dạng theo hướng an toàn, hiệu quả và tiết kiệm chi phí xã hội, hội nhập sâu rộng trong khu vực và thế giới. Thanh toán qua điện thoại di động đang trở thành một xu hướng, kênh thanh toán mới, có tốc độ phát triển nhanh, phát huy hiệu quả, nhất là tại các nước đang phát triển có tỷ lệ người dân tiếp cận với dịch vụ ngân hàng còn thấp, qua đó, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Kiện toàn cơ sở pháp lý hỗ trợ phát triển kênh thanh toán mới - Ảnh 1

Nở rộ xu hướng thanh toán  qua điện thoại di động tại Việt Nam

Các phương tiện, dịch vụ thanh toán điện tử tại Việt Nam trong thời gian gần đây có xu hướng phát triển mạnh và đa dạng. Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện và phát triển các phương thức thanh toán truyền thống như ủy nhiệm thu, ủy nhiệm chi… các ngân hàng thương mại (NHTM) đã và đang chủ động tiếp cận, đẩy mạnh phát triển các phương tiện, dịch vụ thanh toán không dùng tiền, mặt ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, gia tăng tiện tích và tiện lợi nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng như: thẻ ngân hàng, thanh toán qua điện thoại di động, thanh toán qua internet…

Xu hướng sử dụng điện thoại di động làm phương tiện giao dịch thanh toán trong những năm gần đây đã và đang hỗ trợ các ngân hàng mở rộng mạng lưới tiếp cận tới khách hàng, cho phép ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán đến những khu vực mà mạng lưới ngân hàng chưa bao phủ, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, những nơi không có các điểm giao dịch ngân hàng và những đối tượng không được tiếp cận hoặc ít có điều kiện tiếp xúc các dịch vụ tài chính truyền thống.

Đến nay, đã có trên 41 NHTM Việt Nam triển khai cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động với số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt trên 90 triệu giao dịch, giá trị giao dịch đạt trên 423 nghìn tỷ đồng. Một số NHTM đã bước đầu triển khai có hiệu quả các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động để thanh toán tiền điện, tiền nước, cước phí điện thoại, viễn thông, truyền hình cáp, phí bảo hiểm và một số khoản thu khác.

Cùng với 41 NHTM, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng đã xem xét, chấp thuận cho 25 tổ chức không phải là ngân hàng được thực hiện cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có dịch vụ ví điện tử thông qua internet và điện thoại di động nhằm phục vụ nhu cầu thanh toán các giao dịch thương mại điện tử và chuyển tiền nhỏ lẻ của người dân. Nắm bắt xu thế phát triển công nghệ thanh toán trên thế giới, một số ngân hàng và công ty công nghệ thông tin, viễn thông tại Việt Nam đã và đang nghiên cứu, hợp tác và đưa vào ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán trên thiết bị điện thoại di động, với việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sinh trắc, sử dụng mã QR Code, Tokenization, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS... mang lại sự tiện lợi và an toàn trong thanh toán điện tử.

Để thúc đẩy phát triển kênh thanh toán mới – thanh toán qua điện thoại di động, NHNN đã thành lập Tiểu ban nghiên cứu thuộc Hội đồng Thanh toán và Công nghệ của ngành Ngân hàng nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, để xây dựng chuẩn mực và quy định chung cho thanh toán QR Code tại Việt Nam. NHNN cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo về lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) để tư vấn hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hệ sinh thái trong lĩnh vực Fintech, giúp các doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam phát triển, phù hợp với chủ trương, định hướng của Thủ tướng Chính phủ (tại Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”).

Cùng với đó, NHNN chỉ đạo thí điểm phát triển một số hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (trong đó có thanh toán qua điện thoại di động) ở khu vực nông thôn nhằm mở rộng, thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo; Tạo điều kiện cho các NHTM và các tổ chức đối tác của NHTM phát huy lợi thế về công nghệ và mạng lưới, đa dạng các dịch vụ thanh toán, mở rộng độ phủ tới các khu vực trên địa bàn cả nước. Một số mô hình thanh toán di động đang được NHNN cho phép triển khai thí điểm như: mô hình dịch vụ chuyển tiền giá trị nhỏ của Vietcombank trên cơ sở hợp tác sử dụng mạng lưới các đại lý viễn thông của Công ty Cổ phần Di động Trực tuyến (M_Service) ở khu vực nông thôn; Mô hình dịch vụ chuyển tiền của MB trên cơ sở hợp tác sử dụng mạng lưới của Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) ở địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo.

Kiện toàn hành lang lý phát triển thanh toán qua điện thoại di động

Khảo sát thực tế cho thấy, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển thanh toán qua điện thoại di động, bởi tỷ lệ tiếp cận dịch vụ viễn thông và sử dụng điện thoại di động ở nước ta khá cao. Đến nay, số lượng thuê bao di động ở Việt Nam có phát sinh lưu lượng ước đạt khoảng gần 130 triệu thuê bao, trong đó thuê bao 3G phát sinh lưu lượng đạt khoảng 41,8 triệu thuê bao (khoảng trên 1,4 thuê bao/người dân và khoảng 0,5 thuê bao sử dụng 3G/người dân); Có trên 55% dân số sử dụng điện thoại thông minh. Nhóm khách hàng sử dụng điện thoại thông minh hầu hết là những người trẻ, có kiến thức và ham trải nghiệm, ưa chuộng các phương thức thanh toán mới, đặc biệt là các phương thức thanh toán hiện đại dựa trên nền tảng di động. Chính vì vậy, phát triển thanh toán qua điện thoại di động tại Việt Nam sẽ tạo điều kiện, cơ hội để phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán di động hiện đại, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, đặc biệt phù hợp với nhóm dân cư khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa vốn ít có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng truyền thống, qua đó tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ tài chính tại Việt Nam.

Tuy nhiên, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán điện tử gần đây có những diễn biến phức tạp với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn. Bối cảnh phát triển mạnh của công nghệ thông tin và viễn thông; quá trình hội nhập quốc tế cũng đặt ra những thách thức, khó khăn trong lĩnh vực thanh toán điện tử. Sự hình thành các tổ chức không phải là ngân hàng, các công ty Fintech tham gia vào lĩnh vực thanh toán đặt ra những khó khăn, thách thức cho việc xây dựng, phát triển và giám sát các phương tiện, dịch vụ thanh toán mới...

Tóm lại, trong thời đại công nghệ thanh toán trên thế giới đang thay đổi và phát triển nhanh chóng, thanh toán qua điện thoại di động đang dần trở thành xu thế, thì việc hoàn chỉnh và đồng bộ hóa hành lang pháp lý cho lĩnh vực thanh toán qua điện thoại di động tại Việt Nam là cần thiết và quan trọng. Trước mắt là cần ban hành các tiêu chuẩn cho thanh toán phi tiếp xúc, QR Code, thanh toán qua di động, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho các Fintech hoạt động; đồng thời, tăng cường bảo vệ người tiêu dùng, an ninh, an toàn mạng cũng như năng lực quản lý, giám sát nhằm tạo điều kiện cho thanh toán qua điện thoại di động tại Việt Nam phát triển an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thanh toán ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp và phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế. 

Trên thực tế, nhằm hỗ trợ phát triển thanh toán qua điện thoại di động tại Việt Nam, thời gian vừa qua, Chính phủ và NHNN đã và đang tích cực xác lập, hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm quản lý và thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt nói chung cũng như thanh toán qua điện thoại di động nói riêng. Cụ thể, trên cơ sở Luật Giao dịch Điện tử số 51/2005/QH11, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 35/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng, tạo hành lang pháp lý cơ bản cho các giao dịch điện tử nói chung và giao dịch qua điện thoại di động nói riêng. Bên cạnh đó, trên cơ sở Luật NHNN năm 2010, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 80/2016/NĐ-CP), trong đó quy định cụ thể về các dịch vụ trung gian thanh toán và điều kiện cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; Trình Chính phủ ban hành Nghị định 96/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng nói chung, bao gồm quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động thanh toán, trung gian thanh toán. Đồng thời, NHNN phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định 25/2014/NĐ-CP quy định về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao, trong hoạt động thanh toán điện tử nhằm hoàn thiện hơn cơ sở pháp lý về phòng, chống tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực thanh toán.

Ngoài ra, NHNN cũng đã ban hành Thông tư 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 20/2016/TT-NHNN và số 30/2016/TT-NHNN) và các quy định về: Hoạt động thẻ ngân hàng (Thông tư 19/2016/TT-NHNN); Các nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng điện tử (Quyết định 35/2007/QĐ-NHNN); Đảm bảo an toàn, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng (Thông tư 31/2015/TT-NHNN); An toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên internet (Thông tư 35/2016/TT-NHNN)… Qua đó, tạo cơ sở pháp lý để các tổ chức không phải ngân hàng kết hợp với ngân hàng đẩy mạnh việc cung ứng các dịch vụ trung gian thanh toán nói chung bao gồm cả dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.

Đặc biệt, hướng tới phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 và Quyết định 1726/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế. Mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%; Tập trung phát triển một số phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại, phục vụ cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện; Tăng mạnh số người dân được tiếp cận các dịch vụ thanh toán, nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng lên mức ít nhất 70% vào cuối năm 2020; Nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, trong đó bao gồm các phương tiện, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cơ bản phù hợp với nhu cầu, nhất là dân cư ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các doanh nghiệp nhỏ và vừa dựa trên hệ thống thanh toán của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoạt động an toàn, lành mạnh, có trách nhiệm và phát triển bền vững…