Kiên trì và năng động thực hiện mục tiêu đề ra

GS. Nguyễn Quang Thái - Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam

(Tài chính) Bản báo cáo do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày trước Quốc hội sáng ngày 21/10 không chỉ đưa ra thông điệp rõ ràng, cung cấp nhiều thông tin cần thiết về tình hình kinh tế- xã hội hiện nay, mà còn cung cấp một cái nhìn toàn cảnh cho thời kỳ kế hoạch 5 năm 2011-2015 rất nhiều khó khăn, thách thức.

Trong điều kiện khó khăn chung ở trong và ngoài nước, Việt Nam đã đạt được kết quả phát triển kinh tế- xã hội đáng khích lệ1.

Báo cáo của Thủ tướng nêu rõ: Trong điều kiện thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và thực hiện điều chỉnh nhiều chính sách, nhưng tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm gần nhất đạt 5,6% bằng mức trung bình của các nước trong khu vực Đông Nam Á2.
 
Khẳng định thành tích trong khó khăn

Bản báo cáo của Thủ tướng cũng nêu rõ: Kinh tế đã có bước phục hồi, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. Trong 9 tháng, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 10,8% và có trên 11,2 nghìn doanh nghiệp đã hoạt động trở lại. Dự báo tổng sản phẩm trong nước cả năm 2013 tăng 5,4% so với năm 2012. Trong đó công nghiệp và xây dựng tăng 5,43%, nông nghiệp tăng 2,52%, dịch vụ tăng 6,56%...

Ngoài ra còn phải kể tới những điểm sáng nổi bật là: Kiềm chế lạm phát, đạt khoảng 7% so với mục tiêu 8% do Quốc hội nêu ra; hạ thấp lãi suất tín dụng theo mức giảm lạm phát; tăng cường dự trữ ngoại tệ đạt mức cao nhất từ trước đến nay; bảo đảm an toàn cho việc xuất nhập khẩu, vay trả nợ; thực hiện ổn định tỷ giá; duy trì nợ nước ngoài trong giới hạn an toàn; nhiều doanh nghiệp thành lập mới hoặc lập lại…

Đặc biệt, trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng đất nước đã làm ra các sản phẩm có sức cạnh tranh khá, được thị trường quốc tế chấp nhận. Nhờ vậy, không những xuất khẩu tăng cao với tốc độ 14-15%, mà lần đầu tiên sau nhiều năm đã có xuất siêu3.

Bên cạnh những kết quả đạt được về kinh tế, lĩnh vực an sinh xã hội cũng đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn cơ bản đạt được chỉ tiêu đại hội đề ra, bình quân 2%/năm. Trong đó các huyện miền núi khó khăn khoảng 4%/năm, dù tỷ lệ cận nghèo còn lớn. Đồng thời đất nước ta cũng có những mặt tích cực khác trong phát triển kinh tế- xã hội.

Cử tri chúng tôi tán thành báo cáo đã đánh giá đúng mức trước tình hình còn nhiều khó khăn sau mấy năm kinh tế giảm sút liên tiếp. 

Vạch rõ yếu kém cần kiên quyết khắc phục

Trong khi khẳng định những thành tựu đã đạt được, Thủ tướng Chính phủ cũng vạch ra những điểm còn yếu kém, cần khắc phục.

Đó tình trạng đình đốn sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hoặc duy trì hoạt động ở mức thấp nên làm ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế, làm cho kinh tế vĩ mô chưa ổn định vững chắc; nợ xấu ngân hàng còn cao, hoạt động của một số tổ chức tín dụng chưa thực sự an toàn; cân đối ngân sách đang gặp khó khăn lớn; chất lượng tăng trưởng; hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế chậm được cải thiện,… nhất là các doanh nghiệp khu vực nội địa và nông thôn4.

Trong điều kiện kinh tế khó khăn, tỷ lệ tăng tín dụng cũng còn thấp, gây khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Lạm phát tuy đã được khống chế ở mức 7%, nhưng chưa vững chắc, nhất là việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục và y tế còn được phối hợp chưa tốt. Việc điều chỉnh giá điện và xăng dầu theo thị trường tuy cần thiết khi nền kinh tế đang chuyển sang thị trường, nhưng việc hạch toán thiếu công khai minh bạch, gây bức xúc cho người dân.

Thêm vào đó, nhiều chủ trương về tái cơ cấu kinh tế, thực hiện các đột phá chiến lược làm còn chậm, gây ảnh hưởng đến kết quả chung. Một số ý kiến của các nhà kinh tế cho rằng, việc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế đến nay mới thực hiện bước đầu, còn nhiều bất cập vì thiếu gắn kết và có bước đột phá về tư duy phát triển.

Đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế tuy đã có, nhưng vẫn còn còn chưa gắn kết các ngành, các địa phương, các lĩnh vực nên chưa thực sự định hướng được cho việc tái cấu trúc các ngành, nhất là chưa phát huy được thế mạnh trong các vùng và các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới ở nước ta, qua đó đón bắt cơ hội của các cam kết quốc tế về tự do hóa thương mại. Điều này đang làm cho lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn đang gặp khó khăn.

Trên cơ sở nhìn nhận như vậy, bản báo cáo của Thủ tướng đã nêu rõ các quan điểm và định hướng tái cơ cấu kinh tế một cách toàn diện, không chỉ đi vào ba lĩnh vực quan trọng nhất, mà còn nêu rõ cả trong các ngành và lĩnh vực của nền kinh tế.

Kiên định và năng động hướng tới tương lai

Người đứng đầu Chính phủ đã vạch rõ và khá kỹ con đường và các giải pháp cụ thể, kiên trì và năng động hướng tới tương lai, khi mà cả châu Á phải đối mặt với hai thách thức của việc duy trì ổn định tài chính và duy trì tăng trưởng. Những biến động gần đây trên thị trường tài chính nhấn mạnh sự cần thiết phải cải cách cơ cấu để duy trì tăng trưởng; thực hiện các tiến bộ trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; đa dạng hóa công nghiệp và chuyển đổi nông nghiệp để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu, đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện giảm nghèo bền vững…

Như mọi cử tri, chúng tôi bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và Dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, 2015. Trong đó, vấn đề kiềm chế lạm phát, kiểm soát giá cả, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội được đặt lên hàng đầu, đồng thời kiên trì thực hiện một cách đồng bộ hơn việc tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Vì thế, trong khi đồng tình với việc điều chỉnh một số chỉ tiêu về chi ngân sách5 khi nguồn thu gặp khó khăn, cử tri chúng tôi mong muốn việc chi tiêu công, đầu tư công cần được công khai, minh bạch và kiểm soát chặt chẽ, tránh tham nhũng, lãng phí.

Liên quan đến các lĩnh vực cải cách thể chế sau Hiến pháp, người dân mong muốn có những đột phá mạnh mẽ trong việc tạo môi trường kinh doanh của người dân trong điều kiện hội nhập, khi chỉ trong vòng 2-3 năm tới Việt Nam sẽ tham gia nhiều khu vực mậu dịch tự do (TPP, RCEP) hay liên kết kinh tế mới (Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột),...

Tóm lại, với những nỗ lực trong việc thực hiện một bước tái cơ cấu nền kinh tế, giảm tồn kho, xử lý nợ xấu, cải cách doanh nghiệp nhà nước, lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, lựa chọn đầu tư hiệu quả cao, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội … Tất cả những thành tựu đó, cùng với quyết tâm của Chính phủ, cử tri chúng tôi tin tưởng vào bước phát triển cao hơn, hiệu qủa và sức cạnh tranh lớn hơn của kinh tế đất nước trong những năm tới.

1. Ban Chấp hành Trung ương trong kỳ họp 8 mới đây đã ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong 3 năm qua, đã kịp thời điều chỉnh và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, biện pháp đưa kinh tế đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả tích cực, đúng hướng trên các lĩnh vực.

2. Theo ADB, 10/2013: Tăng trưởng trong việc phát triển Châu Á được dự báo sẽ giảm nhẹ xuống còn 6,0% trong năm nay từ 6,1% trong năm 2012, trước khi chạm lên đến 6,2% trong năm 2014; ở Trung Quốc, tăng trưởng dự kiến trung bình lên đến 7,6% trong năm 2013 từ 7,7% năm ngoái; tăng trưởng của Ấn Độ được dự báo sẽ giảm xuống 4,7% trong năm 2013 (kết thúc vào ngày 31/3/2014) từ 5,0% trong năm 2012.

3. Theo thông lệ so sánh xuất nhập khẩu hàng hóa cùng tính theo giá FOB thì tỷ lệ xuất siêu hàng hóa còn lớn hơn, bằng khoảng 10% giá trị xuất khẩu.

4. Trong chuỗi giá trị của hạt gạo, người nông dân thu được lợi ích thấp hơn nhiều so với các tác nhân khác. Báo cáo của nhóm nghiên cứu Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn gần đây cho thấy lợi nhuận so sánh giữa người trồng lúa (khâu sản xuất) nhận được so với tổng lợi nhuận từ sản xuất và kinh doanh gạo (khâu phân phối) đã giảm mạnh. Báo cáo dẫn chứng: Năm 2006, khi giá gạo ở mức rất thấp, người nông dân có thể thu được 70% tổng lợi nhuận từ sản xuất và kinh doanh lúa gạo, trong khi năm 2008, giai đoạn giá gạo ở mức cao, người trồng lúa chỉ thu được 23%, và năm 2010, chỉ đạt 10%.

Một dẫn chiếu khác: “Năm 2011, trong vụ lúa bội thu nhất (vụ đông xuân), người trồng lúa thu được lợi nhuận ở mức 30%, hai vụ mùa còn lại khoảng 20%. Do vậy, với diện tích đất lúa bình quân là 3,3ha/hộ, thu nhập hàng năm từ trồng lúa chỉ đạt 27 triệu, tương đương với 550.000 đồng/người/tháng. Trong khi thương lái, với mức giao dịch trung bình là 500 tấn lúa trong năm 2011, thu lợi khoảng 300 triệu, gấp 10 lần so với thu nhập bình quân của hộ trồng lúa”.

5. Thủ tướng đề nghị Quốc hội xem xét chấp thuận mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2013 - 2014 là 5,3% GDP, từ năm 2015 sẽ điều chỉnh giảm dần. Đồng thời phát hành thêm trái phiếu Chính phủ trong trần nợ công cho phép (65% GDP). Chính phủ cũng cho biết sẽ sử dụng cổ tức từ các doanh nghiệp có phần nhà nước chưa giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để bổ sung vốn đầu tư cơ sở hạ tầng trong 2 năm 2013 - 2014.