Kim ngạch thương mại Việt Nam - EU đạt trên 30 tỷ USD

Theo ven.vn

(Tài chính) Năm 2013, dù kinh tế khu vực Liên minh châu Âu (EU) chưa phục hồi nhưng kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam – EU vẫn đạt trên 30 tỷ USD. Các doanh nghiệp (DN) đang đứng trước cơ hội lớn gia tăng xuất khẩu vì kinh tế khu vực này đang trên đà tăng trưởng trở lại sau suy thoái. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Bá Phú - Tham tán Công sứ - Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU xung quanh vấn đề này.

Kim ngạch thương mại Việt Nam - EU đạt trên 30 tỷ USD - Ảnh 1
Ông Vũ Bá Phú
P
hóng viên: Ông đánh giá như thế nào về tình hình thương mại Việt Nam – EU trong năm 2013?
Ông Vũ Bá Phú: Dự kiến, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2013 giữa Việt Nam và EU sẽ đạt trên 30 tỷ USD và Việt Nam đang xuất siêu sang thị trường này. EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với một loạt những mặt hàng quan trọng như dệt may, da giày, thủy sản, cà phê, hạt tiêu, hạt điều….
Cũng phải nói rằng năm 2013 là năm rất khó khăn cho DN Việt Nam bởi thị trường EU chưa hoàn toàn hồi phục. Tuy nhiên, DN đã rất nỗ lực trong việc đưa sản phẩm vào thị trường này. Nhiều mặt hàng truyền thống như dệt may, da giày vẫn giữ được kim ngạch và đà tăng trưởng xuất khẩu, còn điện thoại, điện máy có sự tăng trưởng mạnh, lên đến trên 50%.
Riêng với thị trường Bỉ, nơi tôi làm Tham tán công sứ thì vẫn giữ được quan hệ thương mại và kim ngạch xuất khẩu rất tốt. Năm 2013, xuất khẩu từ Việt Nam sang Bỉ vẫn giữ được kim ngạch khoảng 1,3 tỷ USD, tăng trưởng 18%, cao hơn tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước. Đây là điều rất quan trọng vì mặc dù Bỉ chỉ là thị trường nhỏ với 10 triệu dân nhưng lại mang tính quốc tế rất cao.

Có đến hơn 200 cơ quan đại diện, đại sứ quán, tổ chức quốc tế và hơn hơn 200.000 cán bộ ngoại giao đang ở Bỉ. Chính vì đặc điểm này nên nhiều DN muốn thâm nhập vào EU thì thường lấy Bỉ làm thị trường thử nghiệm. Mặt hàng nào đã thành công ở Bỉ thì chắc chắn sẽ thành công tại thị trường EU. Do đó, việc Việt Nam giữ được đà xuất khẩu vào Bỉ là điều hết sức đáng mừng.
Với diễn biến thị trường như vậy, ông đánh giá như thế nào về triển vọng kinh tế Việt Nam – EU trong năm 2014?
Có một thông tin tích cực là từ năm 2013, các quốc gia trong khối EU đã bước đầu vượt qua cơn khủng hoảng kinh tế, dần dần ổn định, có tăng trưởng, giải quyết được việc làm và tình trạng thất nghiệp. Do đó, hy vọng rằng, đến năm 2014, nhờ có sự tăng trưởng trở lại, nhu cầu của thị trường này sẽ khôi phục và xuất khẩu từ Việt Nam sẽ tăng lên.

Để tận dụng cơ hội, tôi cho rằng, các DN hãy thay đổi từ việc cạnh tranh về giá sang cạnh tranh về năng suất, chất lượng và hiệu quả. Vì thị trường EU dù là thị trường chấp nhận giá nhập khẩu cao nhưng cũng đòi hỏi sản phẩm có chất lượng ổn định, có cơ chế hậu mãi tốt.
Riêng với Bỉ, đây được đánh giá là 1 trong 5 quốc gia có chính sách ưu đãi và thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu thế giới với mức ưu đãi lên đến 20 – 40% tổng dự án đầu tư. Do đó, DN hãy nghĩ đến việc đem tiền ra đầu tư các cơ sở sản xuất ngay tại Bỉ để có thể hoàn thành khâu cuối của sản phẩm. Điều này rất quan trọng ở chỗ ta vừa có thể tận dụng Bỉ như là thị trường thử nghiệm dành cho các sản phẩm mới vào EU, vừa có thể tận dụng ưu đãi từ Bỉ để giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đặc biệt, nếu đầu tư tại Bỉ để hoàn thiện khâu cuối sản phẩm, các sản phẩm của ta sẽ mang nhãn mác hàng được sản xuất tại Bỉ hay EU, từ đó sẽ dễ hơn nhiều cho việc thâm nhập vào 2 thị trường này vì nhãn mác đó vừa làm gia tăng giá trị sản phẩm, vừa giúp các dòng sản phẩm như thực phẩm, thủy sản, nông sản tránh được việc phải đối mặt với các rào cản về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Về phía các mặt hàng xuất khẩu, DN nên chú ý hơn đến các sản phẩm thức ăn nhanh như mỳ gói hoặc gia vị như dầu hào, nước mắm, nước tương… vì đây là sản phẩm phù hợp với nhịp sống công nghiệp và nhu cầu của quốc gia này. Hiện nay, dù mới chỉ có vài sản phẩm tại Bỉ nhưng mỳ gói Việt Nam xuất khẩu sang Bỉ đang có tốc độ tăng trưởng khá và đây cũng là sản phẩm hứa hẹn trong thời gian tới.
Ngoài ra, do tập quán của thị trường EU và Bỉ, DN hãy cố gắng bố trí thời gian và nguồn lực để tham dự các Hội chợ tại đây trong ít nhất 3 năm liền. Có như vậy thì người tiêu dùng tại các quốc gia này mới nhớ được tên mặt hàng cũng như tên DN.
Thưa ông, Hiệp định FTA giữa Việt Nam và EU sắp được ký kết. Vậy Hiệp định này sẽ mang lại những cơ hội và thách thức như thế nào cho DN cả hai bên, thưa ông?
Phải nói rằng Hiệp định đã tạo ra sự hưng phấn và kỳ vọng với DN cả 2 phía. DN EU mong Hiệp định sớm được đàm phán để họ xuất khẩu hàng vào Việt Nam với mức thuế ưu đãi hơn hoặc nhập khẩu từ Việt Nam với mức thuế tốt hơn, giá tốt hơn, mang lại nhiều thuận lợi hơn cho người tiêu dùng.

Về phía DN Việt Nam, khi FTA có hiệu lực, cơ hội cho Việt Nam thứ nhất là giảm thuế, thứ 2 là tăng sự minh bạch, thứ 3 là rào cản sẽ giảm đi rất nhiều. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội cho người tiêu dùng Việt được sử dụng hàng chất lượng cao từ EU với giá cả phải chăng.
Xin cảm ơn ông!