Kinh nghiệm quốc tế về mô hình tăng trưởng: Khái niệm và mô hình

Theo Đạt Quốc/daibieunhandan.vn

Tăng trưởng kinh tế là phạm trù phản ánh quy mô tăng hay giảm của nền kinh tế ở năm này so với năm trước đó hoặc của thời kỳ này so với thời kỳ trước đó. Tăng trưởng kinh tế có thể biểu hiện bằng quy mô và tốc độ. Quy mô tăng trưởng phản ánh sự tăng lên hay giảm đi nhiều hay ít, còn tốc độ tăng trưởng phản ánh sự tăng nhanh hay chậm của nền kinh tế giữa các năm hay các thời kỳ. Để đo lường tăng trưởng kinh tế, người ta thường dùng hai chỉ số chủ yếu: Phần tăng, giảm quy mô của nền kinh tế, hoặc tốc độ tăng trưởng kinh tế (tính theo GDP).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mô hình tăng trưởng kinh tế là cách thức tổ chức huy động và sử dụng các nguồn lực để bảo đảm có sự tăng trưởng về kinh tế qua các năm, với tốc độ hợp lý. “Cách thức” ở đây rất đa dạng, bao gồm cả đầu vào (gia công, sản xuất, chế biến hay dịch vụ là chủ yếu); đầu ra (hướng nội hay hướng ngoại là chủ yếu); phát triển các vùng, miền, loại hình doanh nghiệp, tập đoàn; sự phối hợp giữa Nhà nước và thị trường trên từng lĩnh vực...

Lựa chọn theo cách nào, áp dụng mô hình nào là tùy thuộc điều kiện, đặc điểm, tình hình cụ thể ở mỗi nước trong mối quan hệ với thế giới đương đại và được quyết định bởi ý chí chủ quan của lãnh đạo mỗi nước.

Mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng có đặc trưng cơ bản là tăng khối lượng sản xuất nhờ vào tăng trưởng vốn, lao động và tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, là con đường đơn giản nhất để mở rộng sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập... Tuy nhiên, cũng có nhiều hạn chế: Nền kinh tế trì trệ, năng suất lao động thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm.

Mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu có đặc trưng cơ bản là dựa vào khoa học và công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu quả, chất lượng của tăng trưởng, như: Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng năng suất lao động, nâng cao sự đóng góp của nhân tố năng suất tổng hợp (TFP), hướng hoạt động của nền kinh tế vào các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng, giảm chi phí sản xuất, chủ động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa có dung lượng công nghệ cao, trên cơ sở khai thác triệt để các lợi thế của đất nước, thực hiện đồng bộ hóa quá trình khai thác và chế biến sản phẩm.

Tăng trưởng theo chiều sâu không chỉ nâng cao chất lượng, hiệu quả nền kinh tế, mà còn gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện phúc lợi xã hội...