Kinh tế 6 tháng đầu năm đã có những tín hiệu tích cực

Theo daibieunhandan.vn

Nhìn lại 6 tháng qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, các cấp, các ngành trong cả nước đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp theo Nghị quyết của Chính phủ một cách hiệu quả. Qua đó, kinh tế vĩ mô bước đầu đạt được những kết quả tích cực, đúng hướng, chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức hợp lý, lạm phát tiếp tục được kiềm chế, giá cả, thị trường khá ổn định…

Kinh tế 6 tháng đầu năm đã có những tín hiệu tích cực
Kinh tế vĩ mô bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Nguồn: doanhnhansaigon.vn

Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trong nước GDP ước tính tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Để đạt được kết quả này có sự đóng góp không nhỏ mức tăng trưởng của hầu hết các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế, cụ thể tăng trưởng GDP quý I tăng 4,76%, quý II tăng 5%.

An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm, đời sống của người dân, đặc biệt là người nghèo, người dân tộc thiểu số, người mất việc làm, hộ gia đình bị thu hồi đất sản xuất được quan tâm, các chính sách hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội, nhà thương mại đối với người có thu nhập thấp được quan tâm triển khai.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn rằng liệu cả năm có đạt được mức tăng trưởng GDP mà Quốc hội đề ra là 5,5% hay không khi nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng qua tăng 6,73% so với bình quân cùng kỳ năm ngoái, cơ bản đạt được theo mục tiêu, vậy vấn đề đặt ra là đã đến thời điểm để kích tăng trưởng lên chưa và dựa theo nguồn nào để tăng trưởng.

Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia Hà Quang Tuyến cho biết, để đạt mức tăng trưởng như Quốc hội đề ra là 5,6% thì 6 tháng cuối năm GDP phải đạt xấp xỉ 6%. Vấn đề nền kinh tế còn nhiều khó khăn, tổng cầu của nền kinh tế đang giảm sút thì 6 tháng cuối năm cần có giải pháp đột phá.

Theo các chuyên gia kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 chỉ tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước là thấp nhất trong vòng 20 năm gần đây. Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô vẫn chưa thực sự vững chắc, lạm phát tuy được kiềm chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao trở lại, lãi suất tuy giảm nhưng việc tiếp cận vốn vay còn nhiều trở ngại do khó khăn trong việc xử lý nợ xấu; dư nợ tín dụng tăng chậm. Thị trường và sức mua có chuyển biến nhưng chậm sẽ là áp lực cho việc kiểm soát lạm phát.

Vụ trưởng Vụ Thống kê giá Nguyễn Đức Thắng cho rằng, lạm phát trong nước rất nhạy cảm với điều kiện kinh tế tạm thời, nên tình trạng lạm phát cao dễ dàng quay trở lại vì vậy vẫn phải tiếp tục tập trung kiểm soát lạm phát, kể cả khi lạm phát xuống thấp. Trong năm nay, có thể lạm phát thấp, nhưng nếu chúng ta giải ngân quá nhiều thì sẽ ảnh hưởng đến lạm phát năm tới.

Một tín hiệu đáng mừng là, chỉ số sản xuất công nghiệp đã tăng dần qua từng tháng và trong 6 tháng qua, chỉ số này ước tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, hàng tồn kho ngành công nghiệp chế biến có xu hướng giảm kể từ đầu năm, tại thời điểm 1.6.2013 tăng 9,7%, so với cùng thời điểm năm trước giảm hơn nhiều vì thực tế mức tăng tồn kho của 6 tháng đầu năm 2013 là 26%.

Cùng với đó, xuất khẩu cũng trên đà tăng và chủ yếu do khu vực công nghiệp mang lại, nhập siêu đang ở trạng thái được cải thiện hơn, từ chỗ chỉ xuất siêu 3 tháng đầu năm thì đến tháng 4, tháng 5, nhập siêu đã quay trở lại… Đây là những dấu hiệu để hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, nền kinh tế đang trên đà hồi phục.

Bên cạnh những thế mạnh về phát triển công nghiệp, dịch vụ, Việt Nam vẫn đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, thu hút đầu tư nước ngoài tốt sẽ là giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2013 có thể là đáy để bước sang năm 2014 nền kinh tế có thể phục hồi, mô hình tăng trưởng phục hồi đang đi theo hình chữ U, do đó mức tăng trưởng GDP 5,5% đặt ra là khó khăn và phải rất cần sự nỗ lực của các bộ, ngành mới có thể đạt được.