Kinh tế 9 tháng đầu năm 2018 tiếp tục chuyển biến tích cực

Theo Thanh Tú/tapchicongsan.org.vn

Trong 9 tháng đầu năm, tình hình kinh tế nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2018 ước tính tăng 6,88% so với cùng kỳ năm trước, tuy thấp hơn mức tăng 7,45% của quý I nhưng cao hơn mức tăng 6,73% của quý II, cho thấy nền kinh tế vẫn giữ được đà tăng trưởng. Tính chung 9 tháng năm 2018, GDP ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011 trở về đây. Tốc độ tăng trưởng khẳng định tính hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, của nhân dân.

Trong 9 tháng đầu năm, tình hình kinh tế nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực. Nguồn: Internet
Trong 9 tháng đầu năm, tình hình kinh tế nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực. Nguồn: Internet

Tăng trưởng GDP

Trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,65%, đóng góp 8,8% vào mức tăng trưởng chung; Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,89%, đóng góp 48,7%; Khu vực dịch vụ tăng 6,89%, đóng góp 42,5%.

Mức tăng trưởng 9 tháng năm nay của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cao nhất trong giai đoạn 2012-2018, trong đó ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 2,78%; Ngành thủy sản đạt kết quả khá tốt với mức tăng 6,37%,...

Công nghiệp duy trì mức tăng trưởng khá với 9 tháng tăng 8,98%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng của khu vực này và là động lực chính của tăng trưởng kinh tế với mức tăng cao 12,65%, tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2017 nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng 9 tháng các năm 2012-2016...

Khu vực dịch vụ 9 tháng năm 2018 tăng trưởng 6,89%, tuy thấp hơn mức tăng 7,21% của 9 tháng năm trước nhưng cao hơn so với cùng kỳ giai đoạn 2012-2016…

Về cơ cấu nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,93% GDP; Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,49%; Khu vực dịch vụ chiếm 42,54%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,04% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2017 là: 14,67%; 32,50%; 42,65%; 10,18%).

Từ góc độ sử dụng GDP 9 tháng năm 2018, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,09% so với cùng kỳ năm 2017; Tích lũy tài sản tăng 7,71%; Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,52%; Nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,22%.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông nghiệp 9 tháng năm 2018 phát triển ổn định và có mức tăng trưởng khá. Chăn nuôi trâu, bò và gia cầm nhìn chung phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 9 tháng ước tính đạt 66,4 nghìn tấn, tăng 0,9% (quý III đạt 17,7 nghìn tấn, tăng 0,6%); Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 253,2 nghìn tấn, tăng 2,6% (quý III đạt 67,8 nghìn tấn, tăng 2,2%); Sản lượng thịt lợn hơi đạt 2,7 triệu tấn, giảm 0,3% (quý III đạt 834,2 nghìn tấn, tăng 2,8%); Sản lượng thịt gia cầm đạt 817,6 nghìn tấn, tăng 5,8% (quý III đạt 209,2 nghìn tấn, tăng 5%); Trứng gia cầm đạt 8,4 tỷ quả, tăng 10,8% (quý III đạt 2,1 tỷ quả tăng 9,5%).

Trong quý III/2018, diện tích rừng trồng tập trung của cả nước ước tính đạt 59,6 nghìn ha, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước; Sản lượng gỗ khai thác đạt 3.609 nghìn m3, tăng 11,6%; sản lượng củi khai thác đạt 5,7 triệu ste, giảm 1,2%. Diện tích rừng bị thiệt hại quý III là 318,1 ha, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 161,2 nghìn ha, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích rừng bị thiệt hại là 873,1 ha, giảm 22,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 333,1 ha, giảm 18,7%; Diện tích rừng bị chặt, phá là 540 ha, giảm 24,2%.

Tổng sản lượng thủy sản 9 tháng năm nay ước tính đạt 5.501,2 nghìn tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước (quý III đạt 1.939 nghìn tấn, tăng 6,2%), trong đó cá đạt 3.943,4 nghìn tấn, tăng 6,1%; tôm đạt 668,5 nghìn tấn, tăng 7,3%; thủy sản khác đạt 889,3 nghìn tấn, tăng 4,1%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng 9 tháng ước tính đạt 2.922,7 nghìn tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước (quý III đạt1.129,2 nghìn tấn, tăng 6,7%). Sản lượng thủy sản khai thác 9 tháng ước tính đạt 2.578,5 nghìn tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước (quý III đạt 809,8 nghìn tấn, tăng 5,5%).

Sản xuất công nghiệp

Trong 9 tháng năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 12,7%; Quý II tăng 8,2%; Quý III tăng 10,7%), đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012 trở lại đây. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn ngành với mức tăng 12,9% (quý I tăng 15,7%; quý II tăng 9,6%; quý III tăng 13,2%).

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành chế biến, chế tạo 9 tháng tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2017 tăng 12%). Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30-9-2018 tăng 13,8% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2017 tăng 8,8%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng năm 2018 là 63,8% (cùng kỳ năm trước là 65,6%).

Hoạt động của doanh nghiệp

Tính chung 9 tháng, cả nước có 96.611 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 963,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% về số doanh nghiệp và tăng 6,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10 tỷ đồng, tăng 3,8%. Có 22.897 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng năm nay lên hơn 119,5 nghìn doanh nghiệp.

Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 9 tháng năm 2018 là 73.103 doanh nghiệp, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 9 tháng năm 2018 là 11.536 doanh nghiệp, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 10.591 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,8% và tăng 32%.

Hoạt động dịch vụ

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng ước tính đạt 3.235,1 nghìn tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,8% (cùng kỳ năm 2017 tăng 8,76%), trong đó quý III-2018 đạt 1.110,7 nghìn tỷ đồng, tăng 3,6% so với quý trước và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.

Vận tải hành khách 9 tháng đạt 3.446,1 triệu lượt khách, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước và 153,5 tỷ lượt khách/km, tăng 10,6%; Vận tải hàng hóa đạt 1.211,2 triệu tấn, tăng 9,9% và 225,9 tỷ tấn/km, tăng 7,5%. Trong đó, quý III/2018, vận tải hành khách đạt 1.183,7 triệu lượt khách, tăng 11,6% so với quý III năm trước và 53,4 tỷ lượt khách/km, tăng 10,5%; Vận tải hàng hóa đạt 415 triệu tấn, tăng 11% và 78 tỷ tấn/km, tăng 9,2%, là quý có mức tăng cao nhất kể từ đầu năm nay.

Doanh thu hoạt động viễn thông quý III/2018 ước tính đạt 96,4 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước; Tính chung 9 tháng đạt 284,7 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9%.

Khách quốc tế đến nước ta trong quý III/2018 đạt 3.725 nghìn lượt người, tăng 14,9% so cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng của quý I (30,9%) và quý II (23,1%). Tính chung 9 tháng, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 11.616,5 nghìn lượt người, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước.

Đầu tư phát triển

Trong 9 tháng năm 2018, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước tính đạt 1.253,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước (quý III 507,6 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5%), bằng 34% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 420,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,6% tổng vốn và tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; Khu vực ngoài Nhà nước đạt 533,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 42,5% và tăng 17,7%; Khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 299,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,9% và tăng 8,4%.

Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện 9 tháng ước tính đạt 214,5 nghìn tỷ đồng, bằng 63,2% kế hoạch năm và tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2017 bằng 62,4% và tăng 6,6%), gồm có: Vốn trung ương quản lý đạt 39,8 nghìn tỷ đồng, bằng 60,4% kế hoạch năm và giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước; vốn địa phương quản lý đạt 174,7 nghìn tỷ đồng, bằng 63,9% kế hoạch năm và tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước.

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20-9-2018 thu hút 2.182 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 14.124,5 triệu USD, tăng 18,3% về số dự án và giảm 3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, có 841 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 5.544,2 triệu USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 9 tháng đạt 19.668,7 triệu USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 9 tháng năm nay ước tính đạt 13,25 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 9 tháng năm 2018 còn có 5.275 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 5,7 tỷ USD, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có 788 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 1,84 tỷ USD và 5.087 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 3,86 tỷ USD.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 9 tháng năm nay có 99 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 286 triệu USD; 23 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 44,9 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 9 tháng năm 2018 đạt 330,9 triệu USD, trong đó lĩnh vực tài chính, ngân hàng đạt 105,8 triệu USD, chiếm 32% tổng vốn đầu tư; Lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 63,8 triệu USD, chiếm 19,3%; Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 45,9 triệu USD, chiếm 13,9%. Trong 9 tháng có 30 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó dẫn đầu là Lào với 95,2 triệu USD, chiếm 28,8% tổng vốn đầu tư; Italia 46,8 triệu USD, chiếm 14,1%; Slovakia 35,9 triệu USD, chiếm 10,9%.

Xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng năm 2018 ước tính đạt 178,91 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2017 (quý III đạt 64,73 tỷ USD, tăng 13,9%), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 51,07 tỷ USD, tăng 17,5%; Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 127,84 tỷ USD (chiếm 71,5% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng 14,6%. Loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong 9 tháng có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 90,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó có 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 58,2%. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Điện thoại và linh kiện đạt 36,1 tỷ USD, tăng 14,6%; Hàng dệt may đạt 22,6 tỷ USD, tăng 17,1%; Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 21,6 tỷ USD, tăng 16,7%; Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 12,1 tỷ USD, tăng 28,7%; Giày dép đạt 11,8 tỷ USD, tăng 10,5%; Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,3 tỷ USD, tăng 13,9%; Phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 5,9 tỷ USD, tăng 15,8%.

Nhìn chung, tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực chủ yếu vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó: Điện thoại và linh kiện chiếm 99,7%; Điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 95,6%; Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng 89,4%; Hàng dệt may 60,1%. Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản, thủy sản trong 9 tháng cũng tăng khá: Thủy sản đạt 6,4 tỷ USD, tăng 6,9%; Rau quả đạt 3 tỷ USD, tăng 15,2%; Gạo đạt 2,5 tỷ USD, tăng 22,1% (lượng tăng 7,6%). Một số mặt hàng nông sản tuy lượng xuất khẩu tăng nhưng do giá xuất khẩu bình quân giảm nên kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm trước: Cà phê đạt 2,8 tỷ USD, giảm 0,02% (lượng tăng 19,6%); Hạt điều đạt 2,5 tỷ USD, giảm 0,7% (lượng tăng 5,8%); Cao su đạt 1,4 tỷ USD, giảm 11,4% (lượng tăng 9,1%); Hạt tiêu đạt 636 triệu USD, giảm 34,1% (lượng tăng 7,1%). Riêng dầu thô tính chung 9 tháng tiếp tục giảm mạnh về cả lượng và kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước mặc dù giá xuất khẩu bình quân tăng 37,5%: Kim ngạch xuất khẩu dầu thô đạt 1,7 tỷ USD, giảm 24,6% (lượng giảm 45,2%).

Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu 9 tháng ước tính đạt 173,52 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước (quý III đạt 62,70 tỷ USD, tăng 16%), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 69,34 tỷ USD, tăng 11,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 104,18 tỷ USD, tăng 11,9%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 9 tháng tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong 9 tháng năm nay có 30 mặt hàng ước tính kim ngạch nhập khẩu đạt trên 1 tỷ USD, chiếm 87,5% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó có 3 mặt hàng trên 10 tỷ USD, chiếm 38,5% tổng kim ngạch nhập khẩu. Một số mặt hàng có giá trị kim ngạch nhập khẩu 9 tháng cao: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 31,1 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước; Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 24,6 tỷ USD, giảm 3,5%; điện thoại và linh kiện đạt 11,1 tỷ USD, tăng 2%; Vải đạt 9,4 tỷ USD, tăng 13,5%; Sắt thép đạt 7,6 tỷ USD, tăng 12,2%; Chất dẻo đạt 6,6 tỷ USD, tăng 18,4%; xăng dầu đạt 6,2 tỷ USD, tăng 23,9%; Kim loại thường đạt 5,7 tỷ USD, tăng 32,4%; Nguyên phụ liệu dệt may, giày dép đạt 4,3 tỷ USD, tăng 4,2%; Hóa chất đạt 3,8 tỷ USD, tăng 26,5%.

Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2018 tiếp tục xuất siêu 5,39 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 18,26 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 23,65 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ 9 tháng năm 2018 ước tính đạt 11,1 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2017 (quý III đạt 3,6 tỷ USD, tăng 8,8%), trong đó dịch vụ du lịch đạt 7,6 tỷ USD (chiếm 68,3% tổng kim ngạch), tăng 15%; dịch vụ vận tải đạt 2,2 tỷ USD (chiếm 19,4%), tăng 16%. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ 9 tháng ước tính đạt 13,8 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước (quý III đạt 4,9 tỷ USD, tăng 10,1%), trong đó dịch vụ vận tải đạt 6,5 tỷ USD (chiếm 47,3% tổng kim ngạch), tăng 8,9%; dịch vụ du lịch đạt 4,4 tỷ USD (chiếm 31,6%), tăng 11,5%. Nhập siêu dịch vụ trong 9 tháng là 2,7 tỷ USD, bằng 24,2% kim ngạch xuất khẩu dịch vụ.