Kinh tế đối ngoại góp phần khẳng định vị thế Việt Nam

Theo Chinhphu.vn

Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã được đánh giá cao và đây là một trong những kết quả nổi bật của năm 2010. Kinh tế đối ngoại - vừa là một bộ phận hữu cơ, vừa là kết quả, vừa có tác động hỗ trợ cho hoạt động đối ngoại, tạo nên bước chuyển biến vị thế đối ngoại của đất nước- đã đạt được nhiều sự vượt trội.

Với các thông tin chính thức mới nhất (của tháng 12/2010 được đề cập trong tháng 1/2011) có thể nhận diện rõ hơn các điểm vượt trội này.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá năm 2010 đạt trên 72 tỷ USD, tăng 26,2% so với năm trước. Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ đạt xấp xỉ 7,5 tỷ USD, tăng 29,4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ đạt xấp xỉ 79,5 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay.

Như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ năm 2010 cao gấp 30,6 lần năm 1990 (xấp xỉ 18,7%/năm); cao gấp gần 10,5 lần năm 1995 (tăng 17%/năm); cao gấp trên 4,6 lần năm 2000 (tăng 16,5%/năm); cao gấp 2,2 lần năm 2005 (tăng 17,1%/năm); tăng 26,6% so với năm 2009.

Trong 18 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, có 10 nhóm mặt hàng đạt từ 2 tỷ USD trở lên, có 8 nhóm mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD, có 4 nhóm mặt hàng đạt từ 4 tỷ USD trở lên, có 3 nhóm mặt hàng đạt từ 5 tỷ USD trở lên (dệt may, giày dép, thuỷ sản, trong đó dệt may đạt trên 11,2 tỷ USD). Tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ so với GDP năm 2010 cũng đạt mức cao nhất từ trước tới nay.

 

Kinh tế đối ngoại góp phần khẳng định vị thế Việt Nam - Ảnh 1

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ qua một số năm (nguồn: Tổng cục Thống kê)


Tỷ lệ trên của Việt Nam cao thứ 3 trong khu vực (sau Singapore, Malaysia), cao thứ 4 ở châu Á (thêm Hongkong) và cao thứ 5 trên thế giới (thêm Bỉ)- chứng tỏ độ mở của nền kinh tế Việt Nam là khá rộng.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ bình quân đầu người năm 2010 đạt 915 USD, tuy còn thấp hơn mức trung bình của khu vực, châu Á và thế giới, nhưng đã cao hơn nhiều so với các năm trước đây. Năm 2010 đạt mức cao nhất từ trước tới nay, cao gấp trên 23,3 lần năm 199; gấp gần 8,7 lần năm 1995; gấp trên 4,1 lần năm 2000; gấp gần 2,1 lần năm 2005 và tăng 25,1% so với năm 2009.

Với các điểm vượt trội trên, xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ là định hướng, là lối ra và là động lực của tăng trưởng kinh tế, góp phần làm cho tăng trưởng kinh tế tương đối cao, tăng liên tục, tăng trong thời gian dài như vừa qua; đạt được tốc độ tăng cao ngay cả khi thế giới chưa hoàn toàn phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu là nỗ lực của Việt Nam nhằm đón đầu cơ hội phục hồi của thị trường thế giới.

 

Kinh tế đối ngoại góp phần khẳng định vị thế Việt Nam - Ảnh 2

Xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ bình quân đầu người

Mục tiêu xuất khẩu hàng hoá đề ra cho năm 2011 là tăng 10%. Tháng 1 đã tăng 18,1%, trong đó có một số mặt hàng kim ngạch tăng cao hơn (như cao su, xăng dầu, sắt thép, hạt điều, cà phê, sắn và sản phẩm sắn, dệt may, điện tử, máy tính, dây điện và cáp điện, phương tiện vận tải và phụ tùng,…), với giá xuất khẩu tính bằng USD của hầu hết các mặt hàng cao hơn cùng kỳ năm trước (trong đó có loại tăng rất cao, như cao su, hạt tiêu, hạt điều, cà phê, than đá, sắn và sản phẩm sắn, dầu thô, xăng dầu,…). Đồng thời, với sự hỗ trợ của đợt tăng tỷ giá mới đây- đó sẽ là những tín hiệu khả quan để cả năm xuất khẩu có thể vượt mục tiêu đề ra và tiếp tục đạt kỷ lục mới.

Nhập siêu đã giảm so với năm trước và thấp hơn kế hoạch cả về kim ngạch tuyệt đối, cả về tỷ lệ nhập siêu.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2010, số đăng ký đạt 18,6 tỷ USD, tuy thấp hơn năm trước, nhưng số thực hiện đạt 11 tỷ USD, tăng 1 tỷ USD, cao thứ hai từ trước tới nay (sau mức 11,5 tỷ USD của năm 2008).

Tính đến cuối năm 2010, cả nước có 12,2 nghìn dự án FDI còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký 192,9 tỷ USD. Hiện đã có 63/63 địa phương trên cả nước đều có dự án FDI, trong đó có 25 địa bàn đạt từ 1 tỷ USD trở lên, ngoài các địa bàn thuộc các vùng động lực, quen thuộc, đã xuất hiện nhiều địa bàn đáng lưu ý có số vốn FDI đăng ký cao, như Ninh Thuận, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Phú Yên, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Hưng Yên, Nghệ An, Bình Thuận,…

Nguồn kiều hối (do kiều bào gửi về và do lao động làm việc ở nước ngoài gửi về) tăng khá và đạt mức cao (8,1 tỷ USD) trong năm qua. Khả năng năm nay có thể đạt cao hơn cùng với sự phục hồi của kinh tế thế giới, cùng với việc thực hiện kế hoạch xuất khẩu lao động cao hơn và giá USD tại Việt Nam tăng, lãi suất gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ cao hơn ở nước ngoài.

Lượng ngoại tệ thu được từ khách quốc tế đến Việt Nam năm 2010 đạt kỷ lục mới và tăng khá cao so với các năm trước.

Lượng ngoại tệ năm 2010 thu được tăng cao (45,9%), do lượng khách đến tăng khá (34,8%) và do số tiền chi tiêu bình quân một khách cao hơn (khoảng 881,2 USD/người so với 813,9 USD/người, tăng 8,3%). Năm 2011 có khả năng đạt và tăng cao hơn cùng với đà phục hồi của kinh tế thế giới và tỷ giá VND/USD tăng sớm.