Kinh tế Hà Nội những tháng cuối năm 2012

PV

TCTC online - Năm 2012, kinh tế Thủ đô phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do những bất ổn kéo dài của kinh tế thế giới; lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao; nhu cầu tiêu dùng suy giảm; nhiều DN có lượng hàng tồn kho lớn, khó tiêu thụ sản phẩm... bất chấp những khó khăn đó, kinh tế Hà Nội vẫn tăng trưởng gần 8% trong 9 tháng qua. Nhưng nhiệm vụ những tháng cuối năm cũng còn rất nặng nề.

Trong cuộc họp ngày 17/9 vừa qua, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo và tập thể UBND TP.Hà Nội đã xem xét báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, và xây dựng nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2012.

Kết quả kinh tế tháng 9 và 9 tháng năm 2012 tiếp tục cho thấy, kinh tế Thủ đô có nhiều chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (TP) trong quý III ước đạt 8,5% - cao hơn quý I và quý II (lần lượt là 7,3 và 7,9%), tính chung tăng trưởng 9 tháng đầu năm của TP đạt 7,9%. Trong đó, dịch vụ tăng 8,9%, công nghiệp - xây dựng tăng 8%, nông - lâm - thủy sản giảm 0,6%. Tổng thu ngân sách 9 tháng đầu năm của TP ước đạt 92.275 tỷ đồng, bằng 63,1% dự toán HĐND TP giao.

Còn nhiều nỗi lo:

Tuy đạt được một số chỉ tiêu kể trên, nhưng sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn do lãi suất ngân hàng tuy giảm (xuống 12%/năm) nhưng vẫn ở mức cao, chi phí gia tăng, sức mua giảm, tiêu thụ chậm. Tình trạng tồn kho tăng lên, diễn ra phổ biến đối với ngành sản xuất vật liệu xây dựng, nhất là xi măng và thép. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu giảm và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc tạm dừng một số dự án đầu tư xây dựng và khu đô thị, dự án đầu tư công trên địa bàn, bên cạnh thị trường bất động sản trầm lắng... trong số 21 sản phẩm công nghiệp chủ lực có tới 15 sản phẩm giảm sản lượng, trong đó có những sản phẩm giảm trên 45%. Xuất khẩu quý III có xu hướng chậm lại. Chỉ số giá tiêu dùng sau khi giảm 2 tháng liên tiếp, sang tháng 8 đã tăng trở lại. Số DN đăng ký kinh doanh giảm đáng kể: 9 tháng đầu năm, chỉ bằng bằng 68% số DN và 54% về số vốn so với cùng kỳ năm 2011. Cũng trong 9 tháng đầu năm, toàn TP có 730 DN làm thủ tục giải thể và 1.900 DN làm thủ tục ngừng kinh doanh. Trong khi đó, mặc dù đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, nhưng lượng hàng tồn tại kho của các DN vẫn ở mức cao, có ngành hàng lên tới 30%.

Một thực trạng đáng lo ngại nữa là số vốn đầu tư gồm cả đầu tư nước ngoài và từ nguồn trong nước - đầu vào cho tăng trưởng, tạo việc làm, nguồn thu trên địa bàn Hà Nội đều giảm mạnh (số liệu  6 tháng đầun năm cho thấy, số cấp phép mới và chấp nhận bổ sung vốn đầu tư cho 150 dự án ĐTNN, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 450 triệu USD. Kết quả này giảm 7,4% về số dự án và giảm 49,5% về vốn đầu tư đăng ký so với cùng kỳ). Nguyên nhân chủ yếu gây ra sự suy giảm là do phần lớn nhà đầu tư truyền thống đều đang phải đối phó với tình trạng suy thoái kinh tế hoặc đang trong quá trình thực hiện tái cơ cấu đầu tư và thị trường nội địa cũng như xuất khẩu, như Hàn Quốc, Nhật Bản, EU... Cùng thời gian trên, Hà Nội có thêm 7.790 DN dân doanh đăng ký thành lập, với số vốn 52,4 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 46% về số DN và 44% về vốn so với cùng kỳ năm trước. Phân tích kỹ những số liệu trên cho thấy, sở dĩ cả nguồn vốn trong và ngoài nước đều suy giảm là tác động tiêu cực "kép", đồng thời từ diễn biến kinh tế trong nước và quốc tế, kéo dài từ năm ngoái và đến nay chưa được khắc phục. Từ đó, có dự đoán rằng, tốc độ tăng trưởng GDP của Hà Nội trong tương lai gần, nhất là 1-2 năm tới sẽ bị hạn chế bởi thiếu vốn đầu tư cho tăng trưởng. Nếu không có những biến chuyển mạnh, mang tính đột phá và sự hậu thuẫn nhiều mặt, từ nhiều hướng thì có thể năm nay Hà Nội không đạt chỉ tiêu tăng trưởng hơn 10% như đã đề ra.

Với mức tăng CPI như trên, nhìn chung đời sống của đại bộ phận dân cư không xáo trộn nhiều, nhưng vấn đề đặt ra là làm sao duy trì sản xuất, tránh tình trạng đổ vỡ, ngừng trệ của DN nhằm giữ được việc làm, để người lao động có thu nhập thường xuyên mà tồn tại qua khỏi giai đoạn suy thoái hiện nay.

Quyết tâm phải cao:

Tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội yêu cầu trong 3 tháng cuối năm 2012, các ngành, các cấp TP phải đảm bảo thực hiện cả 3 mục tiêu: duy trì tăng trưởng, giữ chỉ số giá tiêu dùng dưới 2 con số và bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, đối với sản xuất công nghiệp, cần tập trung vào nhóm giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ về thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Bởi xuất khẩu đang đối mặt với khó khăn mới, đó là chính sách bảo vệ hàng hóa nội địa của các nước. Cùng với đó, phải có các biện pháp kỹ thuật, thuế quan để hỗ trợ hàng trong nước; phát huy vai trò cầu nối giữa UBND TP với ngân hàng và DN để tháo gỡ những khó khăn về vốn và lãi suất; tiếp tục có các giải pháp để giải phóng lượng hàng hóa tồn đọng của các DN.

Chủ tịch nhấn mạnh, cần khẩn trương hoàn thành giải ngân vốn đầu tư XDCB và thanh quyết toán đối với các công trình đã hoàn thành; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư đối với hạ tầng giao thông, đô thị và môi trường. Đặc biệt, cần triển khai ngay gói hỗ trợ cho đường giao thông nông thôn, phấn đấu trong quý IV/2012 phải cơ bản hoàn thành cứng hóa đường giao thông nông thôn. Chủ tịch cũng yêu cầu cần có chính sách, giải pháp kích cầu tiêu dùng. Tiếp tục hỗ trợ các DN trong hoạt động bình ổn giá và đưa hàng về các vùng khó khăn. Đồng thời cũng phải có các giải pháp hỗ trợ các DN bán buôn, nhằm mục tiêu Hà Nội là thị trường trung chuyển hàng hóa lớn của cả nước…

Một số giải pháp trước mắt:

Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế Hà Nội trong những tháng cuối năm, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, phải thúc đẩy tăng tổng cầu của nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế chậm và đình trệ sản xuất có nguyên nhân chủ yếu từ phía cầu, do đó cần phải làm tăng tổng cầu, nhất là tăng tổng cầu từ các dự án đầu tư có hiệu quả của các thành phần kinh tế. Cũng cần chú ý giải pháp tăng tổng cầu không đồng nhất với kích cầu tiêu dùng. Để bảo đảm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì không nên thực hiện kích cầu tiêu dùng như năm 2009. Mở rộng các quỹ, các hoạt động cho vay tiêu dùng hợp lý, không nên giới hạn chỉ mua nhà mà có thể cho vay mua những mặt hàng tiêu dùng khác hợp lý.

Bên cạnh đó cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN. Hỗ trợ DN xử lý cả đầu vào và đầu ra. Thực hiện các biện pháp cho gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế GTGT; gia hạn 9 tháng nộp thuế thu nhập DN; giảm 50% tiền thuê đất phải nộp năm 2012 với một số tổ chức và DN. Phát huy mạnh hơn vai trò của các quỹ thuộc TP trong hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN.

Thực hiện cân đối ngân sách năm 2012, nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn ngân sách và trái phiếu chính phủ. Đẩy nhanh tiến độ và giải ngân các dự án đầu tư, tập trung vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm, cụm công trình trọng điểm của TP. Tăng cường giám sát, quản lý nhằm nâng cao chất lượng các công trình, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đã ban hành, tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm đúng chính sách chế độ, đúng đối tượng và kịp thời. Khuyến khích người dân dùng hàng nội địa, sử dụng sản phẩm của nhau trong nội bộ nền kinh tế; xây dựng lộ trình giảm nhập siêu theo thời gian và cho một số lĩnh vực. Phối hợp linh hoạt các giải pháp thắt chặt tín dụng, quản lý thị trường và quản lý giá một số mặt hàng nhạy cảm, tăng cường dự trữ và bán hàng bình ổn giá… ./.

Tham khảo: Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, Hà Nội mới.