Kinh tế quý I: Hơi ấm từ cơn gió Tây

Theo nhipcaudautu.vn

(Tài chính) Nhu cầu cao hơn ở các nước phát triển đang làm ấm dần khu vực chế biến xuất khẩu của Việt Nam, song dường như hơi ấm từ cơn gió Tây lại không hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp nội địa.

 Kinh tế quý I: Hơi ấm từ cơn gió Tây
Hơi ấm từ cơn gió Tây lại không hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp nội địa. Nguồn: internet

Ai hưởng lợi?

Nhu cầu bên ngoài tăng tiếp tục tạo hiệu ứng tích cực lên ngành công nghiệp chế biến chế tạo và xuất khẩu của Việt Nam trong quý I. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) quý I/2014 ước tăng 5,2% so với cùng kỳ, nhỉnh hơn mức 5% của quý I năm ngoái. Đóng góp lớn vào mức tăng này là ngành chế biến chế tạo.

Đáng chú ý là các ngành chế biến chế tạo như dệt, đồ da, trang phục, sản phẩm điện tử, máy tính lại có mức tăng trưởng 2 chữ số trong kim ngạch xuất khẩu. Điểm đến của các nhóm hàng này là Mỹ (5,9 tỉ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2013) và châu Âu (5,9 tỉ USD, tăng 7,5%).

Trong bối cảnh tiêu thụ sản phẩm công nghiệp trong nước tương đối chậm (2 tháng đầu năm chỉ tăng 4,3%) và tồn kho trở lại mức cao (tăng 13,4%), ngành công nghiệp trong nước sẽ còn phải trông chờ từ nhu cầu bên ngoài để duy trì sản xuất.

Thế nhưng, có một thực tế là trong số doanh nghiệp hưởng lợi từ nhu cầu bên ngoài cao hơn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại chiếm đa số. Có thể thấy, trong khi kim ngạch xuất khẩu quý I của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước tăng 17,92%, đạt 20,4 tỉ USD, mức tăng của khu vực kinh tế trong nước chỉ là 2,86%, đạt 10,9 tỉ USD. Rõ ràng, doanh nghiệp trong nước chưa được hưởng lợi nhiều từ việc nhu cầu thế giới tăng lên và vẫn đang vật lộn với khó khăn.

Trong bối cảnh đó, nền kinh tế phải nhập khẩu một lượng lớn tư liệu sản xuất và hàng phụ trợ phục vụ sản xuất công nghiệp (chiếm khoảng 70% kim ngạch nhập khẩu). Nhập khẩu nhiều vẫn là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khiến khoảng cách với doanh nghiệp trong nước nới rộng dần ra. Nhập khẩu của khối ngoại tăng 15,7% đạt 18,6 tỉ USD, chiếm 57,3% so với mức tăng 2,8%, đạt 13,8 tỉ USD và tỉ trọng 42,6% của khối nội.

Như vậy, ngành công nghiệp Việt Nam vẫn đang phụ thuộc vào bên ngoài cả về đầu ra cho sản phẩm lẫn đầu vào cho sản xuất. Doanh nghiệp nội địa có vai trò ngày càng mờ nhạt và việc tăng cường liên kết với khối doanh nghiệp nước ngoài đang được đặt ra như một giải pháp gỡ rối cho tình trạng yếu kém của công nghiệp phụ trợ.

Một chỉ số khác cũng đáng quan tâm là chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI). PMI tháng 3 đạt 51,3 điểm, tăng nhẹ từ mức 51 điểm trong tháng 2, đánh dấu tháng thứ 7 liên tiếp chỉ số này vượt qua mốc trung bình 50 điểm (trên 50 nghĩa là tăng trưởng). Điều đó cho thấy điều kiện sản xuất đang dần thay đổi theo hướng có lợi cho nhà sản xuất trong nước.

Sản lượng và đơn hàng mới đều tăng nhanh hơn, nhưng việc chỉ số rơi xuống vùng suy giảm là đáng lưu ý vì nó đã giảm dần từ tháng 12/2013. Nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn đối mặt với tình trạng giá đầu vào tăng và tiêu thụ khó khăn, buộc họ tiếp tục giảm giá, ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Trong bối cảnh đó, số doanh nghiệp trong nước dừng hoạt động và giải thể trong quý I năm nay lại tiếp tục tăng lên, với mức tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái (16.745 doanh nghiệp). Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, có 18.358 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 16,9% về số doanh nghiệp và tăng 23,4% về vốn đăng ký. Có vẻ như khu vực doanh nghiệp đang có dấu hiệu tái sinh và bắt kịp với đà phục hồi kinh tế.

Môi trường cạnh tranh gay gắt cũng đang lọc máu doanh nghiệp qua việc đào thải doanh nghiệp yếu kém. Dù vậy, thời gian thành lập và giải thể doanh nghiệp kéo dài cộng với thủ tục phức tạp đang cản trở việc chấm dứt doanh nghiệp cũ và chuyển vốn đầu tư sang lĩnh vực kinh doanh mới.

Bằng chứng là xét về chỉ số thuận lợi kinh doanh, Việt Nam đạt thứ hạng thấp trong khởi tạo doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư, gánh nặng thuế, và giải thể doanh nghiệp. Vấn đề này được kỳ vọng sẽ sớm được giải quyết khi Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã được thông qua vào tháng 3/2014. Và các nội dung cụ thể sẽ được nghiên cứu và triển khai từ quý II năm nay. Môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi hơn sẽ tạo lực đẩy cho đầu tư và tiêu dùng trong 3 quý còn lại của năm, từ đó kích thích tăng trưởng kinh tế.

Quý I/2014, tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa ước đạt 4,96%, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2012 và 2013, nhưng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2010 và 2011. Đà tăng trưởng chưa được lấy lại đầy đủ khi sức bật mạnh của ngành dịch vụ và chế biến chế tạo đã bỏ xa sự trì trệ của khai khoáng và nông nghiệp. Ngành dịch vụ tăng 5,95%, công nghiệp và xây dựng tăng 4,69%, trong khi nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng 2,37%.

Một tín hiệu lạc quan là chỉ số niềm tin tiêu dùng Nielsen đã tiến gần hơn đến mốc 100 trong năm ngoái, cho thấy khả năng phục hồi tiêu dùng trong năm nay. Nghĩa là nền kinh tế có cơ hội tăng trưởng tốt hơn nhờ vào tiêu dùng. Tuy nhiên, chỉ số niềm tin tăng chưa dứt khoát và doanh thu bán lẻ tăng khiêm tốn từ đầu năm cho thấy người tiêu dùng còn ưu tiên tiết kiệm và chỉ mua hàng cho những nhu cầu thực sự cần thiết.

Lạm phát xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009

Gần đây, chỉ báo lạm phát thường được dẫn chứng cho luận điểm về tổng cầu yếu, nhất là khi số liệu 2 tháng đầu năm cho thấy lạm phát ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tổng cầu suy giảm tiếp tục được dùng để kêu gọi các biện pháp tài khóa nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế, khi mà ảnh hưởng từ các biện pháp kích thích tiền tệ chưa đủ mạnh. Điều này dường như càng thuyết phục hơn khi lạm phát tháng 3.2014 đã ở mức thấp nhất kể từ năm 2009 và kể từ đầu năm, chỉ số giá chung chỉ tăng 0,8%.

Lạm phát thấp có một phần nguyên nhân từ việc giảm giá các hàng hóa cơ bản. Sự hạ nhiệt của lạm phát vào giai đoạn sau Tết là một xu hướng đã được ghi nhận trong nhiều năm. Và việc lạm phát âm nhẹ (giảm 0,44% so với tháng 2) chưa đáng lo ngại khi sự giảm giá đến từ lương thực (giảm 0,13%) và thực phẩm (giảm 1,54%), vốn là hai nhóm hàng hóa đã tăng đáng kể trước Tết.

Nhu cầu cho ăn uống dường như đã trở về quỹ đạo cũ khi hiệu ứng kích thích tiêu dùng ngày Tết đã phai nhạt. Bên cạnh đó, thời tiết lạnh kéo dài đã góp phần duy trì lượng cung dồi dào và tạo áp lực giảm giá nông sản, một điểm khác biệt so với nhiều năm trước. Ngoài ra, chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,73% (chủ yếu do giá gas giảm theo giá thế giới) góp phần kéo giảm tỉ lệ lạm phát xuống mức thấp hiếm thấy.

Bên cạnh việc giảm giá không đáng kể của nhóm bưu chính viễn thông và giao thông thì 7 trong số 11 nhóm hàng hóa khác có mức tăng nhẹ. Đáng kể nhất là nhóm đồ uống và thuốc lá (0,24%), hàng hóa và dịch vụ khác (0,23%), thiết bị và đồ dùng gia đình (0,16%) và văn hoá, giải trí, du lịch (0,1%).

Tính toán của tác giả cho thấy lạm phát lõi cũng ở mặt bằng thấp trong 5 năm trở lại đây và áp lực gây tăng giá có dấu hiệu yếu dần trong 6 tháng gần đây. Khi loại bỏ yếu tố mùa vụ, lạm phát lõi quý I tăng chưa đầy 0,3% so với cuối năm ngoái và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, so với nhiều năm trước, giá cả chung đã tăng chậm hơn một cách đáng kể. Đường xu hướng của lạm phát lõi cũng gợi ý chỉ báo này đang đi vào ổn định sau khi trượt nhanh từ tháng 8 năm ngoái. Để biết chính xác hơn xu hướng dài hạn của chỉ báo quan trọng này, còn phải chờ dữ liệu của các tháng tiếp theo.

Với diễn biến lạm phát vừa qua, cần thận trọng với các dự định kích cầu. Nếu thấy cần phải thực hiện thì phải đặt chúng trong sự cân nhắc với các chương trình tái cơ cấu theo hướng giảm sự tham gia của doanh nghiệp nhà nước và giảm đầu tư công sử dụng ngân sách nhà nước.