Kinh tế quý I: Tạm xóa mối lo tăng trưởng thấp

Theo Đỗ Lê/thoibaonganhang.vn

Dù bức tranh kinh tế quý I có nhiều điểm sáng hơn so với dự báo nhưng mối quan ngại tăng trưởng có thể thấp hơn, trong khi lạm phát cao hơn trong năm nay vẫn tồn tại.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Lạc quan hơn với tăng trưởng

Nỗi lo tăng trưởng quý I sẽ ở mức rất thấp như một số chuyên gia đã quan ngại trước đó đã được xóa bỏ sau khi số liệu của Tổng cục Thống kê được công bố cho thấy, tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2019 đạt 6,79% (cao hơn mức ước tính 6,58% mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra vào tuần đầu tháng này). Khả năng tăng trưởng kinh tế sẽ giảm tốc so với cùng kỳ năm ngoái là điều đã được dự đoán từ trước nhưng mức 6,79% là cao hơn kỳ vọng, cho thấy nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khả quan.

“Có 2 yếu tố làm cho tốc độ tăng trưởng quý I giảm đi một chút so với cùng kỳ. Thứ nhất là tăng trưởng của năm ngoái cao, với quý I/2018 tăng đến 7,45% là vượt quá xu hướng thông thường. Do cao như thế nên tốc độ tăng trưởng quý I năm nay có thấp hơn một chút là điều bình thường. Yếu tố thứ hai là cầu nhập khẩu bên ngoài giảm khiến kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước nên cũng sẽ có ảnh hưởng”, ông Nguyễn Tú Anh - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN phân tích.

Trong khi đó, hàng loạt các yếu tố khác vẫn đang hỗ trợ tốt cho tăng trưởng như sức cầu trong nước tiếp tục cải thiện; vốn FDI đăng ký và giải ngân cao; chỉ số PMI vẫn đứng vững trên 51 điểm; các khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng, nông nghiệp đều tiếp tục tăng trưởng tốt…

“Những yếu tố cho thấy nền kinh tế vẫn đang hoạt động tốt và khả năng tăng trưởng GDP ở mức 6,6% cho cả năm nay là hoàn toàn đạt được. Còn ở mức cao hơn (6,8%) thì còn phụ thuộc các yếu tố bên ngoài, như nhu cầu nhập khẩu liệu có cải thiện hơn so với các dự báo gần đây không. Do đó, không nên quá lo lắng trong việc tăng trưởng sụt giảm”, ông Nguyễn Tú Anh bình luận.

Ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh - Giám đốc nghiên cứu Công ty Viet Analytics cho rằng, tăng trưởng chậm lại trong quý I/2019 là điều hợp lý bởi đơn giản là nền kinh tế không có những cú huých mạnh như trong giai đoạn 2017 – 2018 khi các tập đoàn lớn Samsung và Formosa “bung” công suất. “Với mức tăng trưởng tiềm năng khoảng 6,4-6,5% hiện nay thì tăng trưởng kinh tế năm nay quanh ở mức này là vừa sức và hợp lý”, chuyên gia này nhận định.

Một số liệu cũng khá tích cực khác là CPI tháng 3/2019 giảm 0,21% so với tháng trước, qua đó giúp đưa CPI bình quân quý I/2019 chỉ tăng 2,63% so với bình quân cùng kỳ năm 2018 và đây là mức tăng bình quân quý I thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Như vậy, lo ngại cho rằng quy luật CPI giảm sau tết có thể tiếp tục bị phá vỡ như giai đoạn 2015-2017 cũng đã được loại trừ.

Kiên trì với chính sách trọng cung

Tuy nhiên, dù CPI tháng 3 giảm nhưng yếu tố “bất định” lại gia tăng. Điều này thể hiện ít nhất ở hai yếu tố: Một là, giá thực phẩm (cấu phần quan trọng trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống) giảm tới 1,97% mà chủ yếu là do giá thịt lợn giảm mạnh. Đây là yếu tố rất cần lưu tâm bởi giá thịt lợn có thể tăng mạnh trở lại (và nhiều khả năng kéo theo giá tăng ở các mặt hàng khác như thịt gà, bò…) trong những tháng tới khi dịch tả lợn châu Phi qua đi và nguồn cung sụt giảm mà người nuôi không tái đàn, qua đó tác động tới mặt bằng giá nói chung.

Như vậy ngay từ lúc này, việc tính toán tái đàn sao cho phù hợp để tránh thiếu hụt nguồn cung cần đặt ra. Nhưng một vấn đề còn cấp thiết hơn là phải quyết tâm bằng mọi cách phải dập được dịch tả lợn trong thời gian sớm nhất, từ đó người nuôi mới yên tâm tái đàn mà không lo cung thừa sau này.

Yếu tố thứ hai là tác động của đợt tăng giá điện ngày 20/3 vừa qua. Các tác động trực tiếp và gián tiếp của đợt tăng giá này chưa được phản ánh trong tháng 3 và quý I này do chu kỳ lấy số tính CPI của Tổng cục Thống kê kéo dài từ ngày 16 tháng liền trước cho tới ngày 15 tháng công bố.

Do đó, tác động cụ thể vào CPI ra sao sẽ chỉ thấy được rõ nét trong các tháng tới. Dù bức tranh kinh tế quý I có nhiều điểm sáng hơn so với dự báo nhưng mối quan ngại tăng trưởng có thể thấp hơn, trong khi lạm phát cao hơn trong năm nay vẫn tồn tại.

Theo ông Đinh Tuấn Minh, quan ngại có thể được đặt ra nhưng quan trọng hơn là hành động như thế nào. Trong đó, chuyên gia này cho rằng cần tránh việc vì muốn đạt được mức tăng trưởng cao hơn mà triển khai các chính sách kích cầu ngắn hạn, bởi những hệ lụy sau đó trong đó có áp lực lạm phát. Đây là vấn đề mà chúng ta đã từng gặp phải trong quá khứ và cần tránh lặp lại.

Thay vào đó, cần kiên trì đi theo con đường trọng cung, tiếp tục tập trung vào triển khai tốt các chính sách và giải pháp như đã làm trong những năm vừa qua, trong đó cố gắng đẩy nhanh những phần công việc có thể làm tốt hơn như trong cải thiện môi trường kinh doanh, thoái vốn DNNN và dùng tiền đó đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng cho rằng, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát luôn cần là những ưu tiên hàng đầu.

Riêng với lạm phát, chuyên gia này nhấn mạnh: “Người ta vẫn ví lạm phát như một con hổ. Khi hổ được nhốt trong chuồng thì nó chỉ là con hổ cảnh thôi, rất hiền và cho mình cảm giác yên tâm. Nhưng nếu thấy nó hiền và thả ra thì rất khó để nhốt lại. Lúc đó, ghìm cương lạm phát sẽ rất khó khăn”.